Ô nhiễm do rác thải ở nông thôn - Bài 1: Những áp lực từ hoạt động kinh tế - xã hội

Việt Nam hiện có trên 60 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm hơn 73% dân số trong cả nước. Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải và khoảng 7.500 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Bãi tập kết rác tại xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, ngay cạnh cánh đồng. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Bãi tập kết rác tại xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, ngay cạnh cánh đồng. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Khoảng trên 80% khối lượng rác thải, nước thải sinh hoạt và hầu hết lượng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom để xử lý hợp vệ sinh và xả trực tiếp vào môi trường. Các áp lực lên môi trường nông thôn do các hoạt động sản xuất và dân sinh đang ngày càng rõ nét, chưa kể đến những tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu như thiên tai lũ lụt và nước biển dâng. Đặc biệt là áp lực lên môi trường do hoạt động trồng trọt, tiếp đó là chăn nuôi và sản xuất ở các làng nghề đã và đang gia tăng.

Qua kết quả điều tra nghiên cứu “Đánh giá thực trạng quản lý chất thải rắn nông thôn và đề xuất khung chính sách quản lí cho giai đoạn 2020 – 2030, dưới góc độ của Khoa học xã hội và nhân văn” của nhóm các nhà khoa học do Tiến sĩ Trần Ngọc Ngoạn, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn-Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam làm Chủ nhiệm cho thấy: Rác thải là các loại chất thải phế liệu sau khi sử dụng thải ra môi trường, trong đó chất thải rắn là các chất thải tồn tại ở dạng rắn, chúng được phân loại theo nguồn gốc phát sinh, thành phần hóa học, tính chất độc hại, theo khả năng công nghệ xử lý và tái chế...

Hiện nay, sự phát triển các khu đô thị và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại khu vực nông thôn hay các vùng lân cận đã làm giảm diện tích đất trồng trọt, thay đổi đáng kể diện mạo mô hình nông thôn truyền thống. Trong trồng trọt, việc sử dụng ngày càng tăng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học đang ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Đối với cây lúa, hàm lượng sử dụng phân lân và kali khá cao (gấp trên 6 lần so với mức khuyến cáo). Trong khi đó, quá trình hấp thụ phân bón trong trồng trọt cho thấy, hầu hết các cây trồng chỉ hấp thụ được khoảng 40-50% lượng phân bón. Do vậy, việc không kiểm soát được lượng các dư lượng phân bón hóa học đã ảnh hưởng không nhỏ gây ô nhiễm nguồn nước, phú dưỡng hóa môi trường thủy sinh và làm thoái hóa môi trường đất.

Khu vực chứa và xử lý rác thải huyện Ngọc Hồi gây ô nhiễm cho 173 hộ dân tại thôn 2, xã Đăk Kan. tỉnh Kon Tum. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, hóa chất bảo vệ thực vật từ nhiều nguồn khác nhau như bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi sau khi sử dụng, rửa bình bơm và dụng cụ pha chế không đúng nơi quy định, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại trong các chai lọ vứt xuống ao, hồ…gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm và môi trường đất là nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường.

Việc thâm canh mùa vụ làm tăng nhanh khối lượng phế phụ phẩm sau thu hoạch như rơm, rạ, trấu, cám, lõi ngô. Ví dụ như Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích canh tác lớn (7,5 triệu ha đất chuyên canh trồng lúa), ước tính chất thải nông nghiệp là rơm, rạ hàng năm lên tới 76 triệu tấn. Biện pháp xử lý đối với loại chất thải này hiện nay chủ yếu là đốt ngoài đồng ruộng tạo nên các luồng khói chứa CO, CO2, NOx, bụi mịn, Aldehyt… ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí.

Về chăn nuôi, cả nước có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung, hoạt động chăn nuôi chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Ngành chăn nuôi phổ biến ở nước ta là chăn nuôi lợn và gia cầm. Cùng với sự gia tăng đàn và số lượng vật nuôi thì tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi ngày càng tăng.

Với tổng đàn 314,7 triệu con gia cầm và hơn 37 triệu con gia súc, mỗi năm nguồn thải từ chăn nuôi thải ra môi trường lên tới 84,5 triệu tấn. Chất thải rắn chăn nuôi bao gồm phân, các chất độn chuồng, thức ăn thừa, xác gia súc, gia cầm… Chất thải lỏng là nước tiểu, nước rửa chuồng, nước tắm cho gia súc… Từ đặc thù chăn nuôi, chất thải dạng khí là các hợp chất gây mùi NH3, H2S, VOC.

Bên cạnh chăn nuôi hộ gia đình, mô hình chăn nuôi trang trại ngày càng phát triển. Nhưng các trang trại này vẫn ở quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu nằm xen kẽ trong khu dân cư không có các công trình xử lý chất thải hoặc có nhưng không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường tương ứng. Thống kê cho thấy đến nay có khoảng 40-50% lượng chất thải rắn chăn nuôi được xử lý, số còn lại thải trực tiếp ra ao, hồ, kênh, rạch.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có gần 5.000 nhà máy chế biến nông sản thực phẩm với quy mô công nghiệp, còn lại là các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm do tư nhân làm chủ. Hầu hết các đơn vị chế biến đều được xây dựng gắn liền với vùng nguyên liệu tập trung tùy thuộc theo đặc trưng của từng vùng miền. Các cơ sở này phân phối không đồng đều ở các địa phương và hình thành tự phát, phân tán với quy mô nhỏ, lẻ, công nghệ lạc hậu, ngoài ra các cơ sở này còn tiêu thụ năng lượng lớn, lượng nước sử dụng nhiều và các phụ phế phẩm của quá trình chế biến không được thu gom, thải trực tiếp vào môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Hàng năm, các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm thải vào môi trường với khối lượng khá lớn chất thải ở cả 3 dạng rắn, lỏng và khí. Đặc trưng chất thải rắn của các cơ sở này là chất hữu cơ phân hủy và bốc mùi hôi thối ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn. Tính riêng trong sản xuất đường, mỗi năm dư thừa khoảng 1 triệu tấn bã mía và 600.000 tấn rỉ mật.

