Ô nhiễm rác thải nhựa

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, trên phạm vi cả nước mỗi ngày có khoảng 80.000 tấn rác thải nhựa được đưa ra môi trường. Và loại rác thải nhựa được 'xả' nhiều nhất hiện nay là bao xốp. Trong đó, 80% được xử lý dưới dạng chôn lấp, phần còn lại được xử lý quay vòng theo dạng tái chế.

Rác thải nhựa đe dọa môi trường sống.

Rác thải nhựa đe dọa môi trường sống.

Rác thải nhựa được coi là vấn nạn cần phải được xử lý một cách tích cực, để giữ cho môi trường sống được an toàn. Rác thải nhựa có ở khắp nơi, không tập trung vào một vùng nào vì từ lâu nhựa đã được con người sử dụng phổ biến.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, mỗi tháng, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, có tới 25.000 tấn bao xốp được tiêu thụ, trong đó 80% được xử lý dưới dạng chôn lấp, phần còn lại được xử lý quay vòng theo dạng tái chế… Theo thống kê, bình quân sử dụng nhựa của Việt Nam hiện chỉ khoảng 45kg/người, thấp hơn rất nhiều so với 150 kg/đầu người của Thái Lan, hay trên 200 kg/đầu người của Nhật. Nhưng dù có mức sử dụng thấp hơn một số nước khá lớn, nhưng Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia xả rác thải nhựa hàng đầu thế giới hiện nay.

Tại Hội thảo “Rác thải nhựa, khu vực công-tư cùng giải quyết thách thức” được tổ chức đầu tháng 6, ông Albert T. Lieberg- Trưởng Đại diện Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cho rằng, năng lực quản lý chất thải ở Việt Nam còn rất hạn chế càng khiến gánh nặng gia tăng từ chất thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng ngày một lớn. Ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm, trong khi lượng nhựa tiêu thụ ước tăng 16-18%/năm. Chính vì thế đòi hỏi các giải pháp mang tính hệ thống khi xử lý, nếu không muốn trở nên quá muộn.

Cách đây chừng 20 năm, tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện những chiếc túi nylon. Người ta hồ hởi đón nhận nó vì sự tiện lợi vừa mỏng, nhẹ, dai bền, có thể thay thế cho miếng giấy xi măng gói miếng thịt, hay cho những chiếc túi làm bằng báo cũ đựng đỗ, lạc, vừng. Lúc đó, ít ai nghĩ tới hậu quả môi trường từ chính những chiếc túi tiện lợi ấy.

Kể từ đó, cùng với sự phát triển kinh tế là cuộc “xâm lấn” của đồ nhựa, trong đó có một phần lớn là đồ nhựa dùng một lần. Ống hút, cốc nhựa dùng một lần; hộp xốp và thìa nhựa gói xôi; nước đóng chai nhựa; chiếc tăm bông ngoáy tai thân nhựa… Hơn hết chiếc túi nylon ngày càng phổ biến. Người ta hồn nhiên dùng đồ nhựa mà không quan tâm rằng một chiếc túi nylon mất hàng trăm năm mới phân hủy được, một chiếc cốc nhựa xốp có thể mất đến 50 năm, còn chai nhựa đựng hóa chất mất hàng trăm năm. Theo Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường), nếu trung bình khoảng 10% chất thải nhựa, túi nylon dùng một lần không được tái sử dụng, lượng chất thải nhựa từ sản phẩm sử dụng một lần lên tới 2,5 triệu tấn mỗi năm.

Đoàn viên, thanh niên tham gia dọn rác tại đồi thông xã Ia Dêr (huyện Ia Grai, Gia Lai) Ảnh: Đ.T.

Cũng chính vì tác hại tới môi trường to lớn đến như vậy, nên nhiều quốc gia trên thế giới đã tính đến việc hạn chế, cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Ngày 27/3 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm đồ nhựa dùng một lần. Cho đến năm 2021, que cầm bóng bay, hộp đựng đồ ăn thức uống, dao kéo, ống hút, que khuấy, tăm bông… bằng nhựa sẽ bị cấm hẳn ở EU. Đáng chú ý, kế hoạch cấm đồ nhựa sẽ tiêu tốn của EU 259 triệu đến 695 triệu euro mỗi năm, nhưng EU vẫn quyết tâm làm vì môi trường sạch hơn, rời bỏ “nền văn hóa dựa trên rác thải” như lời một nghị sĩ EU.

Còn tại Việt Nam, từ tháng 6/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trương dùng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa dùng một lần trong các hội nghị. Ở Cù Lao Chàm, Hội An (Quảng Nam) từ cả chục năm nay đã từ chối sử dụng túi nylon. Nhưng tuy thế thì việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần ở ta vẫn rất phổ biến.

Không chỉ ảnh hướng xấu tới môi trường mà rác thải nhựa còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người. Nhựa sẽ tan chảy trong khoảng nhiệt độ từ 70 – 800 độ C và hòa vào thực phẩm, đi vào cơ thể của con người. Những chất độc đó tích lũy lâu ngày sẽ gây ra các bệnh vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt, trong nhựa có chứa một chất độc hai là DOP. Chất độc này có thể gây ảnh hưởng giới tính ở các bé trai và gây vô sinh ở các bé gái.

Giới khoa học đã cảnh báo, khi bạn vứt một mẩu rác nhựa ra môi trường, nó phải mất 450 năm để tiêu hủy hoàn toàn. Nói cách khác, phải trải qua rất nhiều thế hệ để một mảnh vật liệu nhựa tan biến. Ngoài ra, nhựa còn lẫn vào nước, ngăn chặn khí oxy làm cho các sinh vật dưới nước không thể hô hấp được. Hoặc chúng có thể bị các sinh vật như cá nuốt vào và có rất nhiều khả năng con người sẽ ăn nhầm phải và nhiễm độc.

Như đã nói, rác thải nhựa có ở khắp nơi, nó xuất phát từ thói quen sử dụng cũng nhưu sự thiếu ý thức khi xả rác của mỗi người. Nhưng, bên cạnh đó, còn là trách nhiệm của chính quyền, cơ quan chức năng khi vẫn không có giải pháp xử lý loại rác này một cách triệt để. Hiện người ta vẫn dùng cách đốt hoặc chôn lấp rác, đều chỉ giải quyết trước mắt chứ không phải là giải pháp thật sự hữu ích. Dùng công nghệ để xử lý rác, trong đó có rác thải nhựa cần được đẩy mạnh hơn, cho dù mức đầu tư sẽ cao hơn. Nhưng vì cuộc sống của con người thì điều đó vẫn thực sự cần thiết.

* Vấn nạn rác thải nhựa còn được gọi là “ô nhiễm trắng” rất rõ ở các điểm du lịch, nhất là du lịch vùng biển. Tại nhiều bãi biển, nạn rác thải nhựa tràn vào bờ không còn xa lạ. Nguyên nhân chính là do con người thải rác trực tiếp vào biển. Rác thải nhựa trôi nổi, bị sóng cuốn vào bờ gây nên tình trạng ô nhiễm rất nặng nề. Tại Hội nghị Davos, Thụy Sĩ đã có báo cáo ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển cho đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng). Nhưng phải mất hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và nylon mới bị phân hủy.

M.Thảo (Tổng hợp)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/o-nhiem-rac-thai-nhua-tintuc444811