Ô nhiễm môi trường ở 'thủ phủ phế liệu' Xà Cầu

Mới chỉ xuất hiện chưa đến 10 năm thế nhưng nghề thu mua, tái chế phế liệu đã trở thành nguồn thu chính của hơn 170 hộ gia đình của thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Những vấn đề vệ sinh môi trường ngày càng phức tạp, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 30km, thôn Xà Cầu có vẻ đẹp đặc trưng của một vùng quê Bắc Bộ, cũng đình làng, giếng nước, cây đa... Nhưng nơi đây lại được biết đến như "thủ phủ" phế liệu chứ không phải vì khung cảnh hữu tình.

Ngay từ đầu thôn, những bao tải phế liệu chất thành đống cao hơn đầu người được xếp ngay ngắn hai bên đường và kéo dài hàng cây số. Không những thế, mọi ngóc ngách ở đây đều có phế liệu, từ chai nhựa đến cái tivi rồi đủ các loại thùng xốp, thùng nhựa... Nói chung là những gì đã hỏng, đã cũ bị vứt đi thì ơ đây có hết.

Hàng tấn phế liệu chất đống dải khắp nơi từ trong nhà ra ngoài ngõ, cả thôn có 800 hộ thì có hơn 170 hộ làm nghề thu mua, tái chế phế liệu. Ông Lê Văn Dịu - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, nghề thu mua tái chế phế liệu ở đây mới xuất hiện được mười năm, ban đầu chỉ là vài gánh đồng nát của một số ít người mang về từ Hà Nội, rồi sau đó là từ Hưng Yên.

Dần dần người này truyền tai người kia, tiếp bước nhau đi thu mua phế liệu, sau này khi thu mua nhiều quá không tái chế kịp thì người dân nghĩ ra cách đóng thành "bánh" vuông vức rồi bán cho các nơi khác. Nhờ cái nghề đi mua những thứ vứt đi đó mà đời sống người dân ở thôn đi lên trông thấy, có người mua được cả xe máy, xây được cả nhà, đó là những tài sản trong mơ của người nông dân chân lấm tay bùn.

Từng bao tải phế liệu được xếp lại như thế này dọc đường vào thôn Xà Cầu.

Nghề này ban đầu phát triển âm thầm, chẳng mấy ai để ý đến mấy gánh đồng nát làm gì, ông Dịu chia sẻ. Nhưng sự việc bùng nổ vào năm 2016, khi quy mô của các cơ sở thu mua, tái chế và số lượng phế liệu nhập ngày càng lớn thì kéo theo đó rất nhiều vấn đề, nổi cộm nhất là vấn nạn đổ trộm, đốt trộm phế thải ngay trong khu vực thôn, rồi ô nhiễm tiếng ồn từ các cơ sở tái chế.

Năm đó, người dân trong thôn rất bức xúc và đã chặn không cho xe chở phế liệu vào thôn, chỉ khi chính quyền địa phương làm việc với các hộ làm nghề và bắt họ cam kết sẽ giữ gìn vệ sinh môi trường, giảm thiểu tiếng ồn trong giờ nghỉ ngơi thì người dân mới nguôi ngoai.

Tuy nhiên, ông Dịu cũng bày tỏ bức xúc về vấn đề đổ trộm phế thải, dù trong nhiều năm qua chính quyền địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp vận động, răn đe các cơ sở thu mua tái chế nhưng xem ra vẫn không đạt được hiệu quả như mong đợi.

Các hộ làm nghề do nhiều lần bị phạt nên họ cũng có "bài" của họ, phế thải không đổ trộm nữa mà bán đi các chỗ khác hoặc thuê xe tải chở đi ra khỏi địa bàn thôn, xã đổ bừa bãi hoặc nhân lúc đêm khuya thanh vắng mang ít một ra đốt ngoài đồng, ảnh hưởng đến người dân trong thôn và cả các thôn lân cận cũng vạ lây. Đến khi cơ quan chức năng tới thì tất cả đã thành tro, người đốt cũng mất hút.

Ông Dịu cho biết, nếu có bắt được tận tay người đổ, đốt trộm phế thải thì cũng chỉ xử theo quy định của Nhà nước là xử phạt hành chính, ít thì vài trăm nghìn, nhiều thì vài triệu chẳng bõ so với thu nhập của họ.

Tính ra một hộ gia đình ở đây thu mua, tái chế phế liệu một năm cũng kiếm vài trăm triệu nếu làm ăn lớn, còn nếu ở mức trung bình cũng phải ngót nghét 100 triệu đồng. Với thu nhập như vậy thì nộp phạt vài triệu cũng chẳng bõ bèn gì, nộp xong lại đổ lại đốt rồi lại nộp.

