Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người ra sao?

Các chuyên gia y tế cảnh báo, bụi mịn có thể xâm nhập vào cơ thể gây nhiều bệnh cấp tính hoặc tích tụ lâu dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Chỉ số AQI (ứng dụng Air Quality Index - đo chỉ số ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người) tại Hà Nội và TP.HCM những ngày gần đây tăng khá cao, dao động từ 100 đến 200. Đặc biệt, hôm nay, 24/9, chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội nhiều lúc ở mức 179 là mức có hại cho sức khỏe con người.

Ô nhiễm không khí gây nhiều hệ lụy với sức khỏe con người.

Ô nhiễm không khí gây nhiều hệ lụy với sức khỏe con người.

Khi được hỏi về tình trạng sức khỏe bản thân trong những ngày vừa qua, nhiều người dân lo lắng khi họ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu.

Phân tích ảnh hưởng của ô nhiễm không khí với sức khỏe con người đặc biệt với trẻ nhỏ, bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, những người mắc bệnh phổi mạn tính, hen suyễn và các bệnh phổi khác sẽ có nguy cơ cao nhiễm bệnh do không khí ô nhiễm.

Đối tượng trẻ nhỏ sức đề kháng kém, khi niêm mạc đường hô hấp hít phải các chất bụi, hoặc khỏi trong không khí cũng rất dễ làm tổn thương niêm mạc. Do đó, trẻ em cũng rất dễ mắc các bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp.

Cũng theo bác sỹ Dũng, ô nhiễm không khí không những ảnh hưởng tới sức khỏe con người mà còn tác động tới quá trình điều trị của các bệnh nhân, khiến bệnh tình nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị.

Trước thông tin thời gian gần đây nhiều người cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, khó chịu, bác sỹ Dũng cho biết, do những người này sống ở trong môi trường không khí ô nhiễm, bị tổn thương đường hô hấp, các vi khuẩn, vi rút dễ xâm nhập khiến cơ thể mệt mỏi hơn, khó chịu hơn.

Đặc biệt, đối với những người có sức đề kháng kém, những người có bệnh lý về đường hô hấp sẽ gây khó chịu trong sinh hoạt, hiệu suất làm việc hàng ngày giảm sút khi ô nhiễm không khí như thời gian vừa qua.

Bảng quy đổi giá trị AQI với những con số tương ứng dự báo mức độ ảnh hưởng với con người

Đối với người có tiển sử bệnh phổi mạn tính, hen khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm rất dễ tái phát bệnh và mức độ bệnh cũng tăng hơn. Bác sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính. Đây là hai bệnh nguy hiểm nhưng khi phát hiện, bệnh đã diễn biến nặng.

Về phía Bộ Y tế, ông Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Quản lý sức khỏe môi trường và hóa chất, Cục Quản lý Môi trưởng Y tế cho biết, trung bình mỗi người cần 10.000 lít không khí để thở mỗi ngày. Do đó khi chất lượng không khí không đảm bảo có thể gây hàng loạt bệnh tật về đường hô hấp, tim, ung thư…

Trường hợp cấp tính nặng có thể dẫn đến ngạt do suy hô hấp, nhiễm độc máu, ảnh hưởng tim, phổi, thậm chí tử vong. Trường hợp mãn tính là viêm phổi, viêm phế quản mãn tính và các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, tim mạch, viêm da, kích ứng da, căng thẳng thần kinh…

Tuy nhiên, theo ông Cường, dù sống trong môi trường ô nhiễm nhưng không phải ai cũng mắc bệnh do phụ thuộc vào hệ miễn dịch, chức năng đào thải của cơ thể, chất độc hại và nồng độ vào cơ thể.

Để phòng ngừa các bệnh lý cũng như tác hại do ô nhiễm không khí gây ra các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần theo dõi dự báo trên các trang thông tin đại chúng để biết được những thông số về mức an toàn trong không khí, từ đó có những kế hoạch di chuyển và phòng vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Những ngày mức độ ô nhiễm không khí cao các chuyên gia khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài đặc biệt là qua những khu vực bị ảnh hưởng nặng.

Khi đi ra ngoài đường phải đeo khẩu trang để ngăn ngừa khói bụi trong không khí. Với những gia đình gần khu vực ô nhiễm cao nên đóng cửa khi không cần thiết và sử dụng điều hòa để lọc không khí để hạn chế những tác nhân ô nhiễm.

Cụ thể, với khẩu trang, các chuyên gia khuyến nghị, người dân nên mang hai lớp khẩu trang để có tác dụng kháng khuẩn, kháng bụi tốt nhất. Tuy nhiên khẩu trang thông thường như khẩu trang vải, khẩu trang y tế không thể lọc được bụi mịn mà chỉ hạn chế 30%-40% lượng bụi.

Vì vậy, để ngăn được bụi PM 2.5, chuyên gia khuyến cáo cần sử dụng khẩu trang chuyên dụng. Do đó, người dân cần trang bị khẩu trang N95 hoặc N99 để sử dụng khi ra đường. Trường hợp chỉ có khẩu trang y tế, người dân cần lồng hai chiếc vào nhau hoặc lót kèm khăn giấy bên trong để ngăn bụi.

Lưu ý, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ không nên che chắn quá nhiều nhiều lớp khẩu trang, quần áo. Điều đó có thể gây tác dụng ngược như khiến trẻ sốc nhiệt, mất nước, suy hô hấp.

Bên cạnh đó, để hạn chế chất độc từ khói bụi đi vào cơ thể, người dân cần vệ sinh nơi ở, thân thể, đặc biệt là làm sạch mũi hàng ngày. Các gia đình nên tăng cường rau củ và trái cây để tăng cường sức đề kháng.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/o-nhiem-khong-khi-anh-huong-den-suc-khoe-con-nguoi-ra-sao-112076.html