Ở nhà cả ngày cách ly xã hội có cần dùng kem chống nắng?

Không ra ngoài và tiếp xúc với ánh nắng, làn da của bạn vẫn có thể bị tổn thương bởi tia UV từ mặt trời.

Mặt trời mang lại nguồn sáng giúp thực vật quang hợp và tạo ra khí oxi, từ đó hình thành nên sự sống. Tuy nhiên, mặt trời cũng chứa nhiều hiểm họa với sức khỏe, làn da.

Trong các loại bức xạ phát ra từ mặt trời, tia tử ngoại (tia cực tím, tia UV) chứa đựng sự hủy diệt như tên gọi của nó. Đối với làn da nói riêng, tia tử ngoại có những ảnh hưởng tiêu cực khác nhau tùy vào mỗi loại.

Ở lâu trong nhà, hạn chế ra ngoài đường và bạn cho rằng bản thân không tiếp xúc với ánh nắng, do đó cũng không tiếp xúc với tia UV. Liệu điều này có đúng hoàn toàn?

Tia UV từ mặt trời - tác nhân gây lão hóa da hàng đầu vẫn có thể tấn công làn da bạn dù ở trong nhà. Ảnh:Jooinn.

Tia UV từ mặt trời - tác nhân gây lão hóa da hàng đầu vẫn có thể tấn công làn da bạn dù ở trong nhà. Ảnh:Jooinn.

Tia UV có những loại nào?

Mặt trời chiếu đến Trái Đất 3 loại tia UV. Dựa trên chiều dài bước sóng, tia UV gồm có UVA (320-400 nanomet), UVB (290-320 nanomet) và UVC (100-290 nanomet).

Tia UVC có bước sóng ngắn nhất, đồng thời mang năng lượng cao nhất và nguy hiểm nhất. Tia UVC có thể gây ung thư da cùng nhiều căn bệnh về mắt. May mắn thay tia UVC bị tầng ozone trong khí quyển chặn lại nên không thể chạm tới mặt đất. Tuy nhiên, hiện nay tầng ozone bị thủng ở nhiều nơi làm tăng nguy cơ tiếp xúc với tia UVC, từ đó tiềm ẩn nhiều căn bệnh nguy hiểm về mắt và da.

Tia UVA và UVB có thể xuyên qua tầng ozone, chiếu tới mặt đất, ẩn chứa nhiều nguy hại khó lường. Ảnh: Imagine Health Centres.

Trong chăm sóc da, tia UVA và UVB được nhắc đến nhiều nhất như những thứ cần phòng chống, ngăn ngừa các tác hại của chúng.

Những thương tổn do tia UV gây ra là rất nghiêm trọng

Tia UVB bị cản lại một phần tại tầng ozone. Khi chiếu được xuống mặt đất, tia UVB tiếp tục bị cản lại bởi cửa kính. Hàm lượng tia UVB nhiều nhất khi trời nắng nhất (từ 10-16 giờ). Lượng tia UVB trong mùa hè cao hơn mùa đông.

Vì có bước sóng trung nên nếu tiếp xúc với da, tia UVB sẽ chỉ "gây rối" ở lớp biểu bì trên cùng. Những vấn đề da thường gặp do tia UVB gây ra là: Cháy nắng, bỏng nắng, sạm da, nám, tàn nhang... Nếu hoàn toàn ở trong nhà, bạn có thể tránh được những ảnh hưởng xấu của tia UVB đối với da.

Nhiều ý kiến cho rằng việc chống nắng chỉ áp dụng khi ra ngoài trời hoặc vào mùa hè - thời điểm cường độ chiếu sáng của mặt trời trở nên mạnh mẽ nhất. Điều này không đúng bởi đó chỉ là bảo vệ da khỏi sự tấn công của tia UVB.

Tia UVA ít khi được quan tâm bởi tác hại của nó không thể hiện trên da bạn ngay lập tức như tia UVB. Tia UVA được xem là "sát thủ thầm lặng" vì những tổn thương nó gây ra diễn biến chậm chạp, lặng lẽ từ sâu bên dưới da.

