Ô nhiễm tiếng ồn: Khi nỗi sợ đến từ âm thanh

Thời gian qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liên tục đưa ra những cảnh báo về tác động của ô nhiễm tiếng ồn. Theo nghiên cứu, sự phát triển của các khu đô thị đi kèm với sự gia tăng tiếng ồn đang trở thành một nỗi ám ảnh của người dân, khi 'sát thủ thầm lặng' từ đường phố, sân bay, ga tàu hay công trường xây dựng cứ lặng lẽ len lỏi vào từng ngôi nhà, bất chấp các cánh cửa đóng kín.

Những âm thanh ồn ào được xem là mối nguy thứ hai đối với sức khỏe cộng đồng, chỉ đứng sau ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học công nghệ đã giúp hình thành nhiều ý tưởng độc đáo nhằm giảm bớt những tác động của tiếng ồn đối với con người.

Sát thủ thầm lặng

Ô nhiễm tiếng ồn hiện diện ở khắp mọi nơi, và có xu hướng trở nên nghiêm trọng ở các đô thị - khu vực đứng dầu danh sách những nơi có độ ô nhiễm tiếng ồn cao nhất với mức trung bình là 55 - 67 decibel (dB). Theo WHO, ô nhiễm tiếng ồn có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tổng thể của cơ thể người, và đặc biệt làm tổn thương khả năng nghe. Tai người có khả năng nghe những âm thanh lên đến 85dB (ngưỡng nguy hiểm) mà không bị tổn thương, nhưng nếu âm thanh lớn hơn có thể làm mất khả năng này vĩnh viễn, nghĩa là sẽ bị điếc.

Ngoài ra, tiếng ồn có liên hệ với tình trạng căng thẳng thần kinh, khiến các mô tế bào bị hủy hoại. Âm thanh có cường độ càng lớn càng gia tăng áp lực tuần hoàn máu và làm sản sinh những hormone giúp giảm căng thẳng theo cơ chế tự nhiên để phản ứng với những tiếng động lớn. Cơ chế này được cho rằng sẽ có tác động cấu trúc lại não bộ, khiến các khối u gia tăng sự phát triển, tạo nên nguy cơ rối loạn hô hấp về lâu dài. Rõ ràng, tiếng ồn khiến con người bất an, lo lắng hơn và điều nguy hại tiềm tàng là ung thư, béo phì, hô hấp và nhiều bệnh khác bị tình trạng ô nhiễm tiếng ồn làm cho trầm trọng hơn.

WHO đã công bố các số liệu cho thấy sự liên hệ giữa tiếng ồn với tình trạng suy giảm nhận thức hay các bệnh về suy nhược thần kinh. 40% dân số của Liên minh châu Âu thường xuyên phải chịu đựng tiếng ồn từ giao thông ở mức trên 55dB, trong khi chỉ cần ở mức 30dB cũng đủ gây ra triệu chứng khó ngủ hoặc không thể tập trung. Tại Singapore, người dân bị rối loạn giấc ngủ do tiếng ồn từ tàu lửa tốc độ cao, máy bay, và các công trình xây dựng. Cho dù theo thời gian, con người có thể quen dần với những âm thanh cường độ lớn, nhưng mối đe dọa của ô nhiễm tiếng ồn vẫn không hề suy giảm.

WHO thậm chí coi ô nhiễm tiếng ồn là một trong những kẻ thù của hệ tim mạch. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong một khoảng thời gian nhất định sẽ gây ra chứng tăng huyết áp. Bản chất môi trường ô nhiễm tiếng ồn khiến nguy cơ bị xơ vữa động mạch tăng cao, do cơ thể phải tiết ra kháng chất để "sống chung" với các loại tiếng động không mong muốn. Tại Đức, tiếng ồn giao thông là nguyên nhân của hơn 1.600 vụ nhồi máu cơ tim mỗi năm. Trong khi đó, một nghiên cứu của các nhà khoa học Hy Lạp cuối năm 2018 cho thấy đối với những người sống gần sân bay, cứ 10dB tiếng ồn tăng lên khi máy bay hạ cánh vào ban đêm, nguy cơ tăng huyết áp lại gia tăng đáng kể.

