Ô nhiễm không khí đang 'chọc thủng' lá chắn bảo vệ da

Viêm da cơ địa là bệnh da mạn tính thường gặp, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tỷ lệ viêm da cơ địa tăng theo tình trạng ô nhiễm không khí do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa.

Viêm da cơ địa (VDCĐ) xảy ra do sự tương tác giữa rối loạn chức năng hàng rào bảo vệ da, yếu tố môi trường và đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Vi khuẩn staphylococcus aureus là một yếu tố quan trọng trong sinh bệnh học của VDCĐ, gây rối loạn hệ vi khuẩn trên da và men protease do vi khuẩn tiết ra làm suy yếu chức năng “lá chắn” bảo vệ da. Rối loạn chức năng “lá chắn” bảo vệ da có biểu hiện tăng, mất nước qua thượng bì, giảm hydrat hóa và tăng pH ở lớp sừng.

Tác nhân gây viêm da cơ địa

Những thay đổi này phá vỡ tính toàn vẹn của “hàng rào” bảo vệ da và dễ dàng bị xâm nhập bởi các chất kích ứng, dị ứng nguyên và tác nhân nhiễm trùng, từ đó khởi phát quá trình viêm. Kết quả của quá trình này gây ngứa, cào gãi, làm tổn thương “lá chắn” bảo vệ da, gây vòng xoắn bệnh lý ngứa - cào gãi - ngứa.

Ô nhiễm không khí là vấn đề cần được quan tâm ở bệnh nhân VDCĐ, vì những khiếm khuyết “lá chắn” bảo vệ và giảm đề kháng, khả năng sửa chữa ở da, làm cho các chất ô nhiễm dễ dàng xâm nhập và khởi phát đáp ứng viêm. Tỉ lệ VDCĐ tăng theo tình trạng ô nhiễm không khí do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa trên toàn cầu.

Nguyên nhân trong ô nhiễm không khí có các thành phần: bụi mịn; các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi; khí thải từ phương tiện giao thông và khói thuốc lá chứa các hợp chất gây ung thư như nicotine, hydrocarbon thơm đa vòng, kim loại…

- Bụi mịn

Bụi mịn đã được chứng minh gây rối loạn hàng rào bảo vệ da trong phòng thí nghiệm. Ở một nghiên cứu trên lợn cho thấy, phần da lưng tiếp xúc với bụi mịn có hiện tượng mất nước qua thượng bì cao gấp đôi so với nhóm chứng. Về mô học, bụi mịn gây mất protein trong lớp sừng, gây kích thích sản xuất men thủy phân protein cấu trúc, gây viêm da, tăng phản ứng viêm.

Thí nghiệm ở chuột, bụi mịn có thể xuyên qua da và kích hoạt phản ứng viêm ở chuột. Từ những nghiên cứu đáng báo động trên động vật, các tác giả tiếp tục tiến hành nghiên cứu trên 21 bệnh nhân nhi viêm da cơ địa tại Hàn Quốc sống ở một khu đô thị. Kết quả cho thấy mối tương quan giữa bụi mịn và sự bùng phát bệnh VDCĐ, đồng thời cũng cho thấy mối liên quan giữa mức tăng bụi mịn và các triệu chứng của bệnh.

- Khí thải từ phương tiện giao thông

Khí thải từ phương tiện giao thông bao gồm bụi mịn và các chất gây ô nhiễm không khí như NO2, SO2, và O3. Các chuyên gia đã đánh giá có mối liên quan giữa khí hậu, môi trường và VDCĐ ở trẻ em. Đặc biệt, mẹ tiếp xúc với không khí ô nhiễm do khí thải từ phương tiện giao thông trong giai đoạn mang thai làm tăng nguy cơ VDCĐ cho trẻ.

Một nghiên cứu được thực hiện tại Nhật Bản, theo dõi những bà mẹ mang thai đến khi đứa trẻ 16-24 tháng tuổi và đánh giá sự phát triển của bệnh hen suyễn và VDCĐ. Sau khi loại bỏ yếu tố tiền căn dị ứng của cha mẹ, 8,9% trẻ em được chẩn đoán viêm da cơ địa khi 16-24 tháng tuổi. Trong đó, tỉ lệ mắc VDCĐ ở trẻ em sống gần đường chính (trong vòng 50m) cao hơn so với trẻ em sống xa đường chính (> 200m).

- Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi

Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) có gốc carbon như benzen, toluene và formaldehyde, được phóng thích ra từ đồ gia dụng phổ biến như chất tẩy rửa, giấy dán tường, đồ nội thất mới, nhựa và ván ép… góp phần ô nhiễm không khí trong nhà và gây rối loạn chức năng hàng rào bảo vệ da.