Tia UVA tồn tại bất kể khi nào có ánh sáng ban ngày, vì vậy nó hoạt động mạnh mẽ quanh năm. Tia UVA có thể đi xuyên qua cửa kính, thủy tinh, rèm cửa. Ở nhà dài ngày, nếu không chú ý bảo vệ kỹ lưỡng, làn da bạn vẫn bị tia UVA tấn công mà không hề cảm nhận được.

Vì có bước sóng dài nên tia UVA có thể xâm nhập vào sâu bên dưới lớp hạ bì của da. Tại đây, nó phá hủy collagen, khiến da bị chảy xệ, mất đi độ đàn hồi và vẻ ngoài săn chắc. Ngoài ra, tia UVA còn làm giảm khả năng sửa chữa và tái tạo da, từ đó dẫn đến hiện tượng lão hóa sớm, thậm chí ung thư da.

Những thương tổn mà tia UVA và UVB gây ra cho da sẽ tích lũy theo thời gian. Khi thương tổn trở nên nghiêm trọng, biểu hiện ra bên ngoài sẽ rất khó hoặc không thể phục hồi. Ảnh: Dreamstime.

Tác hại của tia UV thật sự không thể xem thường. Ngay cả khi bạn không nhận thấy bất kỳ một dấu vết nào của sự tổn thương, quá trình suy giảm cấu trúc và sức đề kháng của da vẫn diễn ra ở sâu bên dưới.

Luôn sử dụng kem chống nắng ở mọi nơi

Khái niệm "chống nắng" trong mỹ phẩm là nói đến mục tiêu ngăn chặn các tác động xấu của tia UV. Không chỉ chống lại sự cháy nắng, bỏng rát do ánh nắng chói chang giàu tia UVB của buổi trưa hay mùa hè mang lại, mà còn chống hiện tượng da lão hóa sớm, chảy xệ gây ra bởi tia UVA rình rập quanh năm.

Kính cửa sổ, rèm che trong nhà hay văn phòng không thể bảo vệ làn da kỹ lưỡng bằng kem chống nắng.

Bạn nên chọn những loại kem chống nắng có SPF (chỉ số bảo vệ da khỏi tia UVB) từ 30 trở lên, PA (khả năng bảo vệ da khỏi tia UVA) có các dấu cộng phía sau từ +++ trở lên, đồng thời chứa một số thành phần dưỡng ẩm, chống oxi hóa như hyaluronic acid, camellia sinensis (chiết xuất trà xanh), vitamin C, vitamin E...

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các hoạt chất chống nắng khi được kết hợp cùng nhiều thành phần chống oxi hóa, nuôi dưỡng làn da sẽ hoạt động hiệu quả hơn, từ đó tăng cường khả năng bảo vệ da.

Hãy luôn thoa kem chống nắng mỗi ngày, hạn chế ra ngoài và tiếp xúc với ánh nắng nếu không cần thiết. Ảnh: Another Indian.

Kem chống nắng là "vệ sĩ" của da. Nó luôn nằm im trên lớp bề mặt da để ngăn chặn tia UV xâm nhập. Bạn không nên để lớp kem chống nắng trên mặt và đi ngủ vào ban đêm nếu không muốn bị mụn tấn công.

Ở trong nhà, hạn chế ra đường nhằm hạn chế tiếp xúc với ánh nắng. Bên cạnh đó, nên thường xuyên sử dụng kem chống nắng mỗi ngày và làm sạch da kỹ lưỡng vào buổi tối nhằm duy trì làn da khỏe mạnh, tươi tắn và trẻ trung.

Ánh nắng phá hủy làn da của bạn thế nào? Ngay cả khi không cảm nhận được, làn da của bạn vẫn bị tia UV gây tổn hại từ sâu bên trong.

Tài Lương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/o-nha-ca-ngay-cach-ly-xa-hoi-co-can-dung-kem-chong-nang-post1068683.html