Ở nơi đào tạo những 'chiến binh' đặc biệt

Trong lực lượng Công an nhân dân có một 'lực lượng đặc biệt' - đó là chó nghiệp vụ. Từ khóa học đầu tiên được khai giảng ngày 15-12-1959, với 44 học viên do chuyên gia Liên Xô (cũ) trực tiếp giảng dạy, huấn luyện, đến nay lực lượng quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Công an nhân dân đã đào tạo được hàng nghìn cán bộ huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ cho các đơn vị Công an và địa phương trên toàn quốc.

Đại tá Nguyễn Trọng Chí, Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động thông tin cùng với sự phát triển về tổ chức, đội ngũ cán bộ sử dụng động vật nghiệp vụ được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình chuẩn của Bộ Công an, có năng lực nghiệp vụ chuyên ngành, tâm huyết với nghề nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu công tác sử dụng động vật nghiệp vụ, phục vụ đấu tranh phòng chống tội phạm.

Số lượng đơn vị và cán bộ sử dụng động vật nghiệp vụ được tăng dần hàng năm. Đến nay, trong toàn quốc có 118 đơn vị, địa phương sử dụng chó nghiệp vụ, gồm 1.200 cán bộ huấn luyện và 900 chó nghiệp vụ với 5 chuyên khoa gồm bảo vệ và truy tìm dấu vết hơi, phát hiện ma túy, thuốc nổ, giám biệt mùi hơi người, tìm kiếm cứu nạn. Công an các tỉnh, thành phố trọng điểm, các địa bàn trọng yếu đều đã được trang bị sử dụng động vật nghiệp vụ. Kết quả đó có đóng góp tích cực của Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ và Phòng Hướng dẫn sử dụng động vật nghiệp vụ trong việc tham mưu cho Bộ phát triển “binh chủng đặc thù” này.

Sự góp mặt của chó nghiệp vụ góp phần đảm bảo an ninh trật tự nhiều địa bàn phức tạp

Sự góp mặt của chó nghiệp vụ góp phần đảm bảo an ninh trật tự nhiều địa bàn phức tạp

Thượng tá Ngô Văn Khoa, Giám đốc Trung tâm huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động nhìn nhận, có thể nói ở đâu phức tạp về an ninh trật tự, hoặc các tụ điểm phức tạp về tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội thì ở đó có lực lượng “đặc biệt” này. Điển hình: năm 2016 tham gia hỗ trợ điều tra phá án, truy xét tội phạm, trong đó lùng sục phát hiện 18 vụ ma túy. Trong số những vụ việc này, chó nghiệp vụ đã tham gia vây bắt đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, dùng súng quân dụng chống trả lực lượng vây bắt. Chó nghiệp vụ cũng đã tham gia giám biệt mùi hơi trong hàng trăm vụ án khác, điển hình như vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại số nhà 16, phường Hồng Châu, TP Hưng Yên và sau 6 ngày, lực lượng công an đã tìm ra thủ phạm…

Trong lĩnh vực đấu tranh với các loại tội phạm hình sự và tội phạm kinh tế, phòng, chống tệ nạn xã hội và các loại tội phạm khác, Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ đã tích cực phối hợp có hiệu quả với đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương ra quân bắt, khám, xét trong các chuyên án lớn với hàng trăm đối tượng đặc biệt nguy hiểm trong các tổ cức tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, các tụ điểm phức tạp về ma túy, đánh bạc và các chiến dịch chống buôn lậu trên tuyến biên giới như tăng cường vây bắt Vàng A Khua, đối tượng truy nã nguy hiểm về tội phạm buôn bán ma túy; tham gia triệt phá đường dây sử dụng trái phép thiết bị điện tử công nghệ cao xuyên quốc gia tại TP.HCM và triệt phá băng nhóm tổ chức đánh bạc do Vũ Hoàng Oanh cầm đầu tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vào năm 2010; phối hợp truy bắt tội phạm buôn bán ma túy xuyên quốc gia tại TP. HCM và thu giữ ma túy với khối lượng lớn năm 2019…

Hàng năm, đơn vị luôn chủ động phối hợp, tăng cường với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ, Công an các địa phương tham gia đấu tranh triệt phá nhiều chuyên án lớn và giải quyết các vụ việc đột xuất, phức tạp về an ninh, trật tự trên một số tuyến, địa bàn trọng điểm, góp phần đảm bảo TTATXH.

Trung tâm Huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ đã huấn luyện hàng nghìn chó nghiệp vụ cho công an các đơn vị, địa phương

Thượng úy Trần Văn Ngọ, Đội phó Đội Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ bày tỏ, công tác huấn luyện động vật nghiệp vụ nói chung và chó nghiệp vụ nói riêng là công tác rất đặc thù của lực lượng Công an nhân dân vừa mang tính nghiệp vụ và khoa học chuyên sâu. Lúc đầu, khi mới tiếp xúc với chó nghiệp vụ khá sợ hãi, nhưng sau vài lần tiếp cận đã thấy rất yêu mến công việc của mình.

Trải qua 60 năm, với nhiều thay đổi về tổ chức bộ máy, nhưng Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp đã huấn luyện hàng nghìn chó nghiệp vụ phục vụ cho công tác chiến đấu, phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia. Các “chiến binh đặc biệt” này đã luôn hoàn thành tốt công việc của mình, trở thành nỗi sợ hãi của các loại tội phạm, hỗ trợ đắc lực cho công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân.

Hạ Anh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/o-noi-dao-tao-nhung-chien-binh-dac-biet/836122.antd