Ô nhiễm môi trường do giao thông: 'Bài toán' khó giải?

Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội ngày càng tăng ở mức đáng lo ngại. Thực tế cho thấy, mật độ các phương tiện tham gia giao thông ngày càng nhiều đã tác động trực tiếp đến môi trường sống và sức khỏe cộng đồng.

Bởi vậy, cần có những giải pháp tích cực hơn nhằm hạn chế ô nhiễm, góp phần giảm mức độ ô nhiễm không khí đô thị nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung.

Ô nhiễm vẫn gia tăng

Theo các chuyên gia môi trường, thời gian qua, hoạt động giao thông vận tải đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tuy nhiên, việc gia tăng các hoạt động giao thông vận tải, đặc biệt là xe máy đã làm phát sinh không ít các vấn đề môi trường không khí.

Trao đổi tại cuộc tọa đàm về chất lượng không khí ở Hà Nội cách đây ít lâu, GS Nghiêm Trung Dũng - Viện Khoa học và công nghệ môi trường, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân làm tăng mức độ ô nhiễm không khí ở đô thị, trong đó, giao thông là một nguyên nhân chính. “Trong ô nhiễm không khí ở Thủ đô, thách thức chính vẫn là nguồn thải từ ôtô, xe máy. Số liệu quản lý phương tiện cho thấy liên tục tăng 20-30% phương tiện mỗi năm, tăng liên tục như vậy cũng đồng nghĩa với lượng khí phát thải tăng liên tục, trong đó nguy hiểm hơn cả là việc kiểm định khí thải với xe máy hiện nay vẫn đang thả nổi” - ông Dũng phân tích.

Theo tìm hiểu, Hà Nội hiện có khoảng hơn 7 triệu dân, đi kèm với đó là số phương tiện cá nhân tương đương. Theo dự báo, số lượng phương tiện cá nhân này sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Cụ thể tới năm 2020, số ô tô sẽ tăng lên 843 nghìn chiếc, xe máy 6,1 triệu chiếc, năm 2025, ô tô là 1,45 triệu chiếc và xe máy là 7 triệu chiếc và năm 2030 ô tô là 2 triệu chiếc và xe máy là 7,5 triệu chiếc. Dẫn như vậy để thấy rằng, việc kiểm soát khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông đã và đang là vấn đề hết sức bức thiết.

Đâu là giải pháp?

Khách quan nhìn nhận, để giảm tình trạng ô nhiễm không khí, Hà Nội đang triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Minh chứng dễ thấy nhất là Hà Nội đã và đang tích cực đẩy mạnh việc trồng 1 triệu cây xanh từ nay đến năm 2020. Cùng với đó, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã thông qua Đề án quản lý phương tiện giao thông, phát triển giao thông công cộng.

Theo đó, đến năm 2030, toàn bộ khu vực nội thành sẽ cấm xe máy. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngay trong các năm tới, thành phố sẽ tổ chức điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng trên địa bàn (theo năm sản xuất) thông qua đăng ký, từ đó đề xuất các biện pháp xử lý đối với xe không bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và vệ sinh môi trường; đề xuất quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy…

Không chỉ xe máy, thành phố cũng đề ra giải pháp nhằm quản lý các phương tiện giao thông cá nhân khác thông qua biện pháp hành chính và kinh tế. Cụ thể: Sẽ rà soát, sửa đổi, ban hành giá dịch vụ trông giữ xe theo hướng lũy tiến theo giờ, theo khu vực; thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường… Đây là đề án được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá cao vì sẽ “chặn” ô nhiễm từ gốc.

Trong khi các cơ quan chức năng đang nỗ lực thực hiện các giải pháp cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thắt chặt các quy định và công tác kiểm soát khí thải phương tiện, thì bản thân mỗi người tham gia giao thông cần có sự thay đổi ở thói quen và nhận thức trong việc lựa chọn phương tiện đảm bảo các tiêu chuẩn về khí phát thải, thường xuyên bảo dưỡng, bảo hành phương tiện định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và không nên lưu hành các phương tiện cũ nát. Có như vậy mới có thể đảm bảo môi trường đô thị xanh sạch, thân thiện đối với môi trường.

70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động giao thông

Theo một báo cáo của Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện chất lượng không khí tại nhiều khu vực dân cư, đường giao thông, làng nghề và khu công nghiệp có xu hướng cải thiện dần theo thời gian. Tuy nhiên, tại các trục đường đang thi công và khu vực xây dựng xuất hiện tình trạng ô nhiễm nặng về bụi, benzen và tiếng ồn. Thống kê cũng cho thấy, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động giao thông. Một số khu vực có nồng độ ô nhiễm bụi cao tập trung ở các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Từ Liêm…

Sơn Bình

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-thong/o-nhiem-moi-truong-do-giao-thong-bai-toan-kho-giai-383506.html