Ô nhiễm ánh sáng tăng nhanh trên phạm vi toàn cầu

(TN&MT) - Nhiều nơi trên thế giới được thắp sáng hơn, nhưng các nhà khoa học cho rằng đó không phải là điều tốt.

Theo các nhà nghiên cứu, dữ liệu vệ tinh ngày 22/11 cho thấy bề mặt ngoài trời ở Trái đất được chiếu sáng nhân tạo vào ban đêm tăng khoảng 2% mỗi năm về độ sáng và diện tích từ năm 2012 đến năm 2016, làm dấy lên mối lo ngại về tác động sinh thái của ô nhiễm ánh sáng đối với con người và động vật.

Tốc độ tăng trưởng này ở các nước đang phát triển cao hơn nhiều so với các nước phát triển.

Các nhà nghiên cứu cho biết Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) có thể không quan tâm đến tình hình vì cảm biến của nó không thể phát hiện ra một số ánh sáng LED đang ngày càng lan rộng, đặc biệt là ánh sáng màu xanh.

Bức ảnh bầu trời đêm của châu Âu được tạo ra từ Dụng cụ đo bức xạ hồng ngoại nhìn thấy được (VIIRS) được lắp ráp từ dữ liệu thu được từ vệ tinh Suomi NPP vào năm 2012 và được NASA phát hành vào ngày 2/10/2014. Ảnh: REUTERS / NASA

Nhà vật lí Christopher Kyba thuộc Trung tâm Nghiên cứu địa chất của Đức, người đứng đầu nghiên cứu cho biết trên tạp chí Science Advances: "Trái đất đang trở nên sáng sủa hơn vào mỗi đêm. Tôi thực sự không mong đợi điều đó”.

Một số trường hợp ngoại lệ, ánh sáng ban đêm được thấy nhiều ở khắp Nam Mỹ, Châu Phi và Châu Á. Ánh sáng chỉ ổn định ở một số quốc gia, bao gồm một số nước sáng nhất thế giới như Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Mỹ mặc dù các nhà nghiên cứu cho biết, một số cảm biến ánh sáng không hoạt động có thể che giấu sự gia tăng trên thực tế.

Những khu vực được thắp sáng của Úc giảm do cháy rừng. Ánh sáng ban đêm cũng giảm xuống trong những nước bị chiến tranh tàn phá như Syrian và Yemen.

Nhà sinh thái học Franz Hölker thuộc Viện Nghiên cứu Sinh vật học và thủy sản trên cạn (IGB) tại Đức cho rằng ô nhiễm ánh sáng gây hậu quả sinh thái, với chu kỳ ánh sáng tự nhiên bị gián đoạn bởi ánh sáng nhân tạo trong môi trường ban đêm. Theo ông, bầu trời ban đêm sáng hơn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của con người.

Bang Texas được chụp bởi một trong những thuyền viên NASA Expedition 36 trên Trạm vũ trụ quốc tế, độ cao cách Mặt Đất khoảng 240 dặm, dưới ống kính 50 mm vào ngày 27/6/2013. Ảnh: REUTERS / NASA

"Ngoài việc đe dọa 30% động vật có xương sống sống – loài ăn đêm và trên 60% động vật không xương sống hoạt động về đêm, ánh sáng nhân tạo cũng ảnh hưởng đến thực vật và vi sinh vật. Nó đe dọa đa dạng sinh học thông qua các thói quen ban đêm thay đổi, như mô hình sinh sản hoặc di cư của nhiều loài khác nhau như: côn trùng, lưỡng cư, cá, chim, dơi và các động vật khác" - Hölker cho biết.

Kyba cho rằng ánh sáng ban đêm cũng che khuất các ngôi sao xuất hiện trên bầu trời trong hàng thiên niên kỷ.

Các chuyên gia mong muốn việc sử dụng đèn LED hiệu suất cao ngày càng hiệu quả có thể làm giảm việc sử dụng năng lượng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các phát hiện mới cho thấy việc sử dụng ánh sáng nhân tạo thay vào đó đang tăng lên, làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng.

"Mặc dù đèn LED tiết kiệm năng lượng trong một số trường hợp cụ thể, ví dụ khi một thành phố chuyển toàn bộ ánh sáng đường phố từ đèn Natri sang đèn LED, nhưng khi quan sát dữ liệu và cấp độ quốc gia và toàn cầu, khoản tiết kiệm được bù đắp bằng đèn mới hoặc đèn chiếu sáng hơn ở những nơi khác", Kyba nhấn mạnh.

Mai Đan

Tổng hợp từ Reuters

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/the-gioi/201711/o-nhiem-anh-sang-tang-nhanh-tren-pham-vi-toan-cau-2865089/