Ô nhiễm không khí Hà Nội lại lên ngưỡng nguy hại

Chất lượng không khí Hà Nội suy giảm từ sáng sớm hôm qua, đến sáng nay (28/7), hầu hết các điểm đo ở Hà Nội lên ngưỡng tím (ngưỡng rất xấu - rất có hại cho sức khỏe tất cả mọi người) và ngưỡng đỏ (ngưỡng xấu - có hại cho tất cả mọi người), cá biệt có một điểm đo lên ngưỡng nguy hại.

Sáng nay (28/7), hơn 80 điểm đo chất lượng không khí của hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air đều ở ngưỡng đỏ và tím.

Sáng nay (28/7), hơn 80 điểm đo chất lượng không khí của hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air đều ở ngưỡng đỏ và tím.

Sau hai tháng chất lượng không khí tương đối tốt nhờ điều kiện thời tiết, từ rạng sáng ngày 27/7, chất lượng không khí có xu hướng kém rồi xấu. Đến 6h30 sáng nay (28/7), hơn 80 điểm đo chất lượng không khí của hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air đều ở ngưỡng đỏ và tím. Trong đó điểm đo tại Ô Chợ Dừa có chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) lên 318 - ở mức nguy hại.

Hàng loạt điểm đo khác ở ngưỡng tím. Tại Ba Đình các điểm đo lên ngưỡng tím như Trường THCS Nguyễn Trãi (Ba Đình), Trường mầm non thực hành Hoa Sen, các điểm đo tại Đội Cấn, Kim Mã. Tại quận Hoàn Kiếm, một số điểm đo lên ngưỡng tím như tại Hàng Thiếc, Nguyễn Chế Nghĩa, Bà Triệu.

Các hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, của Đại sứ quán Mỹ cũng ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng của thủ đô.

Bộ Y tế khuyến cáo, khi chất lượng không khí từ ngưỡng đỏ (ngưỡng xấu) trở lên, người dân nên hạn chế ra đường phố, đi tập thể dục, lao động ngoài trời. Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá.

Theo nhận định của các chuyên gia, điều kiện thời tiết không thuận lợi làm bụi không khuếch tán được mà đọng lại sát mặt đất khiến ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được đánh giá do nhiều nguyên nhân cộng hưởng gồm giao thông, xây dựng, sản xuất và các hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt rác. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, các chất ô nhiễm khuếch tán lên cao giúp chất lượng không khí được cải thiện. Khi điều kiện thời tiết không thuận lợi, các chất ô nhiễm sẽ đọng lại và gây ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là mùa đông, khi hiện tượng nghịch nhiệt thường xuyên xảy ra.

Hôm nay (28/7), Hội thảo “Cải thiện chất lượng không khí Hà Nội: Cập nhật nghiên cứu và giải pháp” cũng được tổ chức để giới thiệu các nghiên cứu giải thích hiện tượng ô nhiễm không khí ở Hà Nội thời gian qua. Hội thảo do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (DONRE) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu sơ bộ và cập nhật các giải pháp cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội.

5 kết quả nghiên cứu nổi bật được trình bày tại hội thảo bao gồm:

Thứ nhất, nghiên cứu ô nhiễm không khí thời kì COVID-19: Một nhóm các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, Sở TN&MT Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu để đánh giá ảnh hưởng của thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19 đến chất lượng không khí, sử dụng dữ liệu trạm mặt đất và thông tin khí tượng. Nghiên cứu dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 7/2020. Nghiên cứu do TS. Lý Bích Thủy, ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì.

Thứ hai, giải thích về ô nhiễm không khí ở Việt Nam sử dụng mô hình WRF-Chem: Lần đầu tiên, hệ thống mô hình nghiên cứu và dự báo thời tiết (WRF-Chem) được triển khai và kiểm chứng đối với các biến khí tượng và khí quyển của các trạm quan trắc mặt đất ở miền Bắc để mô phỏng chất lượng không khí ở miền Bắc. Hệ thống cũng có thể dùng để đánh giá phát thải của việc đốt sinh khối rơm rạ trong mùa hè. Quá trình không khí thay đổi theo thời gian này được nhóm nghiên cứu trực quan hóa bằng video. Người trình bày: PGS.TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh, ĐH Công nghệ ĐH Quốc gia Hà Nội

Thứ ba, ảnh hưởng điện than tới Hà Nội: Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) kết hợp với một số cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế đã thực hiện nghiên cứu “Tác động của nhiệt điện than tới chất lượng không khí và sức khỏe tại Việt Nam” từ 10/2018 đến tháng 6/2020, nhằm xem xét đóng góp của các nhà máy điện than vào tình hình ô nhiễm không khí ở Việt Nam và gánh nặng bệnh tật tử vong sớm liên quan. Nghiên cứu phân tích 4 kịch bản phát triển điện than trong mối tương quan với những nguồn năng lượng sạch hơn. Kết quả này cũng nhằm góp ý vào Quy hoạch điện VIII và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.

Thứ tư, xây dựng bộ số liệu đầu vào để kiểm kê nguồn thải nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách quản lý ô nhiễm không khí dài hạn ở Hà Nội áp dụng mô hình GAINS: Trong khuôn khổ hợp tác của Viện Quốc tế về Phân tích Hệ thống Ứng dụng (IIASA) và Viện Hàn lâm KH&CN, Việt Nam đã xây dựng được mô hình GAINS với bộ số liệu cấp quốc gia và phân bổ cho thành phố Hà Nội. Hiện nay, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, công ty tư vấn RCEE-NIRAS đang xây dựng bộ số liệu đầu vào cho riêng Hà Nội và đối chiếu với những số liệu trước đó. Nghiên cứu tập trung vào cập nhật dữ liệu từ các nguồn thải như làng nghề, sinh hoạt dân cư, đốt rơm rạ, giao thông và xây dựng, công nghiệp và năng lượng.

Thứ năm, phân tích xác định các nguồn thải ô nhiễm không khí cho TP. Hà Nội: Nghiên cứu này do Viện Khí tượng Phần Lan (FMI) phối hợp với TP Hà Nội, nhằm phân tích thành phần hóa học trong bụi PM2.5 và xu thế khí hậu nhằm để đánh giá các nguồn gây ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 cho Hà Nội, có tính đến ảnh hưởng từ các tỉnh lân cận. Nghiên cứu này nằm trong dự án Quản lý chất lượng không khí Việt Nam tại Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ.

Thu Cúc

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/o-nhiem-khong-khi-ha-noi-lai-len-nguong-nguy-hai/402152.vgp