Ô nhiễm không khí lại tái diễn khắp miền Bắc

Không khí tại Hà Nội và nhiều tỉnh Bắc Bộ những ngày gần đây tiếp tục ô nhiễm nghiêm trọng, với chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại nhiều điểm lên tới ngưỡng tím - ngưỡng rất có hại cho sức khỏe.

Theo hệ thống quan trắc của Tổng cục Môi trường, vào sáng ngày 10/12, tình hình ô nhiễm không khí tại Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận đã ở mức rất có hại.
Theo ghi nhận, điểm đo ở 556 Nguyễn Văn Cừ lúc 6h30 phút có chỉ số AQI sáng là 182 (ngưỡng đỏ). Còn số liệu quan trắc cập nhật tại Cổng thông tin quan trắc môi trường thủ đô Hà Nội cho thấy, nhiều điểm đo ở ngưỡng tím: Điểm đo Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội lúc 6h có chỉ số AQI là 203, điểm đo Minh Khai – Bắc Từ Liêm là 220, điểm đo tại Đại sứ quán Pháp là 254. Nhiều điểm đo khác đều ở mức báo động đỏ, AQI dao động từ 160 – 193.

Hệ thống quan trắc PAMAir ghi nhận nhiều điểm ở Bắc Bộ ô nhiễm không khí ở mức tím. Ảnh chụp màn hình.

Hệ thống quan trắc PAMAir ghi nhận nhiều điểm ở Bắc Bộ ô nhiễm không khí ở mức tím. Ảnh chụp màn hình.

Theo Hệ thống quan trắc PAMAir ghi nhận, tình trạng ô nhiễm không khí khắp khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nhiều điểm ô nhiễm cao như điểm đo thư viện tỉnh Hưng Yên, ô nhiễm lên ngưỡng tím với AQI là 235, TP Thái Bình là 240, Hải Dương có điểm đo lên tới 254, Hải Phòng ở ngưỡng 221... Các điểm đo còn lại ở khắp các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình đều ở ngưỡng đỏ trong sáng nay.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ được xác định do tổng hợp nhiều nguyên nhân như hoạt động giao thông, xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp và dân sinh, trong đó có hoạt động đốt rác, đốt rơm rạ. Trong điều kiện thời tiết nghịch nhiệt, chất ô nhiễm không phát tán được, mà tích tụ tại tầng khí quyển sát mặt đất gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Trước tình hình ô nhiễm không khí như vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần theo dõi các thông tin về chất lượng không khí, nhóm nhạy cảm là người già, trẻ em và người mắc bệnh hô hấp nên hạn chế ra đường. Người dân được khuyến cáo không nên tập thể dục buổi sáng, ra đường nên đeo khẩu trang chống bụi mịn PM2.5, ở nhà nên đóng cửa sổ.

Theo các chuyên gia y tế, một người lớn trung bình hít thở khoảng 15 m3 không khí mỗi ngày. Mặc dù các chất ô nhiễm trong không khí thường không nhìn thấy, chúng có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu đến toàn cơ thể, bao gồm cả tim, gan, phổi và hệ hô hấp, hay ngay cả thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ.

Tuệ Anh(T/h)

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/o-nhiem-khong-khi-lai-tai-dien-khap-mien-bac-79793.html