Ở New York người ta ít khi đập đi xây lại!

Ở New York, người ta có một loại nghệ thuật được gọi là 'làm lại mà không phải đập đi'.

New York luôn đứng top trong những thành phố mà chất lượng cuộc sống cao ngất ngưởng. Không hẳn chỉ là thiên đường mua sắm như Hong Kong. Càng không hẳn chỉ là kinh đô thời trang sành điệu như Paris. Cũng không chỉ là trung tâm kinh tế như Dubai, các tiểu vương quốc Ả Rập. New York có tất cả, nhưng điều quan trọng nhất là khả năng "đông lạnh" thời gian!

Là bạn nhìn thấy thập niên 20s trong những quán bar chuyên bán hào sống - Oyster Bar ở khu Brooklyn, từ bàn ghế, lối trang trí đến kiểu cách để...râu của những anh phục vụ bàn. Là bạn bước vào nhà hát Broadway từ năm 1850 vẫn những vở kịch xưa thật xưa như Hamlet bán cháy vé.

Là quận Meatpacking sành điệu nhưng còn nguyên những biển hiệu của những người buôn thịt từ thế kỷ 19. Là khu Greenwich, những ngôi nhà được cha truyền con nối qua nhiều thế hệ vẫn giữ nguyên dáng vẻ mà bạn nhìn thấy trong mọi bộ phim được quay ở New York từ Friends đến Sex and the city.

Ở New York, bên cạnh những tòa nhà chọc trời mà ngó lên muốn gẫy cổ và những chiếc xe Testa lái tự động, thành phố nổi tiếng về việc giữ gìn truyền thống và những gì thuộc về quá khứ. Chính vì thế New York như không có tuổi vậy, người ta đến đây cảm thấy như lạc vào một cỗ máy thời gian mà bạn có thể chọn mọi mốc thời gian mình mong muốn.

Vào năm 2009, Trung tâm đường sắt New York quyết định biến tuyến đường sắt đã ngưng hoạt động ở phía Tây của Manhattan thành một... công viên kéo dài 2 cây số rưỡi, chạy lửng lơ giữa thành phố. Ngày nay The High Line đã trở thành điểm đến của mọi khách du lịch và là nơi triển lãm nghệ thuật công cộng hết sức sôi động. Chưa kể nó kéo cả khu Chelsea thành một khu đáng sống nhất thành phố bởi không gian xanh mà nó tạo ra, kéo dài từ đường số 14 đến đại lộ số 11.

Tương tự với Chelsea Market, vốn là một nhà máy sản xuất bánh bích-qui thành lập năm 1890, nơi bánh Oreo được phát minh ra. Thay vì đóng cửa nhà máy cũ, nó được biến thành một khu chợ bán toàn các đồ nông sản và nhiều nhà hàng thức ăn đa dạng.

Ở đây bạn vẫn thấy y nguyên những ô cửa kính cũ, bức tường cũ, thậm chí cả vòi nước cũ xả nước ầm ầm, trở thành nơi ai cũng muốn ghé vào ăn sáng uống cà phê. Bảo tàng đương đại MoMa ở khu Long Island cũng được sửa lại từ một trường trung học đóng cửa.

Nghệ thuật làm mới của người New York nâng lên một tầm cao mới với Sleep No More. Từ một quán bar với nhạc disco xập xình bị đóng cửa năm 2001, tự dưng nó được biến thành khách sạn McKittrick, một khách sạn giả tưởng xây dựng năm 1936 trong thời Thế chiến 2 nhuốm màu của kịch Macbeth và phim trắng đen. Và Sleep No More, một show biểu diễn tương tác hết sức sáng tạo với dự định chỉ diễn trong 6 tháng trước khi địa điểm bị đập đi, giờ thành công đến nỗi đã diễn cho hơn một triệu khán giả suốt 7 năm qua. Và đương nhiên, chả ai định đập khách sạn này đi nữa!

Hàng năm, hàng triệu người nô nức nhập cảnh vào Mỹ và ghé New York thăm thú, vị thế ngành du lịch và sức mua tăng chóng mặt. Không phải tự nhiên thành phố này có sức hấp dẫn đến vậy. Nó cho bạn mọi thứ: Cũ. Mới. Lịch sử. Văn hóa. Sự diễm lệ.

Và quan trọng nhất là nỗ lực làm mới chứ không đập đi hết những giá trị cũ, những tòa nhà cũ, di tích cũ. Vì xây một tòa nhà mới với những căn hộ bán triệu đô, có thể thu lời đấy. Nhưng người New York đã nhìn thấy xa hơn cả những món hời đó.

Trông người lại nghĩ đến ta...

Lại đổ nghìn tỷ tậu căn hộ mới, Taylor Swift chuẩn bị bỏ hát làm 'bà trùm' bất động sản New York?

MC Thùy Minh

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/tin-tuc/xa-hoi/o-new-york-nguoi-ta-it-khi-dap-di-xay-lai-44403.html