Ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở cả hai miền Nam - Bắc

Chiều 21/1, hơn 10 điểm đo của Sở TN&MT Hà Nội ghi nhận ô nhiễm lên ngưỡng rất xấu – một trong những ngày ô nhiễm nhất từ đầu mùa. Hai ngày qua, TPHCM và Đồng bằng sông Cửu Long cũng ghi nhận ô nhiễm không khí nghiêm trọng vào buổi sáng.

Đốt rác thải là một nguồn phát sinh ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội Ảnh: NGUYỄN HOÀI

Đốt rác thải là một nguồn phát sinh ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội Ảnh: NGUYỄN HOÀI

Ô nhiễm không khí cũng được ghi nhận tại nhiều tỉnh thành miền Bắc như Thái Nguyên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với mức độ từ xấu, rất xấu đến nguy hại.

Theo nhận định của Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air, đợt ô nhiễm không khí này có thể kéo dài đến ít nhất đến đầu tuần tới, khi nước ta đón một đợt gió mùa đông bắc tràn về. Mức độ ô nhiễm được nhận định sẽ duy trì ở ngưỡng xấu, rất xấu, thậm chí nguy hại ở một số điểm đo.

Đáng lưu ý, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, những khu vực vốn rất ít ghi nhận ô nhiễm không khí, cũng bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong hai ngày qua, ở ngưỡng xấu, một số điểm lên rất xấu, theo ghi nhận của PAM Air và hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ. Cả ngày hôm qua, TPHCM luôn ở ngưỡng xấu, có những thời điểm xấp xỉ ngưỡng rất xấu tại điểm đo của Đại sứ quán Mỹ. Hiện nay, TPHCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chưa có hệ thống quan trắc không khí cố định, liên tục của cơ quan chức năng.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết, Tổng cục đang phối hợp với Phần Lan để thí điểm việc dự báo chất lượng không khí, cuối năm 2021 sẽ có những báo cáo về vấn đề này.

Khi có đầy đủ dữ liệu và năng lực phân tích, Bộ TN&MT thông qua hợp tác quốc tế sẽ sử dụng các mô hình để dự báo chất lượng không khí. “Mục tiêu đặt ra là có thể thực hiện dự báo trong 5 năm tới”, ông nói.

Ngày 21/1, do điều kiện thời tiết xấu, mây mù, khói bụi, tầm nhìn giảm tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) ảnh hưởng tới việc khai thác, một số chuyến bay dự kiến tới sân bay này đã phải hạ cánh xuống các sân bay dự phòng. Theo đó, Vietnam Airlines và Pacific Airlines đã phải chuyển hướng 7 chuyến bay, Vietjet phải chuyển hướng 9 chuyến bay, Bamboo Airways phải chuyển hướng 5 chuyến bay.

NGUYỄN HOÀI - Lê Hữu Việt

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/o-nhiem-khong-khi-nghiem-trong-o-ca-hai-mien-nam-bac-1782592.tpo