Nghiên cứu của Huss-Marp và cộng sự đánh giá 12 bệnh nhân VDCĐ và 12 người khỏe mạnh tiếp xúc dị ứng nguyên (mạt bụi nhà), sau đó vào phòng chứa 22 VOCs ở nồng độ 5mg/m3 trong 4 giờ. Kết quả, tất cả các đối tượng nghiên cứu có tỉ lệ tăng trung bình 34% tình trạng mất nước qua da sau 48 giờ phơi nhiễm VOCs so với ở phòng có không khí được làm sạch. Hơn nữa, 6 trong 7 bệnh nhân có thử nghiệm áp bì dương tính với mạt bụi nhà có triệu chứng da nặng hơn sau khi tiếp xúc với VOCs, do đó VOCs có thể làm nặng hơn phản ứng dị ứng với các dị ứng nguyên.

Tại Hàn Quốc, các nghiên cứu cho thấy, việc tiếp xúc với formaldehyde gây ra tình trạng mất nước qua thượng bì và tăng pH da ở cả người khỏe mạnh và người viêm da cơ địa. Một nhà nghiên cứu họ Lee và cộng sự đã đánh giá mối liên quan giữa việc sửa nhà và VDCĐ trên hơn 4.000 học sinh Hàn Quốc. Trong nghiên cứu này, trẻ em sống ở ngôi nhà sửa chữa trong vòng 12 tháng qua có nguy cơ mắc viêm da cơ địa gấp 3 lần so với trẻ em không sống ở khu vực sửa chữa. Hơn nữa, nguy cơ mắc viêm da cơ địa tăng gấp 7 lần, nếu trẻ dị ứng thực phẩm và sống trong nhà được sửa chữa gần đây.

- Khói thuốc lá

Khói thuốc lá đã được chứng minh làm nặng hơn tình trạng VDCĐ thông qua cơ chế làm tăng mất nước qua thượng bì và làm tăng tỉ lệ mắc VDCĐ.

Giải pháp cho bệnh nhân viêm da cơ địa

Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa vẫn tiếp diễn trong tương lai, vì vậy cần có các biện pháp để phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe dưới tác hại của ô nhiễm không khí. Người bệnh VDCĐ cần quan tâm đến 3 giải pháp chính: Tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm và giảm tổn thương “lá chắn” bảo vệ da bằng việc lựa chọn nguyên liệu không gây kích ứng; làm sạch thường xuyên để loại bỏ các chất ô nhiễm trên bề mặt da; đảm bảo chức năng “lá chắn” bảo vệ da nhằm chống lại sự xâm nhập của các chất ô nhiễm; khuyến khích bệnh nhân tắm rửa hàng ngày (vào cuối ngày sau khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm xung quanh), bôi dưỡng ẩm để sửa chữa “lá chắn” bảo vệ da.

Bên cạnh đó, cần có thêm nhiều nghiên cứu về các thành phần và công thức lý tưởng để sửa chữa những vấn đề da liên quan đến không khí ô nhiễm. Vai trò của các hợp chất chống oxy hóa và chống viêm tại chỗ, các vitamin và vi khoáng chất như là một điều trị hỗ trợ nhằm tăng cường khả năng của da chống lại các tổn thương oxy và viêm.

Tuy nhiên, về lâu về dài, trong khi dưỡng ẩm và chất chống oxy hóa giúp sửa chữa tình trạng rối loạn “lá chắn” bảo vệ da do ô nhiễm, thì việc điều chỉnh lối sống và nền công nghiệp có thể giảm thiểu và ngăn ngừa các rối loạn chức năng “lá chắn” bảo vệ da như: những chiến dịch nấu ăn sạch để giảm tiếp xúc với các chất ô nhiễm do việc đốt nguyên liệu rắn (than, phân, gỗ, sinh khối); lựa chọn các vật liệu không chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi; tăng cường tuyên truyền tác hại của thuốc lá và hướng dẫn các biện pháp bỏ thuốc lá…

VDCĐ là bệnh da mạn tính thường gặp, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Ở các nước phát triển như New Zealand, Anh, tỉ lệ VDCĐ trong dân số đạt mức cao ổn định khoảng 10 - 15%. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, tỷ lệ này tiếp tục gia tăng, cao hơn 15% và lên tới 24,6% như ở Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Trong 2 thập kỷ phát triển nhảy vọt của nền công nghiệp Trung Quốc, tỉ lệ VDCĐ ở trẻ em ở nước này tăng nhanh từ 2,8% vào năm 1995 lên đến 15,8% vào năm 2012.
Ở Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu về tỷ lệ VDCĐ trong dân số, nhưng luôn là một trong những bệnh da thường gặp nhất ở các phòng khám da liễu. Tại bệnh viện Da liễu TP.HCM, năm 2019, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị do VDCĐ là 150.501 trường hợp chiếm tỉ lệ 19,19%, cao nhất trong mô hình bệnh tật của bệnh viện.

HOÀI THƯƠNG (ghi)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/o-nhiem-khong-khi-dang-choc-thung-la-chan-bao-ve-da-n182397.html