Ô nhiễm tại các dòng sông: Xử lý cách nào?

Ô nhiễm sông Cầu là vấn đề hết sức cấp bách và hiện đã có đề án xử lý môi trường tại lưu vực này.

Tại phiên chất vấn chiều 31/10, đại biểu Leo Thị Lịch đã chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường về ô nhiễm sông Cầu.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Năm 2016 có 3 lần cá chết nổi trên sông, năm 2017 là 10 lần. "Bộ có biện pháp gì khắc phục tình trạng trên?", Đại biểu Leo Thị Lịch đặt câu hỏi.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: "Đây là vấn đề hết sức cấp bách và hiện đã có đề án xử lý môi trường lưu vực sông Cầu".

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, vấn đề tồn tại lớn nhất là các đề án, tiểu đề án không đủ kinh phí thực hiện. "Nếu chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước để thực hiện đề án thì sẽ không thành công. Vì thế, cần xác định với các làng nghề, khu công nghiệp... là nguồn gây ô nhiễm thì phải xử lý theo đúng quy định, yêu cầu trả tiền khắc phục", ông Hà nói.

Trước đó, tại phiên chất vấn ngày 30/11, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) cũng chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường về việc khắc phục ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ, sông Đáy (Bộ hứa giải quyết sau 5 năm, bây giờ vẫn chưa sạch).

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: "Mong muốn của đại biểu, nhân dân và tôi là giải quyết ô nhiễm các sông sớm được tốt nhất. Thời gian tôi nói sau 5 năm để dòng sông trở lại như xưa là vì quan điểm xử lý dòng sông liên tỉnh thì phải xử lý tại nguồn".

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trên thực tế các dòng sông này liên quan đến cá địa phương như Hà Nội thì nguồn nước chưa xử lý, rồi từ Hòa Bình chảy về Hà Nam thì cho thấy trách nhiệm của địa phương. Hà Nội có đề án tổng thể, trong đó có sông Nhuệ, Đáy. Tuy nhiên cơ chế phối hợp chưa hiệu quả, nguồn lực chưa bố trí được.

"Tôi đã kiến nghị việc xử lý Nhà nước chịu trách nhiệm ở góc độ chính quyền địa phương đánh giá nguồn thải và mô hình xử lý. Hà Nội hiện có nhiều mô hình xử lý, tập trung vào nước thải sinh hoạt. Nếu tính toán chi phí của Nhà nước và của người dân, từ người sản xuất thì hoàn toàn tính toán xã hội hóa để xử lý. Nhiều doanh nghiệp muốn vào nhưng việc lựa chọn đối tác công tư và thủ tục đấu giá không khác gì nguồn vốn Nhà nước nên cũng làm chậm xã hội hóa. Thời gian tới cần gắn trách nhiệm cụ thể của địa phương, tiến hành xã hội hóa thì mới giải quyết được". - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Mộc Trà

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/o-nhiem-tai-cac-dong-song-xu-ly-cach-nao-138894.html