Ô nhiễm không khí kéo giảm tuổi thọ con người

Theo các số liệu công bố ngày 28/7, ô nhiễm không khí làm giảm tuổi thọ dự kiến của con người trên Trái Đất gần 2 năm. Với mức độ tàn phá này, các chuyên gia nhận định đây chính là tác nhân lớn nhất đe dọa sức khỏe con người.

Khói mù ô nhiễm bao phủ dày đặc tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Khói mù ô nhiễm bao phủ dày đặc tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chỉ số Chất lượng không khí cuộc sống (Air Quality Life Index-AQLI) cho rằng trong khi thế giới đang ráo riết tìm kiếm vaccine để dập đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ô nhiễm không khí tiếp tục khiến hàng tỷ người toàn cầu giảm thọ và ốm yếu hơn.

AQLI là chỉ số chuyển đổi ô nhiễm không khí bụi mịn (chủ yếu từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch) thành tác động của nó với sức khỏe con người.

Theo AQLI, mặc dù lượng bụi mịn đã giảm tại Trung Quốc (do giảm việc khai thác than đá), một trong những nước có tình trạng ô nhiễm không khí nhất thế giới, song về tổng thể tình trạng vẫn không có sự cải thiện trong 2 thập kỷ qua.

Tại các nước như Ấn Độ và Bangladesh, ô nhiễm không khí nghiêm trọng tới mức đã tác động làm giảm tuổi thọ dự kiến của người dân tại một số khu vực trong gần một thập kỷ qua.

Thậm chí, các chuyên gia còn cảnh báo chất lượng không khí mà nhiều người đang hàng ngày hít thở có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe hơn so với đại dịch COVID-19.

Theo người sáng lập chỉ số AQLI, Michael Greenstone, mối đe dọa của đại dịch COVID-19 là nghiêm trọng và hiện nay nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng và nếu vấn đề ô nhiễm không khí cũng nhận được sự quan tâm như vậy thì sức khỏe và tuổi thọ của hàng tỷ người trên thế giới sẽ được cải thiện rất nhiều.

Khói mù ô nhiễm bao phủ bầu trời Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 18/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo AQLI, gần 1/4 dân số thế giới sống tập trung ở 4 quốc gia Nam Á lại nằm trong số những nước ô nhiễm không khí nhiều nhất là Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Pakistan. Người dân ở đây có thể bị giảm tuổi thọ dự kiến tới 5 năm sau khi phải chịu mức độ ô nhiễm không khí đã cao hơn tới 44% so với 20 năm trước.

Trong khi đó, ô nhiễm không khí dạng bụi mịn cũng là một "mối lo lớn" ở khắp Đông Nam Á, nơi cháy rừng kết hợp với ô nhiễm từ giao thông và khí thải từ các nhà máy điện khiến không khí bị tổn hại trầm trọng.

Để cải thiện sức khỏe và tuổi thọ con người, các chuyên gia kêu gọi chính phủ các nước cần ưu tiên cải thiện tính trạng ô nhiễm không khí bằng những chính sách công mạnh mẽ sau khi vượt qua đại dịch COVID-19.

Thanh Hải (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/suc-khoe/o-nhiem-khong-khi-keo-giam-tuoi-tho-con-nguoi-20200728220654503.htm