Ô nhiễm không khí do đốt rơm rạ: Loay hoay tìm giải pháp

Tình trạng đốt rơm rạ tự phát sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Ngăn chặn và kiểm soát tình trạng này, cần hơn nữa những giải pháp thay thế hiệu quả, bền vững.

Chất lượng không khí Hà Nội ô nhiễm có nguyên nhân do đốt rơm, rạ tại vùng ngoại thành. Ảnh: Việt Dũng

Chất lượng không khí Hà Nội ô nhiễm có nguyên nhân do đốt rơm, rạ tại vùng ngoại thành. Ảnh: Việt Dũng

Tái diễn tình trạng đốt rơm rạ

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6/2021, không khó để bắt gặp hình ảnh bà con đốt rơm rạ ngay trên các cánh đồng ở ngoại thành Hà Nội. Tại các huyện Quốc Oai, Sóc Sơn, Gia Lâm, Phúc Thọ, Đông Anh… về chiều muộn, bà con đốt rơm rạ ngày càng nhiều. Nhiều đám lửa bùng lên ngay gần đường cao tốc. Những người không đốt gần đường cao tốc thì khói bụi theo gió cũng khuếch tán đi xa.
Tình trạng trên đã khiến chất lượng không khí Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là vào cuối tuần qua, trong sáng ngày 6/6 những làn khói trắng xóa tại ngoại thành Hà Nội bốc lên khiến không khí bị ô nhiễm. Tại huyện Đông Anh chỉ số chất lượng không khí AQI từ tối 5/6 đã tăng vọt từ 67 – 353 ở mức cao nhất trong thang cảnh báo ô nhiễm. Không chỉ ô nhiễm tại chỗ, khói còn bay vào các quận nội thành khiến không khí trở nên mờ mịt. Mặc dù hai ngày cuối tuần, Hà Nội có mưa ở một vài nơi nhưng không đủ xua tan khói bụi ô nhiễm. Theo dữ liệu Mạng lưới không khí sạch Pam Ari, chất lượng không khí Hà Nội trong sáng 6/6 chủ yếu ở mức xấu và kém, một số quận nội thành như Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng chỉ số AQI trên 200.
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, tình trạng đốt rơm rạ diễn ra phổ biến trong những ngày vừa qua là quá trình đốt không kiểm soát và đốt không cháy hoàn toàn nên dễ phát sinh nhiều chất ô nhiễm không khí như bụi PM 2.5, PM 10... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính những người dân tại đó và cả những người dân sống ở những khu vực không có hiện tượng đốt rơm rạ.
Coi rơm rạ là nguồn tài nguyên
Được biết, cùng với sự vào cuộc của sở, ngành, chính quyền địa phương, nhiều hành động cụ thể, biện pháp tuyên truyền được đẩy mạnh, khuyến khích, hỗ trợ người dân không đốt rơm rạ. Vì vậy năm 2020, toàn TP tỷ lệ đốt rơm rạ trong vụ Đông Xuân đã giảm hơn một nửa, xuống mức 20% so với tỷ lệ 44% vào năm 2019 và 2015.
"Mặc dù giảm nhưng hoạt động đốt rơm rạ tự phát lại tái diễn ngay trong thời điểm hiện nay khi các huyện đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa vụ Xuân 2021" - đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội nhận định và cho rằng, sở dĩ hoạt động đốt rơm rạ tại đồng vẫn được một số bà con nông dân sử dụng, bất chấp những cảnh báo của cơ quan chức năng là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, không sẵn sàng chi trả phí mua chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ trong khi giải pháp đốt lại không mất đồng phí nào mà lại nhanh giải phóng được lượng rơm rạ lớn chuẩn bị cho vụ mới. Trong khi đó, tại các địa phương, không có DN thu mua rơm rạ của người dân để làm nguyên liệu đầu vào sản xuất hàng hóa; nguồn ngân sách hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường; thiếu chế tài xử lý đối với người đốt rơm rạ.
Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Quang Hà - Phó Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp cho rằng, để giảm triệt để việc đốt rơm rạ, ngoài các giải pháp chính trước mắt như tăng cường tuyên truyền vận động, tận dụng rơm rạ, hỗ trợ kinh phí chế phẩm sinh học… cần thực hiện tốt giải pháp lâu dài là áp dụng mô hình khép kín và xử lý sau thu hoạch, phải có quy hoạch tổng thể. Nhìn nhận ở góc độ khác, GS.TS Đặng Kim Chi, lại cho rằng, hoạt động đốt rơm rạ tự phát là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, nhưng nếu được đốt có kiểm soát, kiểm soát được các chất ô nhiễm phát sinh, còn có thể tận dụng nhiệt lượng và tro để quay trở lại phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bởi lẽ, rơm rạ là phần phụ phẩm của hoạt động nông nghiệp nhưng không phải là phế thải mà cần coi đó là nguồn tài nguyên.

Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, ngạt thở... Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO, đây là loại khí rất độc. Người hít nhiều và kéo dài dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… Không những vậy, với lượng khói dày đặc, mù mịt sẽ làm giảm tầm nhìn, khó khăn cho các phương tiện khi tham gia giao thông.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng

Hà Ánh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/o-nhiem-khong-khi-do-dot-rom-ra-loay-hoay-tim-giai-phap-422570.html