Ô nhiễm môi trường lưu vực sông Đồng Nai - Bài 2: Tăng cường vai trò điều phối chung

Hệ thống sông Đồng Nai có vai trò quyết định đến sự phát triển bền vững của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương thuộc lưu vực hệ thống (LVHT) sông Đồng Nai và các bộ ngành liên quan cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ nguồn nước quý giá này.

Dầu, mỡ từ hoạt động của tàu thuyền gây ô nhiễm cục bộ sông Đồng Nai

Dầu, mỡ từ hoạt động của tàu thuyền gây ô nhiễm cục bộ sông Đồng Nai

Địa phương vào cuộc mạnh mẽ

Hiện nay, việc triển khai xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường LVHT sông Đồng Nai cụ thể tại nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nhiều dự án triển khai còn chậm so với kế hoạch đặt ra. Một số địa phương còn trông chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương cho việc triển khai các nhiệm vụ, dự án. Một số địa phương đang gặp khó khăn về ngân sách nên chưa thể triển khai nhiều dự án bảo vệ môi trường LVHT sông Đồng Nai. Để triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường LVHT sông Đồng Nai được toàn diện, hiệu quả, theo nhiều chuyên gia, hành động căn cơ nhất hiện nay là các tỉnh thành phải nâng cao vai trò của mình hơn nữa trong công tác này.

Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Long An, tỉnh sẽ triển khai chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án có liên quan tới lưu vực sông Đồng Nai; đồng thời hướng dẫn, yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng hoàn thiện công trình xử lý chất thải mới được phép đưa dự án đi vào hoạt động chính thức. Tỉnh sẽ chỉ đạo các KCN, KCX phải lắp đặt trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục theo quy định của Chính phủ để kiểm soát việc xả thải. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh; kiểm soát, ngăn chặn phát sinh mới cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thực hiện công khai thông tin về cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tiến độ xử lý.

Về phía TPHCM, Sở TN-MT và các sở ngành tiếp tục triển khai xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương; thực hiện chương trình điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải. Tiếp tục duy trì việc phổ biến chỉ số WQI (chất lượng môi trường nước mặt được đánh giá trên cơ sở chỉ số chất lượng nước) trên hệ thống 48 bảng điện tử giao thông. Duy trì công khai tất cả các điểm, vị trí quan trắc, những thông tin chung và các số liệu của từng vị trí quan trắc môi trường. Tích hợp lên cổng thông tin quan trắc môi trường và ứng dụng trên nền tảng di dộng, có thể truy cập, truy xuất và theo dõi dữ liệu quan trắc môi trường thông qua điện thoại thông minh. Đồng thời, tiếp tục tăng cường rà soát hoạt động các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị.

Đại diện tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; đầu tư cho hệ thống quan trắc, nhất là hệ thống quan trắc tự động, liên tục; yêu cầu khu công nghiệp và các nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục, truyền số liệu về cơ quan quản lý nhà nước để giám sát; phân loại các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, tổng hợp danh sách báo cáo Bộ TN-MT.

Tăng cường công tác quan trắc chất lượng môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai và trầm tích; theo dõi chất lượng nước thải ở các hệ thống xử lý tập trung của KCN với nhiệm vụ đảm bảo 100% KCN đang hoạt động trên địa bàn có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường và 100% KCN được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Đặc biệt sẽ xử lý triệt để tình trạng tại những khu vực, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng; giám sát các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Nhiệm vụ cấp bách

Theo nhiều chuyên gia, vai trò của Ủy ban Bảo vệ môi trường LVHT sông Đồng Nai thời gian qua còn khá mờ nhạt, bất cập, nên chưa phát huy hết nhiệm vụ được giao. Do đó, vấn đề đầu tiên là cải tổ tổ chức này theo hướng chuyên nghiệp hơn, thực quyền hơn. Song song đó là việc kết nối trong công tác bảo vệ LVHT sông Đồng Nai giữa các địa phương phải được tăng cường.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, thời gian qua thành phố đã đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh lân cận trong khu vực để cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ bảo vệ LVHT sông Đồng Nai.

Cụ thể, TPHCM và tỉnh Bình Dương phối hợp tăng cường kiểm soát và xử lý triệt để ô nhiễm kênh Ba Bò và tuyến suối Cái (suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái); phối hợp với tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh trong kiểm tra, kiểm soát việc khai thác cát và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Sài Gòn đoạn giáp ranh 3 tỉnh. Trước đó, trong giai đoạn 2007-2017, thành phố đã phối hợp với tỉnh Long An trong Chương trình liên tịch về kiểm soát ô nhiễm nước kênh Thầy Cai - sông Cần Giuộc và phối hợp đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải Tân Thành (huyện Thủ Thừa). Phối hợp triển khai hoạt động vớt, xử lý lục bình khai thông dòng chảy trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ Đông và các kênh, rạch giáp ranh kết nối giữa TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh.

Đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, sẽ tiếp tục triển khai xử lý lục bình kết hợp khai thông dòng chảy và vệ sinh môi trường trên các sông, kênh rạch thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với TPHCM, tỉnh Tây Ninh nghiên cứu các phương thức thực hiện khả thi hơn và đồng loạt ra quân thực hiện để làm tăng tính hiệu quả, tránh tình trạng lục bình di chuyển từ địa phương sang địa phương khác, rồi tiếp tục phát triển trở lại.

Cũng phải nói thêm, hoạt động của Ủy ban Bảo vệ môi trường LVHT sông Đồng Nai còn nhiều hạn chế. Việc thảo luận và thông qua nghị quyết tại nhiều phiên họp thiếu những đề xuất cụ thể, đặc biệt là các vấn đề bức xúc tại địa phương mang tính liên vùng như phát triển thủy điện, giải quyết điểm nóng ô nhiễm liên tỉnh, quản lý vùng giáp ranh… Các đề xuất liên quan đến cơ chế tài chính của ủy ban thường không có tính ràng buộc pháp lý nên không có nguồn lực để thực thi. Các thành viên ủy ban là lãnh đạo các bộ ngành, địa phương hoạt động kiêm nhiệm nên việc chấp hành quy chế làm việc chưa đảm bảo. Năng lực của cơ quan quản lý về môi trường tại các tỉnh, thành phố còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Các địa phương chưa thống kê, kiểm soát được đầy đủ nguồn thải thuộc địa bàn, vì vậy chưa xác định được nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giám sát, quản lý. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa quyết liệt, triệt để.

Có thể thấy, địa phương nào cũng có các chương trình, kế hoạch phối hợp bảo vệ môi trường LVHT sông Đồng Nai. Như vậy, vấn đề còn lại là tổ chức làm sao cho hiệu quả. LVHT sông Đồng Nai không chỉ là nguồn nước cung cấp nước hiện hữu cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn là nguồn nước dự trữ cho cả Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Bảo vệ nguồn nước này là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ ngành trung ương và các tỉnh thành trong lưu vực.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân nhận định, Đề án Bảo vệ môi trường LVHT sông Đồng Nai đến năm 2020 được phê duyệt với các mục tiêu và giải pháp cụ thể, tuy nhiên chưa tạo được cơ chế đột phá để các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường cho lưu vực sông. Mặt khác, công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông mang tính đặc thù cao, tại các địa phương rất khó phân tách nhiệm vụ của việc bảo vệ môi trường LVHT sông Đồng Nai với nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường nói chung khác. Do vậy, việc tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá, rất khó khăn, đôi khi chồng chéo.

MINH HẢI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/o-nhiem-moi-truong-luu-vuc-song-dong-nai-bai-2-tang-cuong-vai-tro-dieu-phoi-chung-707138.html