Ở nơi đất ngập nước

Đất ngập nước, theo Công ước Ramsar được coi là có tầm quan trọng quốc tế. Đây là nơi cư trú của nhiều loài chim nước, cũng là 'bến đỗ' của những loài chim di trú.

Sự đa dạng của đất ngập nước Xuân Thủy.

Công ước Ramsar được ký vào năm 1971, tại thành phố Ramsar của Iran, được xác định là một thỏa thuận liên chính phủ về bảo tồn, sử dụng các nguồn tài nguyên từ đất ngập nước.

Với đất nước ta, những vùng đất ngập nước có vai trò quan trọng, phân bổ chủ yếu ở châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Cửu Long. Với bờ biển dài hơn 3.260 km, dọc theo đó cũng có nhiều vùng đất ngập nước.

Theo giới nghiên cứu, đất nước ta có hơn 25 vùng đất ngập nước theo tiêu chí của Công ước Ramsar. Tới nay, đã có 6 khu đất ngập nước của Việt Nam được công nhận vào danh sách các khu Ramsar là: Vườn quốc gia Xuân Thủy, khu hệ đất ngập nước Bàu Sấu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, Vườn quốc gia Ba Bể, Vườn quốc gia Tràm Chim, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn quốc gia Côn Đảo.

Vườn quốc gia Xuân Thủy là vùng đất ngập nước nổi tiếng nhất châu thổ đồng bằng sông Hồng. Đây chính là “bến đỗ” lý tưởng của nhiều loài chim trú đông của các loài chim nước di cư. Vào mùa Xuân Thủy đón các đàn chim di cư, không gian trở nên cực kỳ sinh động. Trên bầu trời, chi chít chấm đen của hằng hà vô số chim. Chúng chao liệng và khi hạ cánh thì phát ra nhiều âm thanh hỗn độn rất đặc biệt.

Vào năm 1988, khu bãi bồi ở phía Nam cửa sông Hồng thuộc huyện Xuân Thủy (tỉnh Nam Định) được công nhận là khu Ramsar thứ 50 của thế giới và là đầu tiên của khu vực Đông Nam Á. Tại đây, có 14 kiểu sinh cảnh, gồm các sinh cảnh tự nhiên và sinh cảnh nhân tạo. Sự đa dạng sinh học cũng rất nổi bật với các bãi bồi và rừng ngập mặn tự nhiên. Hệ thực vật đặc trưng của đất ngập nước cửa biển, trong đó cây ô-rô mọc hoang dã rất đặc biệt.

Người ta cũng cho rằng, tại đây có chừng 20.000 cá thể chim nước (con số có được qua các đợt khảo sát năm 1988 và 1994. Tuy nhiên, nơi đây cũng ghi nhận 8 loài chim bị đe dọa và sắp bị đe dọa ở mức toàn cầu, đó là cò thìa, cò trắng Trung Quốc, choắt lớn mỏ vàng, mòng bể mỏ ngắn, bồ nông chân xám, rẽ mỏ thìa, giang sen, choắt chân màng lớn.

Cũng tại phía Bắc, Vườn quốc gia Ba Bể được ví như một Viên ngọc xanh của núi rừng. Năm 2011, Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) được công nhận là khu Ramsar thứ 1.938 của thế giới và thứ 3 của Việt Nam (sau Xuân Thủy và Bàu Sấu). Nơi đây có hệ sinh thái độc đáo, là nơi có các sinh cảnh nước ngọt rất đa dạng, trong đó có nhiều các ao tù nhỏ và các vùng đầm lầy.

Trong rừng Mũi Cà Mau.

Đây là nơi duy nhất bảo vệ hệ sinh thái hồ nước ngọt tự nhiên trong vùng đá vôi. Tại đây có 106 loài cá. Còn cầy vằn bắc và voọc đen má trắng đang có nguy cơ tuyệt chủng. Tương tự, chim vạc hoa được cho là phải bảo vệ khẩn cấp trong tổng số khoảng 235 loài chim sinh sống tại đây.

Với vùng đất ngập nước Bàu Sấu (trong Vườn quốc gia Cát Tiên thuộc tỉnh Đồng Nai), hệ sinh thái, động thực vật vô cùng phong phú, trong đó có cả bò tót, hay là tê giác Java - được coi như đã tuyệt chủng. Tại đây, người ta còn thấy cả những đàn voi châu Á, gấu chó, gấu ngựa, hổ, báo...

