Ô nhiễm sông Đáy đoạn qua địa phận huyện Hoài Đức: Lúng túng xử lý vi phạm!

Như Báo Hànôịmới đã nhiều lần phản ánh, đoạn sông Đáy qua địa phận huyện Hoài Đức, Hà Nội luôn trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân. 'Thủ phạm' chính gây ô nhiễm cũng đã được chỉ ra, đó là do nước thải từ cơ sở sản xuất, làng nghề, nước thải chăn nuôi... chưa qua xử lý xả trực tiếp ra sông Đáy. Thế nhưng việc xử lý của chính quyền địa phương còn lúng túng, chưa triệt để...

Sông Đáy đoạn qua địa phận xã Yên Sở, huyện Hoài Đức ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Hà Đỗ

"Thủ phạm" cũ

Sông Đáy dài gần 100km, bắt nguồn từ xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ), chảy qua các quận, huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Hà Đông, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa đến xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức). Trong đó, tại huyện Hoài Đức, sông Đáy chảy qua các xã: Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Vân Côn... và đây cũng là nơi có nguồn gây ô nhiễm lớn.

Trở lại khu vực huyện Hoài Đức sau nhiều lần đã phản ánh tình trạng sông Đáy ô nhiễm nặng nề, phóng viên Báo Hànôịmới nhận thấy, đoạn từ xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức) đến cầu Mai Lĩnh (quận Hà Đông), nước sông Đáy vẫn trong tình trạng đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Tại các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế của huyện Hoài Đức, nơi được cho là đầu nguồn gây ô nhiễm, các loại nước thải sinh hoạt, chăn nuôi và đặc biệt là nước, bã thải từ hàng chục hộ làm nghề chế biến tinh bột chưa qua xử lý vẫn xả trực tiếp ra sông Đáy... Đây cũng là "thủ phạm" gây ô nhiễm sông Đáy suốt thời gian qua.

Ông Ngô Văn Minh, cán bộ Văn phòng UBND xã Dương Liễu cho biết, toàn xã hiện có 50 hộ sản xuất tinh bột sắn và dong riềng quy mô lớn (trong đó vùng bãi có 35 hộ) với sản lượng bình quân 1.000 tấn nguyên liệu/ngày. 100% số hộ sản xuất tinh bột vùng bãi chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Toàn bộ nước và bã thải đều xả thẳng ra sông Đáy.

Ngoài nước thải làng nghề, nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, nước thải công nghiệp và nước thải sản xuất của nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ tại các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế cũng đổ ra kênh tiêu T5 (dài hơn 5km) rồi xả thẳng xuống sông Đáy (đoạn thuộc xã Yên Sở). Ông Nguyễn Văn Định, thôn 9, xã Cát Quế bức xúc: “Việc xả nước thải ô nhiễm xuống sông Đáy diễn ra từ nhiều năm nay khiến cuộc sống của người dân chúng tôi ảnh hưởng nặng nề; đóng kín cửa cả ngày lẫn đêm mà vẫn không tránh khỏi ô nhiễm”.

Sông Đáy ô nhiễm đã gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sản xuất của hàng chục nghìn hộ dân sống trong lưu vực. Ông Nguyễn Đình Khoa, Chủ tịch UBND xã Yên Sở cho biết: Xã có 141ha đất bãi trồng cây ăn quả và rau màu, nhiều năm nay không dám sử dụng nước sông Đáy để tưới vì nguồn nước ô nhiễm. Tương tự, ông Nguyễn Như Thành, cán bộ giao thông - thủy lợi xã Tiền Yên thông tin: Xã hiện có khoảng 70ha trồng rau ở phía bãi sông Đáy. Từ khi sông Đáy ô nhiễm, các hộ phải khoan giếng để lấy nước tưới rau. Còn theo ông Hoàng Văn Tuấn, quyền Chủ tịch UBND xã Vân Côn, 8 thôn trong xã đều nằm dọc sông Đáy nên hàng nghìn hộ dân đang phải chịu cảnh mùi hôi thối ngày đêm bốc lên từ sông Đáy mà chưa có cách nào khắc phục.

Cần mạnh tay xử lý vi phạm

Khi phóng viên Báo Hànôịmới đặt vấn đề, tại sao tình trạng các cơ sở sản xuất, chăn nuôi xả thải, gây ô nhiễm sông Đáy vẫn chưa được xử lý triệt để dù vi phạm đã được chỉ rõ nhiều năm nay, thì cả cơ quan chức năng huyện Hoài Đức và chính quyền cơ sở đều... kêu khó?! Ông Ngô Văn Minh, cán bộ Văn phòng xã Dương Liễu lý giải, ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn rất hạn chế, cố tình xả thải ra môi trường. Trong khi, ông Cao Văn Tâm, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức cho rằng, các xã có làng nghề như Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế đều chưa nghiêm túc lập phương án bảo vệ môi trường làng nghề theo chỉ đạo của UBND huyện.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm, ông Cao Văn Tâm cho biết, năm 2019, huyện đã kiểm tra, xử phạt 37 cơ sở vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường với số tiền 2,6 tỷ đồng. Tại xã Dương Liễu, lực lượng chức năng cũng đã xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động 8 cơ sở sản xuất tinh bột. Tuy nhiên, ông Cao Văn Tâm cũng thừa nhận, công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chăn nuôi gây ô nhiễm tại các xã này còn hạn chế, việc xử lý thiếu kiên quyết nên vi phạm tái diễn...

Thông tin về giải pháp trong thời gian tới, ông Cao Văn Tâm cho biết, huyện đã yêu cầu lực lượng chức năng và chính quyền các xã tiếp tục kiểm tra và sẽ đình chỉ hoạt động cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải, gây ô nhiễm môi trường; trường hợp vượt thẩm quyền sẽ lập danh sách kiến nghị xử lý. “Về lâu dài, huyện kiến nghị cho phép xây dựng hệ thống thu gom nước thải làng nghề, công nghiệp, chăn nuôi và nước thải sinh hoạt song song với hệ thống sông Đáy hoặc xây dựng trạm bơm tăng áp đẩy nước thải về Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà” - ông Cao Văn Tâm thông tin.

Tuy nhiên, với những gì đã được chứng kiến, có thể thấy, tình trạng vi phạm trong xả thải, gây ô nhiễm sông Đáy đoạn qua huyện Hoài Đức vẫn chưa được cải thiện. Nhiều cơ sở vi phạm đã được "chỉ mặt đặt tên" vẫn chưa được xử lý triệt để, dù các quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất đã khá đầy đủ. Rõ ràng, các cấp chính quyền huyện Hoài Đức còn lúng túng trong xử lý vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Do đó, đã đến lúc huyện Hoài Đức phải áp dụng các biện pháp mạnh, kiên quyết đình chỉ hoạt động cơ sở sản xuất không có giải pháp bảo vệ môi trường theo quy định, có như vậy mới xử lý triệt để nguồn gây ô nhiễm.

Hoàng Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/ban-doc/959960/o-nhiem-song-day-doan-qua-dia-phan-huyen-hoai-duc-lung-tung-xu-ly-vi-pham