Ô nhiễm không khí kết hợp dịch COVID-19 đe dọa tính mạng con người

Bất chấp các biện pháp phong tỏa chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể tạm thời giúp giảm thiểu lượng khí phát thải ra bầu khí quyền Trái Đất trong năm nay, các chuyên gia cảnh báo ô nhiễm không khí vẫn là đe dọa lớn, đặc biệt khi kết hợp với dịch bệnh nguy hiểm này.

Khói mù ô nhiễm bao phủ bầu trời tại Santiago, Chile.

Khói mù ô nhiễm bao phủ bầu trời tại Santiago, Chile.

Trong bối cảnh các chính phủ triển khai các biện pháp giãn cách xã hội tạm thời nhằm đối phó với nhiều làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, một số nghiên cứu đã chỉ ra sự gia tăng rõ rệt chất lượng không khí ở Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu. Đơn cử như ở Tây Ban Nha, nồng độ oxit nitơ (NO2) trong khí quyển - một hợp chất liên quan đến các bệnh về phổi - đã giảm tới 62% trong giai đoạn nước này áp đặt lệnh phong tỏa vào mùa Xuân. Trong khi đó, Pháp và Italy cũng ghi nhận mức giảm lần lượt là 52% và 48% trong nồng độ NO2. Do ô nhiễm không khí ước tính cướp đi sinh mạng của khoảng 7 triệu người trên thế giới mỗi năm, sự sụt giảm trên được đánh giá có thể ngăn chặn hàng nghìn người tử vong trên thế giới.

Bụi mịn bao phủ bầu trời tại Los Angeles, California, Mỹ.

Theo chuyên gia Paola Crippa thuộc Đại học Notre Dame (Mỹ), các biện pháp phong tỏa có thể ngăn chặn khoảng 2.190 ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí ở châu Âu và 24.200 ca tử vong ở Trung Quốc. Bà cũng cho rằng khi cân nhắc hiệu quả lâu dài của biện pháp này - như tránh được bệnh hô hấp mãn tính, các bệnh tim mạch, ung thư phổi và bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ vì mức độ ô nhiễm không khí thấp hơn, số ca tử vong có thể được ngăn chặn thậm chí lớn hơn rất nhiều. Theo đó, ước tính có tới 29.000 ca tử vong do tiếp xúc với ô nhiễm không khí lâu dài có thể được ngăn chặn tại châu Âu, trong khi con số này ở Trung Quốc lên tới 287.000 trường hợp.

Bụi mịn bao phủ bầu trời tại Yeouido, phía tây thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Hàng chục nghìn sinh mạng có thể được cứu sống nhờ không khí sạch hơn là bằng chứng cần thiết để các nhà vận động bảo vệ môi trường thúc đẩy quy định về chất lượng không khí tốt hơn trong tương lai, thậm chí và đặc biệt là khi đại dịch kết thúc. Tuy nhiên, có lý do cấp bách để khẩn trương thực hiện điều này. Một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Tim mạch cho thấy việc tiếp xúc lâu dài với bụi mịn PM2.5 có thể khiến con người có nguy cơ tử vong cao hơn 15% khi mắc COVID-19. Tại Đông Á, con số này xấp xỉ 30%. Điều này là do virus SARS-CoV-2 và bụi mịn PM2.5 đều gây viêm phổi nặng, và khi hai yếu tố này "cộng hưởng" với nhau có thể làm bệnh tình trầm trọng hơn do cả hai đều gây viêm mạch máu trong phổi, viêm phổi thứ phát, tăng huyết áp và suy tim.

Thành phố Delhi mờ mịt khói vào buổi sáng sau lễ Diwali.

Trong khi đó, các phân tích gần đây về chất lượng không khí tại hơn 3.000 hạt của Mỹ cho thấy sự gia tăng chất dạng hạt trong không khí ở mức 1 microgram/m3 tương ứng với nguy cơ tử vong vì COVID-19 tăng 11%. Mặc dù vẫn còn nhiều việc làm làm trong việc nghiên cứu mối liên quan giữa COVID-19 và ô nhiễm không khí, các nhà khoa học vẫn khuyến cáo người dân cảnh giác khi mùa Đông - "mùa ô nhiễm không khí" - sắp đến trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới.

Phương Oanh

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/o-nhiem-khong-khi-ket-hop-dich-covid-19-de-doa-tinh-mang-con-nguoi-20201124163454892.htm