Ý tưởng chống ồn

Tiếng ồn - một yếu tố thường bị coi thường trong đời sống - có sức tàn phá ghê gớm, dù cực kỳ thầm lặng. Để hạn chế những ảnh hưởng của ô nhiễm tiếng ồn, chính phủ nhiều quốc gia đang cân nhắc những quy chuẩn về tiếng ồn được cho phép và cho từng khu vực, đặc biệt là ở khu đô thị. Singapore đưa ra một đề xuất vô cùng thú vị - lập bản đồ tiếng ồn đô thị theo từng kịch bản với thời gian cụ thể - để xác định nguyên nhân, vị trí phát ra tiếng ồn và khu vực chịu ảnh hưởng. Bằng cách này, các nhà quản lý lập kế hoạch kiểm tra và đánh giá các phương án xử lý tốt nhất để giảm tiếng ồn quá mức và bảo vệ người dân, hay điều chỉnh các luồng giao thông chính - phụ trong các giờ cao điểm vào ban ngày hay lúc vắng xe cộ vào ban đêm.

Trong khi đó, lấy cảm hứng từ công nghệ triệt tiêu tiếng ồn được sử dụng trong tai nghe, các kỹ sư Mỹ đã phát triển một hệ thống thiết bị gắn vào cửa sổ, giúp giảm tiếng ồn đến 50%. Thiết bị sử dụng cơ chế đo đạc âm thanh đặc biệt hoạt động như các bộ loa và được nối với một bộ xử lý.

Chúng sử dụng microphone để "nghe" tiếng ồn vọng đến, trước khi các thuật toán phân tích dạng sóng và tạo ra một phiên bản sóng ngược phát ra qua loa. Khi cả hai luồng sóng - tiếng ồn và phiên bản sóng âm chống ồn - hội tụ, chúng triệt tiêu lẫn nhau, khiến âm thanh của môi trường xung quanh "mềm" và dịu hơn với tai người. Hiện nay, công nghệ hủy tiếng ồn này đang còn được tiếp tục cải tiến trước khi chính thức được đưa vào thương mại hóa trong năm 2019.

Ý tưởng thú vị nhất được đánh giá có thể trở thành xu hướng của năm 2019 về giảm ô nhiễm tiếng ồn toàn cầu mang tên "sân bay im lặng". Có thể nói, tiếng ồn tại sân bay tạo nên rất nhiều phiền toái cho các hành khách, nhất là đối với các chuyến bay dài đòi hỏi phải đổi chuyến hay nối chuyến. Nhằm đem lại trải nghiệm tốt hơn cho hành khách, nhiều sân bay trên thế giới quyết định giảm thiểu, hoặc không còn thông báo bằng loa phát thanh, mà chỉ thực hiện phát thanh trong trường hợp khẩn cấp hoặc khi có thời tiết xấu. Ở trạng thái bình thường, hành khách sẽ nhận được thông báo qua các bảng tin điện tử.

Bắt đầu áp dụng tại sân bay ở London (Anh), các chiến dịch "sân bay im lặng" dần lan tỏa đến các sân bay trong phạm vi Bắc Mỹ, châu Âu, hay châu Á. Nhiều chuyên gia cho rằng việc cắt giảm thông báo bằng loa tại các sân bay là một bước đi đúng hướng. Khi có ít tiếng ồn, hành khách sẽ có một không gian tĩnh lặng và thư thái hơn. Hoạt động của não bộ sẽ hiệu quả hơn và quan trọng là sức khỏe tinh thần được cải thiện. Nhờ vậy, những phản ứng quá khích như hành hung nhân viên sân bay có lẽ sẽ được giảm mạnh...

Việt Dũng

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/o-nhiem-tieng-on-khi-noi-so-den-tu-am-thanh-529128/