Ổ nhóm 'sản xuất' bằng tiến sỹ, thạc sĩ… giá rẻ bị lật tẩy như thế nào?

Trong lúc làm ăn thua lỗ, Nguyễn Văn Vinh, SN 1980, quê ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An nảy sinh ý định làm các loại giấy tờ, bằng cấp để kiếm tiền. Tuy hoạt động vô cùng tinh vi nhưng mới đây, Vinh và đồng bọn bị lực lượng Phòng CSHS CATP Hà Nội phát hiện, bắt giữ.

Ngày 31-3, cơ quan CSĐT CATP Hà Nội cho biết đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Vinh và đồng bọn là Lê Bá Toàn, SN 1993, trú tại phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội cùng các đối tượng liên quan để tiếp tục điều tra, mở rộng.

Theo đó, rạng sáng 13-3 vừa qua, tổ công tác số 2 của Phòng CSHS CATP Hà Nội thực hiện Mệnh lệnh 01 của Giám đốc CATP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra hành chính đối với Phạm Huy Hồng, SN 1954, trú tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội khi người đàn ông này đang điều khiển ô tô trong ngõ 84 Lĩnh Nam, phường Mai Động, phát hiện 2 bộ hồ sơ gồm học bạ và một số văn bằng chứng có dấu hiệu làm giả.

Hai đối tượng Nguyễn Văn Vinh (trái) và Lê Bá Toàn tại CQCA.

Hai đối tượng Nguyễn Văn Vinh (trái) và Lê Bá Toàn tại CQCA.

Từ manh mối này và bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác đã làm rõ đường dây làm giấy tờ giả do Nguyễn Văn Vinh cầm đầu. Ngay khi có đủ tài liệu, chứng cứ, CQCA đã thực hiện lệnh bắt giữ đối với Vinh và khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng, thu giữ toàn bộ các loại máy móc, thiết bị để làm giả giấy tờ, nhiều phôi bằng cấp từ tiến sỹ, thạc sỹ đến cử nhân và cả sổ đỏ…

Tại CQĐT, bước đầu Vinh đã thừa nhận hành vi phạm tội. Được biết, Vinh từng học tập và làm việc tại Hà Nội nhiều năm. Đến năm 2015, công việc làm ăn thua lỗ, Vinh nghĩ cách kiếm tiền. Thời gian này, Vinh nắm được nhu cầu cần mua bằng cấp, giấy tờ giả của nhiều người nên đã lên mạng xã hội tìm hiểu cách thức làm giấy tờ giả của các cơ quan, tổ chức, trường học để tự “sản xuất” và mang bán.

Sau khi nắm được cách thức “sản xuất”, Vinh đặt mua nhiều loại máy móc chuyên dùng như máy in màu, máy photocopy, máy ép plastic và khuôn lưới để in ấn... Có đủ “đồ nghề”, Vinh tiếp tục lên mạng tìm tòi để làm giả chữ ký, con dấu của các cá nhân và đơn vị liên quan.

Để qua mặt cơ quan chức năng, Vinh có một nguyên tắc hoạt động là chỉ thông qua các mối quan hệ xã hội để tìm “khách”, tuyệt đối không rao bán trên mạng internet. Ai có nhu cầu làm giấy tờ gì, bằng cấp gì? Vinh sẽ hoàn thành và giao hàng trong khoảng thời gian từ 2 đến 7 ngày tùy loại giấy tờ.

Theo đó, một bằng tiến sĩ giả Vinh bán với giá 3 triệu đồng, bằng tốt nghiệp cử nhân và trung cấp có giá từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng, các loại giấy tờ như chứng chỉ, học bạ, xác nhận bảng điểm có giá dao động từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng.

Để có nhiều khách, Vinh hợp tác với Lê Bá Toàn, đối tượng này có nhiệm vụ “môi giới” tìm kiếm khách hàng cho Vinh. Khi tìm được khách có nhu cầu, Toàn yêu cầu khách gửi thông tin cá nhân qua zalo, viber hoặc messenger cho Toàn để đối tượng chuyển cho Vinh. Trong những “khách hàng” của Vinh có Phạm Huy Hồng.

Thông qua Toàn, Hồng đã thuê Vinh làm giả 2 bộ hồ sơ gồm học bạ, bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng cử nhân và kết quả học tập. Vinh “chốt” khách và hẹn đến ngày 12-3-2018 thì sẽ có đầy đủ giấy tờ, bằng cấp mà ông Hồng đặt.

Theo đó, ngày 12-3, sau khi “sản xuất” xong, Toàn nhận hai bộ hồ sơ từ Vinh rồi đưa cho một đối tượng khác chuyên ship “hàng” là Phạm Minh Nhật, SN1995, quê ở xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa để chuyển đến tay Hồng.

Đến khoảng 0g30 rạng sáng 13-3, Hồng nhận hai bộ hồ sơ để trên xe ô tô rồi điều khiển xes về nhà thì bị lực lượng Phòng CSHS CATP Hà Nội kiểm tra hành chính theo Mệnh lệnh 01 phát hiện, bắt giữ. Hiện cơ quan CSĐT đã thu giữ toàn bộ tang vật và ra quyết định tạm giữ hình sự các đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Mai Chi

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/o-nhom-san-xuat-bang-tien-sy-thac-si-gia-re-bi-lat-tay-nhu-the-nao-113088.html