Ô nhiễm không khí, rác thải: Chất lượng cuộc sống tại các đô thị giảm mạnh

Hôm qua (20.7) Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra nhiều con số đáng lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường tại các đô thị tại Việt Nam hiện nay. Theo đó Hà Nội, TPHCM và các đô thị khác sức ép lớn từ ô nhiễm bụi, rác thải, nước thải.

Người dân Hà Nội hằng ngày đối mặt với ô nhiễm không khí. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài vấn đề bụi nhiều thành phần độc hại trong không khí (NOx, O3, CO) có dấu hiệu vượt quy chuẩn, khiến chất lượng cuộc sống giảm, tỉ lệ người dân đô thị mắc bệnh tăng mạnh, đặc biệt ở trẻ em.

Gia tăng khí độc, hại

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia chuyên đề về môi trường đô thị năm 2016 do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nêu rõ thể hiện, nồng độ NO2 có xu hướng tăng trong các năm gần đây. NO2 có dấu hiệu ô nhiễm và tăng mạnh vào giờ cao điểm giao thông tại khu vực giao thông trong một số đô thị lớn tại Hà Nội, TPHCM... Nồng độ khí CO cũng tăng lên trong giờ cao điểm tại các trục giao thông và xung quanh các khu công nghiệp nằm trong đô thị. Riêng khí O3(Ozon), từng ghi nhận sự gia tăng bất thường ở các đô thị lớn, nay tiếp tục gia tăng.

Theo báo cáo, tại các trạm quan trắc tự động gần đường giao thông, nồng độ O3 đã vượt quá giới hạn quy chuẩn Việt Nam trong khá nhiều ngày trong năm.

Ghi nhận thực tế của Lao Động tại các khu công trường xây dựng (xây dựng khu chung cư, khu đô thị mới, sửa chữa đường giao thông, sửa chữa hệ thống thoát nước…) diễn ra tình trạng ô nhiễm cục bộ với mức độ ô nhiễm bụi rất cao. Nguyên nhân chính là do việc thực thi các quy định về bảo vệ môi trường không nghiêm và hoạt động giám sát chưa được quan tâm đúng mức.

Tại TPHCM, tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Trong đó, đáng báo động nhất là tình trạng ô nhiễm không khí, mà nguyên nhân chủ yếu là do khí thải từ các phương tiện giao thông gây ra. Kết quả quan trắc ô nhiễm không khí vừa qua trên địa bàn TPHCM tại 20 vị trí cho thấy, ô nhiễm chất lượng không khí chủ yếu là do bụi lơ lửng từ các hoạt động giao thông gây ra (với 72,36% số liệu bụi quan trắc tại 12 vị trí giao thông vượt QCVN 05:2013/BTNMT).

Theo các chuyên gia về môi trường, với số lượng xe gắn máy trên 7 triệu chiếc và hơn 600.000 xe ôtô các loại ở TPHCM thì mỗi ngày sẽ thải ra một lượng khói, bụi kinh khủng. Những khu vực có mức độ ô nhiễm cao thường đi kèm với mật độ giao thông đông đúc như khu vực: Ngã tư An Sương, khu vực ra vào cảng Cát Lái, đường Cộng Hòa, Trường Chinh, Nguyễn Hữu Thọ, ngã sáu Gò Vấp…

Bên cạnh khói, bụi do phương tiện giao thông thì các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong các KCN-KCX mỗi ngày cũng phát thải chưa qua xử lý ra môi trường rất cao, nếu quy đổi thì lượng bụi cũng cả chục tấn mỗi ngày.

Trước đó, một báo cáo độc lập của Tổ chức Green ID (thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam) ghi nhận, trong 3 tháng đầu năm 2017, Hà Nội có 37 ngày nồng độ PM 2.5 (loại bụi mịn mang tính axit, có kích thước siêu nhỏ, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người rất đáng kể - PV) cao hơn so với giới hạn Quy chuẩn Quốc gia và có 78 ngày vượt quá giới hạn theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thành phố Hồ Chí Minh cũng có đến 78 ngày có nồng độ PM 2.5 cao hơn so với tiêu chuẩn của WHO.

