Ô nhiễm bủa vây 'thành phố đáng sống'

Những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng đang bị đe dọa bởi một số điểm nóng về ô nhiễm môi trường, như tình trạng mùi hôi thối nồng nặc tại âu thuyền Thọ Quang, 9 cống nước thải đổ ra bãi biển Đà Nẵng, ô nhiễm bãi rác Khánh Sơn và sông Phú Lộc.

Rác thải dân sinh, bùn đen bốc mùi hôi thối là thực trạng ô nhiễm đang diễn ra tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Ảnh: Mỹ Linh

Nước thải đen ngòm, rác thải sinh hoạt nổi lềnh bềnh và mùi hôi nồng nặc bốc lên xộc vào mũi là những gì mà người dân Đà Nẵng đang phải hứng chịu tại những khu vực ô nhiễm này.

Rác thải sinh hoạt từ các tàu cá đổ xuống là một phần nguyên nhân gây ô nhiễm ở âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: Mỹ Linh

Tại âu thuyền Thọ Quang những ngày hè này, vào những lúc đứng gió, mùi hôi thối từ âu thuyền tỏa khắp các khu vực khiến ai đi ngang qua cũng phải giật mình, bịt mũi bởi mùi hôi như cá chết, chị Lê Thị Em, phường An Hải Bắc, làm việc gần khu vực âu thuyền thọ Quang bức xúc.

Nước thải chưa qua xử lí từ hàng trăm các tàu cá đổ xuống gây ô nhiễm âu thuyền. Ảnh: Mỹ Linh

Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cũng cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm tại âu thuyền Thọ Quang là do hoạt động xả thải chưa qua xử lí của các tàu thuyền neo đậu tại âu thuyền, nước thải từ các doanh nghiệp hoạt động chế biến thủy sản trong KCN và nước thải từ chợ cá qua Trạm xử lý nước thải Sơn Trà, rác thải dân sinh từ các tàu cá đổ xuống mặt nước và mùi hôi từ bùn đáy âu thuyền Thọ Quang do chưa được nạo vét thường xuyên.

Nước thải từ các doanh nghiệp hoạt động chế biến thủy sản trong KCN và nước thải từ chợ cá qua Trạm xử lý nước thải Sơn Trà đổ ra âu thuyền. Ảnh: Mỹ Linh

Đã gần 1 năm kể từ khi Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ có thông báo về xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, nhưng tình trạng bốc mùi hôi thối và xả rác thải vẫn tiếp tục diễn ra.

Tại âu thuyền, bùn đen ứ đọng bốc mùi hôi thối vẫn chưa được nạo vét gây ô nhiễm môi trường nước. Ảnh: Mỹ Linh

Chị Lê Thị Em cũng cho biết thêm mặc dù hằng ngày ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang vẫn tiến hành thu gom rác thải dưới âu thuyền nhưng vẫn không xuể, rác dân sinh nổi bập bềnh trên mặt nước và bám dày đặc trên tận bờ kè.

Hơn 1.000 tàu cá neo đậu khiến âu thuyền trở nên quá tải. Bất chấp có biển báo cấm xả rác - nước thải xuống âu thuyền nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Ảnh : Mỹ Linh

Tương tự đối với khu vực bãi biển Đà Nẵng, 9 cống nước xả thải dọc bãi biển của quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà đang bao vây một trong những bãi biển đẹp nhất của Việt Nam. Dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối chảy ra từ miệng cống khiến cả một vùng cát đổi màu và hàng trăm mét khối cát trôi tuột xuống biển.

Một cống xả thải khu vực Ngũ Hành Sơn, tại bãi tắm Sao Biển đang chảy nước thải sinh hoạt ra bãi tắm. Ảnh: Mỹ Linh

Chị Nguyễn Thị Chín, quản lý khu dịch vụ số 6 bãi biển Mỹ Khê bức xúc, 23 năm nay chị phải sống chung với mùi hôi thối bốc lên từ dòng nước đen ngòm của các hầm xả nước thải đổ ra biển. Mặc dù đã kiến nghị lên các cơ quan ban ngành rất nhiều lần nhưng tình trạng thải nước ô nhiễm ra biển vẫn chưa được khắc phục. Những năm trước, nước chỉ xả theo từng đợt, nhưng đến những ngày gần đây nước thải lại liên tục xả như thác, cuốn bay cả một mảng cát cạnh gian hàng nước của chị, bao nhiêu vật dụng bàn ghế, dù che nắng đổ nghiêng ngã. Kể từ khi đường ống xả thải này hoạt động, thu nhập của chị chỉ còn 1/3 so với những năm trước.

Tại các đường hầm xả thải khu vực bãi tắm Mỹ Khê, một phần cát dọc bãi biển xói lở cả một mảng lớn sâu hoắm trôi ra biển. Ảnh: Mỹ Linh

Một số hộ dân buôn bán cạnh khu vực cống xả thải cũng chia sẻ, sau một trận mưa chỉ 15 phút thì nước biển Mỹ Khê đã biến thành màu đen, mùi hôi thối nồng nặc của nước cống, xác động vật chết và rác đầy tràn dọc khắp bãi biển. Mỗi lần thò chân xuống nước là ngứa ngáy, chúng tôi không dám cho con mình xuống tắm ở đây nữa.

Khu vực kinh doanh của các hộ dân đang bị đe dọa bởi diện tích sạt lở cát ngày càng tăng do nước thải cuốn trôi. Ảnh: Mỹ Linh

Du khách đến đây phản ánh với chị Chín rằng, họ đến đây để ngắm biển, tắm biển, để thư giãn chứ không phải để ngửi mùi hôi thối.

Một du khách đang tìm cách bước qua vũng cát lún do nước thải ngấm xuống. Ảnh: Mỹ Linh

Biển Đà Nẵng là nơi thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm, nhưng khi gặp cảnh tượng những dòng nước đen ngòm đặc quánh đang hòa vào dòng nước biển khiến ai cũng phải rùng mình, do không chịu nổi mùi hôi thối nên một số du khách đã tìm nơi xa hơn để tắm, khiến hoạt động kinh doanh của các hộ dân bãi tắm Sao biển rơi vào bế tắc.

Tại vị trí các cửa xả có nước thải chảy ra thường bốc mùi và tạo các mương, rãnh trên bãi cát gây mất mỹ quan đô thị. Ảnh: Mỹ Linh

Nhân viên Công ty Thoát nước và xử lí nước thải Đà Nẵng đang tiến hành san lấp các mương nước trước cống xả thải. Ảnh: Mỹ Linh

Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm và sạt lở tại bờ biển Đà Nẵng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải phun chế phẩm khử mùi để giảm thiểu mùi hôi phát tán ra khu vực xung quanh, đồng thời, sử dụng xe san gạt các mương trước cửa xả sau những đợt mưa tại khu vực bãi biển từ đường Hoàng Sa đến Võ Nguyên Giáp.

Tuy nhiên hoạt động san gạt lấp các rãnh nước trước cửa xả chỉ là tạm thời, nếu tiếp tục xả thải thì lượng cát vẫn tiếp tục trôi ra biển và không thể bù lại diện tích cát đã mất tại khu vực biển Đà Nẵng.

Người dân ở các khu vực bị ô nhiễm đều mong muốn, thành phố sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm, trả lại không gian sạch, đẹp cho thành phố đáng sống.

MỸ LINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/o-nhiem-bua-vay-thanh-pho-dang-song-545436.ldo