Ô nhiễm, khan hiếm nguồn nước diễn ra nghiêm trọng

Theo các chuyên gia môi trường, thời gian qua, mức độ ô nhiễm, khan hiếm nguồn nước cùng với tác động do sự gia tăng dân số, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường sống, an ninh xã hội tại nhiều đô thị trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội, qua kiểm tra lấy mẫu định kỳ về ô nhiễm asen tại 34 điểm đông dân cư đã cho thấy: Có 46% các địa điểm lấy mẫu có hàm lượng asen liên tục vượt quá tiêu chuẩn cho phép của tổ chức y tế thế giới WHO và tiêu chuẩn Việt Nam, với nồng độ asen là 22ug/l.

Ô nhiễm từ nông đến sâu

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, nước là tư liệu quan trọng hàng đầu trong mọi hoạt động sản xuất, không có nước thì không thể phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Bởi vậy, nước đã trở thành tài nguyên chiến lược thứ hai sau tài nguyên con người.

Tuy nhiên, “trong bối cảnh gia tăng dân số, đô thị hóa ngày nhanh chóng đã khiến nguồn nước (kể cả nước mặt lẫn nước ngầm) tại nhiều nơi, đặc biệt là các thành phố lớn cũng bị ô nhiễm và suy thoái," Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận.

Đưa ra bức tranh cụ thể, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, tại thành phố Hà Nội, kết quả nhiều nghiên cứu đã cho thấy nguồn nước ngầm tự nhiên bị nhiễm asen ở cả hai tầng Holocene và Pleistocene (nông và sâu), mức độ ô nhiễm. Nghiêm trọng nhất là các đô thị ở khu vưc phía Nam.

Cụ thể, qua kiểm tra lấy mẫu định kỳ về ô nhiễm asen tại 34 điểm là các hộ dân sống gần 13 nhà máy nước chính và 4 trạm cấp nước đang hoạt động trên địa bàn thành phố, kết quả phân tích cho thấy: Có 46% các địa điểm lấy mẫu có hàm lượng asen liên tục vượt quá tiêu chuẩn cho phép của tổ chức y tế thế giới WHO và tiêu chuẩn Việt Nam, với nồng độ asen trung bình ở các điểm là 22ug/l.

Kết quả nghiên cứu của các tổ chức cũng cho thấy, hầu hết các điểm phát hiện giàu asen đều nằm gần các nhà máy nước Nam Dư, Yên Phụ, Lương Yên, Gia Lâm, Pháp Vân và Linh Đàm. Sự biến động lớn của nồng độ asen theo thời gian cũng được các chuyên gia ghi nhận. Theo đó, tại các thời điểm giàu asen, nồng độ cao nhất xảy ra vào các quý 2 và 4, thấp nhất vào quý 1 và quý 3 trong một năm.

Cùng với ô nhiễm nguồn nước ngầm, hầu hết các sông hồ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quy Nhơn, Thái Nguyên, Hải Dương - nơi có dân cư đông đúc và nhiều các khu công nghiệp lớn cũng bị ô nhiễm. Nhiều nơi bị ô nhiêm nghiêm trọng.

Đáng lo ngại, đến nay, phần lớn lượng nước thải sinh hoạt và công nghiệp đều chưa được xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sau đó chảy ra các con sông lớn. Ngoài ra, nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất như các lò mổ và ngay cả bệnh viện cũng đang làm ô nhiễm nguồn nước (bao gồm cả nước mặt và nước ngầm).

Nhìn nhận thực tế trên, ông Triệu Đức Huy, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia cho rằng, ô nhiễm và suy thoái nguồn nước đã trở thành vấn đề nan giải đối với nhiều thành phố trên cả nước. Tại một số đô thị, việc khai thác nước dưới đất đã và đang có những biểu hiện suy thoái cả chất và lượng, thậm chí một số đô thị ở mức báo động. "Mức độ suy thoái, ô nhiễm tùy vào vị trí, nhưng tổng quan chung là biểu hiện qua các hình thức như: Suy giảm trữ lượng nước dưới đất thông qua sự hạ thấp mực nước, cạn kiệt nguồn nước; sự suy giảm chất lượng nước thông qua nhiễm bẩn, xâm nhập mặn và xáo trộn mực nước," ông Huy phân tích.

"Chia sẻ" để cùng hưởng lợi

Nhằm sử dụng bền vững nguồn nước tại các đô thị, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong ngành môi trường cũng như các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp; trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng nguồn tài chính và kêu gọi trợ giúp khoa học, công nghệ từ các tổ chức quốc tế.

Theo ông Tống Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia, công tác quản lý, việc bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước là nhiệm vụ đã được các tổ chức thực hiện trong Chương trình "Ngày nước" hàng năm. Tuy nhiên, việc này vẫn còn tồn tại bất cập với nhiều thách thức.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể, ông Thanh cho biết hiện Việt Nam đang có gần 800 đô thị, dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Về dân số, hiện nước ta cũng đang đứng thứ 13 toàn cầu, trong đó có đến 33% sống ở khu vực đô thị và nhiều khả năng sẽ đạt 50% vào năm 2030.

"Sự gia tăng dân số, đô thi hóa ngày càng nhanh đã khiến nhu cầu sử dụng và khai thác quá mức nguồn nước ngày càng tăng cao. Cũng chính vì thế, nên nguồn nước ngầm tại nhiều thành phố lớn đã và đang phải đứng trước nhiều thách thức," ông Thanh lý giải.

Từ thực tế nêu trên, ông Thanh cho rằng, để sử dụng bền vững nguồn nước, Việt Nam rất cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các ngành sử dụng nước trong cả nước và quốc tế, để sao cho việc quy hoạch, quản lý tổng hợp tài nguyên nước được lồng ghép trong các kế hoạch phát triển đô thị và kinh tế-xã hội.

Đồng tình quan điểm trên, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Thông điệp của Ngày nước thế giới năm 2013 đã nêu rõ "Nếu chúng ta cùng nhau chia sẻ, ai cũng có cơ hội sử dụng nước." Do vậy, chúng ta cần chia sẻ nguồn nước, công nghệ, các bài học kinh nghiệm về việc xử lý các vấn đề liên quan đến nước.

"Qua Thông điệp của Ngày nước thế giới năm 2013, tôi hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng, để mọi người có ý thức hơn trong việc chia sẻ, sử dụng hợp lý nguồn nước đầy đủ và bền vững," Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Đặc biệt, để "cứu nguy" cho nguồn nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đưa ra kế hoạch hành động quốc gia về nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên nước, trong đó xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm để quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước.

Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý đến các vấn đề hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước; tăng cường các biện pháp chủ động kiểm soát các tác động tiêu cực đối với tài nguyên nước; tuyên truyền nâng cao nhận thức và quản lý, bảo vệ tài nguyên nước…

Từ kinh nghiệm quốc tế và qua thực tiễn nghiên cứu tại Việt Nam, tiến sỹ Christin Glaser, Viện tài nguyên khoa học địa lý Liên bang Đức cho rằng, để sử dùng bền vững nguồn nước, Việt Nam cần cải thiện công nghệ, máy móc xử lý nước bị ô nhiễm đồng thời tìm ra nguồn nước nhân tạo, nguồn nước mới sạch hơn để thay thế, đáp ứng nhu cầu của người dân và công tác sản xuất theo mô hình xanh./.

B.T

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/o-nhiem-khan-hiem-nguon-nuoc-dien-ra-nghiem-trong-post110018.info