Bàu Sấu có nghĩa là hồ nước có nhiều cá sấu sinh sống. Theo thời gian, loài cá sấu này dần cạn kiệt, trong tình trạng bảo tồn ở mức rất nguy cấp (CR) theo Sách đỏ Việt Nam (2007) và Danh lục đỏ của IUCN (2012).

Tuy nhiên, từ năm 2001 đến năm 2005, Vườn quốc gia Cát Tiên đã phục hồi quần thể cá sấu nước ngọt ở Bàu Sấu bằng cách tái thả 60 con cá sấu trưởng thành sau khi đã kiểm tra ADN đảm bảo thuần chủng, phục hồi bản năng tự nhiên như bắt mồi, sinh sản cho chúng. Đây là chương trình phục hồi loài cá sấu nước ngọt trong môi trường tự nhiên thành công đầu tiên của Việt Nam.

Tại Bàu Sấu có 158 loài chim nước, với các loài chim quý hiếm như hạc cổ trắng, công, già đẫy Java, cò quắm cánh xanh, ngan cánh trắng…
Khu đất ngập nước thứ tư cũng rất nổi tiếng, đó là Vườn quôc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), khu Ramsar thứ 2.000 trên thế giới. Nơi đây cũng tồn tại hệ sinh thái độc đáo với nhiều nhóm loài đặc hữu quý hiếm, nhóm loài di cư đa dạng.

Hàng năm, nơi này ngập nước tới 6 tháng, với độ sâu tối đa là 2,5 m. Cũng vì thế mà thảm thực vật của Tràm Chim chủ yếu là đồng cỏ ngập theo mùa và các mảng rừng tràm. Nơi đây tự hào bởi loài sếu đầu đỏ- được coi là biểu tượng của Vườn quốc gia Tràm Chim. Nhưng, sếu đầu đỏ cũng thuộc loài rơi vào tình thế nguy cấp (VU) trên phạm vi toàn cầu.

Sếu đầu đỏ - biểu tượng của Tràm Chim.

Kể từ năm 2012, khi được sự công nhận của Công ước quốc tế Ramsar về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý các vùng đất ngập nước, Vườn quốc gia Tràm Chim đã khôi phục môi trường sống tự nhiên cho 13 loài chim quý hiếm của thế giới, trong đó có sếu đầu đỏ.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau- nơi có 3 mặt giáp với biển được công nhận là khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới và là thứ 5 của Việt Nam. Nơi đây có hệ sinh thái độc đáo, có tầm quan trọng đặc biệt đối với các vùng lân cận.

Không nơi nào trên đất nước ta có diện tích rừng ngập mặn lớn như Cà Mau, với hệ thực vật phong phú, hệ động vật đặc hữu. 3 mặt giáp với biển, khu vực này chịu tác động của hai chế độ thủy triều (phía Tây và phía Đông). Đây cũng là điểm dừng chân và trú đông rất quan trọng cho nhiều loài chim nước di cư.

Một góc Côn Đảo.

Cuối cùng, thứ 6, chính là Vườn quốc gia Côn Đảo (thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)- nơi gần đất liền nhất cũng ngót 100km đường chim bay. Đây chính là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam.

Năm 2013, Vườn quốc gia Côn Đảo được công nhận là khu Ramsar thứ 2.203 của thế giới và thứ 6 của Việt Nam. Tại đây, người ta ghi nhận 1.077 loài thực vật có mạch, 29 loài thú, 85 loài chim và 46 loài bò sát, ếch nhái. Một số loài chim ở Côn Đảo không tìm thấy ở bất kỳ một nơi nào khác, như Bồ câu nicoba, chim nhiệt đới, chim điên mặt xanh và gầm gì trắng.

Có tới 44 loài động thực vật ghi tên trong Sách đỏ Việt Nam. Đáng chú ý nhất, đây là nơi làm tổ quan trọng của loài vích và đồi mồi, hai loài rùa biển đang bị đe dọa tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu.

Nguyễn Thanh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/o-noi-dat-ngap-nuoc-tintuc403542