'Ở lại để chờ nhau' - Những mảnh ghép du học tại Ấn Ðộ

Nhà ngoại giao, nhà văn Hồ Anh Thái vừa ra mắt tập truyện “Ở lại để chờ nhau” (NXB Thế giới), kể về quãng thời gian ông làm nghiên cứu sinh tại Ấn Ðộ, chủ yếu tập trung vào những người bạn và những chuyến đi của ông. Những câu chuyện thú vị, hài hước vừa mang lại sự thư giãn, vừa giúp độc giả hiểu hơn về con người, văn hóa các nước khi các sinh viên Âu - Á gặp nhau tại nước Ấn.

Tác phẩm gồm 20 câu chuyện được kể liên hoàn, tựa như một cuộn băng ký ức được tua lại. Với giọng kể dí dỏm, tình huống sinh động, chi tiết, tác giả lôi cuốn người đọc dõi theo từng trang viết.

Ấn Ðộ - một trong những cái nôi văn minh của nhân loại - cũng là vùng đất được nhiều du học sinh từ nhiều nước trên thế giới chọn lựa đến học tập, nghiên cứu. Tập truyện không tập trung kể về đất và người Ấn Ðộ mà là những kỷ niệm của tác giả về bạn bè du học nơi đây, cùng những chuyến công tác và gặp lại bạn bè cũ khi ông đã là nhà ngoại giao hoặc được thỉnh giảng ở các trường đại học. Thế nhưng thông qua từng câu chuyện, nét văn hóa, tính cách, lối sống đặc trưng của xứ sở này lần lượt hiện lên, kết nối với nhau, tạo thành nền tảng vững chắc cho từng câu chuyện. Ðó có thể là đức tin và niềm tự hào về sông Hằng linh thiêng của người Ấn, là tập tục ăn chay, là nguyên tắc trong học hành, hay những phân biệt giai cấp, giàu nghèo, nam nữ… Ðặc biệt, các du học sinh nhiều lần dở khóc, dở cười khi hỏi đường người Ấn. Dù không biết, họ vẫn chỉ một cách nhiệt tình khiến các thanh niên bị lạc không biết đường về.

Ấn Ðộ huyền bí và đầy thu hút khiến các sinh viên, nghiên cứu sinh từ nơi khác đến đây bị quyến rũ và ảnh hưởng không ít. Trong đó, có những anh chàng từ châu Âu chuyển sang ăn mặc, tín ngưỡng, sống như một người Ấn thực thụ. Cũng có những người yêu nhau, có tình cảm với nhau đã chọn Ấn Ðộ là quê hương thứ hai, hoặc ở lại xứ sở này để chờ nhau…

Trong dòng hồi tưởng ấy, có những câu chuyện xúc động. Ðiển hình như lòng nhân ái, tinh thần hào hiệp, trượng nghĩa giúp đỡ người lúc khó khăn hoạn nạn của một gia đình người Ấn trong truyện “Không ra nước mắt”. Diệp, một giảng viên đại học sang Ấn học thạc sĩ nhưng gặp trắc trở, bơ vơ nơi xứ người mà không một đồng dính túi, cô may mắn được gia đình Ravi cưu mang, giúp đỡ suốt một tháng. Không chỉ cho cô có nơi ăn chốn ở miễn phí, mà họ còn hết lòng liên hệ các đơn vị để giúp cô tìm được trường học, không phải quay về Việt Nam trong bẽ bàng. Bên cạnh những người tốt, vẫn có những nhân vật tính toán thực dụng, như một nhà thơ và một nhà kinh doanh bất động sản trong truyện “Chuyên gia ăn tiệc”; như anh chàng Modi chuyên vay mượn tiền bạn bè tiêu xài hoang phí mà không chịu trả trong truyện “Cho bạn vay tiền”…

Những câu chuyện ấy chớp mắt đã trở thành kỷ niệm của hai mươi mấy năm trước, trong đó có cả mối tình không thành của tác giả với một cô gái người Hungary… Tuy không thể quay ngược thời gian nhưng những bạn bè ngày ấy vẫn có thể tái ngộ trong tình cờ hoặc chủ ý tìm gặp nhau, chỉ để ôn lại kỷ niệm, để quan tâm cuộc sống của nhau hay đơn giản để trả nợ món tiền còm… Và dù cách xa nhau nửa vòng trái đất, giữa họ vẫn có sự kết nối bằng một tình yêu và những hồi ức với Ấn Ðộ.

CÁT ÐẰNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/-o-lai-de-cho-nhau-nhung-manh-ghep-du-hoc-tai-an-o-a130971.html