Do không có điểm thu gom nên bãi rác tự phát mọc lên ngay trước cổng chợ xã Phú Hộ (Phú Thọ). Ảnh: TTXVN

Cùng với đó là hoạt động sản xuất tại các làng nghề phát triển mạnh trong thời gian qua nhưng cơ bản vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, công nghệ và thiết bị thủ công đơn giản, lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp, tận dụng lao động đơn giản và trình độ nhận thức của người dân tại làng nghề còn hạn chế…là những yếu tố tạo nên áp lực lớn đến chất lượng môi trường khu vực nông thôn có làng nghề và sức khỏe cộng đồng dân cư. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng nông thôn như đường xá, cống rãnh thoát nước không đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, không có đủ diện tích dành cho các công trình xử lý ô nhiễm, cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ để làm mặt bằng sản xuất và các khu tập kết chất thải.

Hầu hết chất thải phát sinh phần lớn được thải ra môi trường mà chưa qua xử lý, đặc biệt là nước thải tại các làng nghề tái chế phế thải (tái chế kim loại, nhựa, giấy), làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, dệt nhuộm đang là vấn đề bức xức gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, chỉ có 4,1% làng nghề xử lý nước thải, chất thải độc hại cho thấy rõ nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các làng nghề nông thôn ở nước ta. Chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất tại các làng nghề dưới dạng nước thải, khí thải, chất thải rắn phụ thuộc vào từng loại hình sản xuất, nguyên liệu và sản phẩm nghề của từng làng và tác động xấu đến chất lượng môi trường không khí, môi trường nước và đất…theo các mức độ khác nhau.

Kết quả điều tra từ các làng nghề, trung bình hàng ngày có tới 15.000m3 nước thải phát sinh, phần lớn là chưa được xử lý và xả thải trực tiếp ra các kênh mương, ao hồ khu vực làng nghề và vùng lân cận. Nước thải sản xuất từ các làng nghề chế biến lương thực thực phẩm chủ yếu là chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học, hàm lượng chất dinh dưỡng như N, P cao; nước thải từ các làng nghề dệt nhuộm ô nhiễm chủ yếu là các tạp chất tự nhiên tách ra từ sợi vải (chất bẩn, dầu, sáp, hợp chất chứa nitơ, pectin trong quá trình nấu tẩy, chuội tơ) và các hóa chất sử dụng trong quy trình xử lý vải, các loại thuốc nhuộm, chất tẩy giặt; còn nước thải của làng nghề tái chế ô nhiễm độc hại vì có nhiều hóa chất, đặc biệt các kim loại nặng, axit, xyanua... hay các hóa chất từ khâu tẩy rửa nguyên liệu trong quá trình tái chế nhựa…

Chất thải rắn sản xuất ở hầu hết các làng nghề được thu gom chung với chất thải rắn sinh hoạt và chưa được xử lý triệt để. Cùng với sự gia tăng về số lượng và loại hình sản xuất tại làng nghề, chất thải rắn ngày càng tăng và phức tạp về thành phần gây tác động xấu tới môi trường đất, nước mặt và nước ngầm.

Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh riêng năm 2015 tại khu vực nông thôn đã lên tới 7,6 triệu tấn. Mặt khác, tỷ lệ các thành phần nhựa, cao su, ni lông, bao bì đựng các vật liệu hữu cơ và vô cơ tăng dẫn đến các biện pháp xử lý các chất thải rắn sinh hoạt truyền thống bị hạn chế. Người dân ở một số vùng nông thôn vẫn có thói quen vứt rác thải bừa bãi ven đường, ven các kênh mương thủy lợi, ven các ao hồ… tạo nên các bãi rác tự phát không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường không khí do mùi hôi thối. Ô nhiễm nước mặt và nước ngầm do nước rỉ rác và thay đổi chất lượng thành phần đất, tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Đối với chất thải rắn phát sinh từ khu vực sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, đáng lưu ý là các loại chất thải rắn như bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với nhiều thành phần nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người. Ước tính mỗi năm tại khu vực nông thôn ở nước ta phát sinh hơn 14.000 tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật và phân bón các loại.

Theo kết quả điều tra, thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường và báo cáo của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về các điểm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật từ thời kỳ bao cấp, chiến tranh (điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu), toàn quốc thống kê được 1.562 điểm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật. Trong đó có khoảng 200 điểm ô nhiễm có mức độ rủi ro cao gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng..

Bài 2: Thực trạng thu gom và xử lý

Văn Hào (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phong-su-dieu-tra/o-nhiem-do-rac-thai-o-khu-vuc-nong-thon-bai-1-nhung-ap-luc-tu-hoat-dong-kinh-te-xa-hoi-20190315170046072.htm