Cũng theo lãnh đạo xã thì với hơn 170 hộ làm nghề này thì hàng ngày mỗi hộ thải ra khoảng 5 tấn rác thải chưa kể hàng trăm mét khối nước thải từ sản xuất cũng xả thẳng ra ngoài mương, sông, ao xung quanh.

Trên đường từ UBND xã Quảng Phú Cầu tới một điểm tập kết rác thải thuộc loại lớn của thôn Xà Cầu phải đi qua một con sông uốn lượn quanh thôn với những bụi tre rậm rạp hai bên, nhưng thay vì những tảng bèo xanh mướt lại là những "tảng" chai nhựa đủ màu sắc lập lờ trên dòng nước váng dầu, mỡ còn có chỗ đen kịt lại.

Hiện tại, rác thải sinh hoạt của thôn được thu gom bởi Công ty Sản xuất rau sạch Sông Hồng, nhưng mà ít ra những thứ rác này còn được tái sử dụng vào việc trồng rau, còn rác thải phế liệu thì chịu, không có cách xử lý. Khi được đặt vấn đề về xây dựng một lò đốt ở đây ông Dịu cho biết, việc này đã được đề xuất, có doanh nghiệp địa phương đồng ý đầu tư xây dựng, lắp đặt lò đốt ở địa phương nhưng không làm được vì vô vàn thủ tục pháp lý "quấn chân" doanh nghiệp. Và cuối cùng họ cũng đành chịu, đến bây giờ rác thải vẫn bị đổ bừa bãi, quanh quẩn khắp thôn.

Ông Dịu cho biết, đầu tư một lò đốt ở đây mất khoảng 2 tỷ nhưng giải quyết được rất nhiều vấn đề, còn hơn bỏ tiền ra thuê các đơn vị đến thu gom với giá 3.000 đồng cho một cân rác thải. Việc xây dựng lò đốt chính là giải pháp phù hợp nhất, có ích về lâu về dài.

Ở thôn Xà Cầu, rác thải xuất hiện ở khắp nơi, từ ngoài đường vào từng ngõ ngách, nhà nào không có chỗ đổ thì nén lại để đó chờ tìm được người thu gom. Không chỉ là vấn đề môi trường mà những đống rác thải này còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao mà theo như tôi quan sát được thì không nhà nào có bình chữa cháy, các cơ sở sản xuất được xây dựng chủ yếu bằng tôn, bên trong là các bể chai nhựa, ống nhựa và phế liệu. Ngoài một cửa lớn đằng trước thì hoàn toàn không có cửa sổ hay bất cứ quạt thông gió nào...

Sau một ngày lang thang khắp thôn, mắt thấy tai nghe đủ mọi chuyện ở "thủ phủ" phế liệu này, tôi nhận ra một điều rất lạ, đó là vấn đề nhân công ở đây, phải đến 90% là người già, và trong số đó 80% là phụ nữ. Khi được hỏi về việc này, ông Trần Văn Tài - Phó thôn Xà Cầu cho biết, thanh niên trong thôn bây giờ chủ yếu đi làm ở các khu công nghiệp hoặc lên Hà Nội kiếm việc, dù thu nhập có thể thấp hơn nhưng đó là vì ước muốn đổi đời, tìm đến một cuộc sống sạch sẽ, văn minh hơn là "sống chung với phế liệu"!

Người già tham gia bóc tách, tái chế phế liệu ở đây có độ tuổi từ 55 đến 65, có người đã 70 nhưng vẫn ngồi bóc mác chai nhựa. Theo ý kiến của đa số họ thì bây giờ kiếm được đồng nào hay đồng đấy và không phải ngồi nhà, hay không muốn thành gánh nặng cho các con... Mỗi ngày làm việc được chia làm 2 ca, sáng từ 7h30 đến 11h còn chiều từ 2h đến 6h, với mức thu nhập khoảng 100.000 đồng.

Câu chuyện ở Xà Cầu - thủ phủ phế liệu sẽ chưa dừng ở đây, thậm chí sẽ trở thành một đề tài nóng trong thời gian tới bởi càng ngày lượng phế liệu, rác thải từ Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận thải ra càng nhiều mà chúng ta chưa có cơ sở xử lý đáp ứng được số lượng lớn như vậy.

Thôn Xà Cầu sẽ trở nên quá tải, ô nhiễm hơn với những núi phế liệu, rác thải chất khắp thôn; nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc sớm, nhanh chóng giải quyết cho xây dựng một lò đốt xử lý rác thải ở đây thì chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, thôn Xà Cầu sẽ "chìm" trong rác.

Phong Sơn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/o-nhiem-moi-truong-o-thu-phu-phe-lieu-xa-cau-513764/