Ô nhiễm không khí về bụi, tiếng ồn tại TPHCM. Ảnh: Minh Quân

Cố tình xả chất độc hại vào không khí

Liên quan về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Tài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường - cho biết, tại Hà Nội, TPHCM và các đô thị khác, ngoài vấn đề không khí thì sức ép từ các nguồn nước thải cũng đang là vấn đề rất lớn. Tỉ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý còn thấp mới chỉ đạt 11, chỉ có 42 đô thị trên tổng số 787 đô thị có công trình xử lý nước thải tập trung. Điều này đã tác động rất lớn đến chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận.

Cũng theo TS Tài, một số vấn đề khác như ô nhiễm môi trường nước tại các sông, hồ; kênh rạch nội thành, nội thị diễn biến phức tạp. Vấn đề úng ngập tại các đô thị có xu hướng mở rộng và gia tăng; suy giảm mực nước dưới đất tại các khu đô thị, đồng bằng và xâm nhập mặn tại các đô thị ven biển đang trở nên phổ biến...

Bên cạnh đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường nêu rõ những vấn đề nổi cộm về những hành vi cố tình xả thải các chất độc hại của các chủ doanh nghiệp gây thiệt hại kinh tế, tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt, các hoạt động phát triển du lịch, kinh tế của cộng đồng dân cư các khu vực lân cận, gây tâm lý bất ổn cho người dân nói chung.

Trước tình trạng báo động về việc ô nhiễm này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra các giải pháp: Cần kiểm soát chặt chẽ và giảm thiểu các nguồn phát tán bụi, khí thải. Theo đó, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng, đảm bảo công tác môi trường nhằm kiểm soát việc phát tán bụi tại các điểm thi công xây dựng. Quy hoạch hợp lý các tuyến giao thông các khu vực nội đô. Nâng cấp chất lượng đường giao thông đô thị. Tăng cường phun nước, quét đường, kiểm tra chặt chẽ việc rửa sạch, vệ sinh các phương tiện trước khi đi vào khu vực nội đô.

Ngoài ra, cần phải tăng cường kiểm tra, xử lý loại bỏ các phương tiện giao thông đã hết niên hạn sử dụng. Xử lý triệt để và di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư.

Tại TPHCM, mỗi ngày có khoảng 8.300 tấn rác sinh hoạt, 1.500 - 2.000 tấn rác công nghiệp, 1.200 - 1.600 tấn rác thải xây dựng, 22 tấn rác thải y tế và hơn 2.000 tấn bùn thải các loại. Trong đó, đặc biệt đáng chú ý là rác thải sinh hoạt có đến 76% được xử lý theo công nghệ chôn lấp, vừa chiếm nhiều diện tích đất vừa phát sinh về mùi hôi thối, nước rỉ rác làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Điển hình vừa qua, bãi rác Đa Phước phát mùi hôi kinh khủng khiến người dân không chịu nổi phải cầu cứu đến lãnh đạo thành phố vào cuộc chỉ đạo giải quyết. Thậm chí, ngay cả một số bãi chôn lấp rác đã ngừng tiếp nhận (bãi chôn lấp số 1, 1A ở Phước Hiệp, huyện Củ Chi; bãi Gò Cát ở quận Bình Tân), song do xử lý bằng công nghệ chôn lấp nên vẫn còn mùi hôi từ lượng nước rỉ rác phát tán; đó là chưa kể còn làm ô nhiễm cả lượng nước ngầm dưới lòng đất, mà nhiều người dân khoan giếng sử dụng dùng trong sinh hoạt hằng ngày.

Tại Hà Nội thì cách đây mấy ngày, hàng trăm hộ dân thuộc 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) ở gần Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn phải sống trong nỗi khiếp đảm là ruồi chi chít từ đầu ngõ đến trong nhà. Cuộc sống của họ bị đảo lộn, từng bữa cơm, người trong gia đình phải thay nhau đứng đuổi ruồi mới có thể dùng bữa được.

Cao Nguyên - Minh Quân

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/o-nhiem-khong-khi-rac-thai-chat-luong-cuoc-song-tai-cac-do-thi-giam-manh-685258.bld