O Hiền Yên Vực

Văn hóa và Đời sống - Những cựu chiến binh pháo cao xạ và cựu dân quân tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng năm xưa thường gọi bà như vậy - 'O Hiền Yên Vực' - một danh xưng giản dị, theo cách người ta thường gọi tên phụ nữ ở làng quê xứ Thanh, để không lẫn với những o Hiền ở nơi khác. Nhưng o Hiền Yên Vực thì lại là một trường hợp đặc biệt, o được định danh trong lòng đồng chí, đồng đội, bà con quê hương như một nữ anh hùng. Tôi gặp o lần đầu tiên khi làm phim tài liệu 'Cây cầu huyền thoại', về cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng trong những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. O Hiền là một trong số 75 dũng sỹ làng Yên Vực được vinh danh thời ấy.

O Hiền cùng chồng bên những bức ảnh tư liệu thời chiến.

Làng Yên Vực nằm ở bờ bắc cầu Hàm Rồng, trước kia thuộc huyện Hoằng Hóa, nay thuộc phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa. Trong những ngày đầu đánh Mỹ, làng Yên Vực có 75 dũng sỹ (trong đó gồm cả người già và trẻ em) đã không đi sơ tán mà kiên quyết bám trụ để chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Cho đến hôm nay, người còn, người mất, người đã chuyển đến nơi khác sinh sống, nhưng tên tuổi đã được ghi vào lịch sử của quê hương, trở thành những trang sách, lời thơ truyền lại cho mai sau: “Bố vác gậy lùa đi sơ tán/ Bố ơi con không bỏ đất này/ Vào đánh Mỹ em trở thành pháo thủ/ Giữa bom rền em cất tiếng hát lên...”

Trong số 75 dũng sỹ làng Yên Vực thời ấy có một cô gái tên là Nguyễn Thị Hiền. Lúc bấy giờ cô chưa tròn 20 tuổi, dẫn đầu trong bảy cô gái làng Yên Vực tiếp tế đạn dược, lương thực cho bộ đội trong suốt những năm chiến đấu. Bảy o dân quân làng Yên Vực ấy gồm Hiền, Tân, Khoa, Xe, Tuyền, Yến và Tâm tập hợp thành một trung đội nữ dân quân. Bà con, anh em pháo thủ quen gọi là “o Hiền Yên Vực” với sự trìu mến, cảm phục. O Hiền ở làng Yên Vực, cùng những o Tuyển, o Hằng, o Dung ở làng Nam Ngạn... và nhiều o dân quân khác ở những làng quê hai bên cầu Hàm Rồng, đã góp phần làm nên trang sử hào hùng của mảnh đất núi Rồng sông Mã thân thương.

O Hiền dáng nhỏ nhắn, nhẹ cân hơn cả hòm đạn mà o vác trên vai mỗi lần xung trận. Cùng những bạn gái của mình, các o chở hàng trăm chuyến thuyền nan vượt sông, phục vụ hàng trăm trận đánh. Ở miền Nam có chị Út Tịch “còn cái lai quần cũng đánh”, thì ở mảnh đất miền Trung này, các o con gái xứ Thanh sẵn sàng... xé quần đánh giặc. Đó là câu chuyện có thật diễn ra ở Yên Vực trong một trận chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng. Máy bay địch liên tục bổ nhào cắt bom bắn phá, khiến trận địa phòng không của quân dân ta hai bên bờ phải chống trả bằng những cuộc chiến đấu kéo dài nhiều giờ. Nòng súng của các khẩu đội nóng đỏ, làm giảm tốc độ và cự ly của đường đạn. Giữa trận địa đồng không mông quạnh, không có gì để múc nước hạ nhiệt nòng súng. Trong tình thế cấp bách, o Hiền bèn xé phăng ống quần đang mặc, nhúng nước ruộng đắp lên nòng súng để giảm nhiệt. Hành động đó trở thành một sáng kiến bất ngờ và hiệu quả, được áp dụng ngay cho các trận địa phòng không. Từ đó, các chiến sĩ dùng vải ướt đắp lên nòng súng, nòng pháo, nên có thể nã đạn liên tục, giành được chiến thắng vang dội.

Thời bấy giờ, làng Yên Vực là cái túi đựng bom của máy bay Mỹ. Trong một trận bom, căn nhà của gia đình o Hiền cũng như nhiều ngôi nhà khác trong làng bị phá sập, người mẹ bị vùi lấp trong đống đổ nát. Đau thương chồng chất đau thương, một thời gian sau, cha của o cũng bị bom Mỹ giết hại. Tuổi còn trẻ, nhà cửa tan nát, ba đứa em nhỏ dại, o Hiền nén nỗi đau thắt ruột thắt gan, đem các em đi sơ tán rồi trở về làng, tham gia cùng bộ đội chiến đấu vô cùng dũng cảm.

Trong 3 ngày 21, 22, 23-9-1966, máy bay Mỹ lại điên cuồng thả bom đánh phá. Trong bom đạn dày đặc, bảy cô gái ấy vẫn chèo thuyền vượt sông Mã để tiếp đạn cho bộ đội. Những mảnh bom rơi khiến mặt cầu Hàm Rồng bị phá hủy, chỉ còn trơ lại những thanh ray và tà vẹt. Giữa trận chiến, o Hiền đã vác hòm đạn băng qua cầu trên những thanh ray khấp khểnh, để kịp thời tiếp ứng cho bộ đội chiến đấu.

“Đi trực chiến” Ảnh: Cố Nhà báo - Nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam.

Trải qua hai cuộc chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã dùng hơn 20 loại máy bay và tàu chiến bắn phá Thanh Hóa, với 10 vạn lần đánh phá. Tổng số bom đạn chúng ném xuống là 220 ngàn tấn, bằng 10 lần sức công phá của quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945, riêng Hàm Rồng phải hứng chịu 7 ngàn tấn, bình quân mỗi người dân Thanh Hóa gánh chịu 100 kg bom đạn Mỹ. Lúc đó, làng Yên Vực có 156 nóc nhà, địch đánh phá không còn nóc nhà nào. Có gia đình cả 5 người đều bị bom Mỹ giết sạch. Bình quân mỗi người dân Yên Vực hứng chịu 36 quả bom, mỗi người dân Nam Ngạn chịu 13 quả bom.

Qua hai lần chiến tranh phá hoại, từ 1965 đến 1972, o Hiền bám trụ trên đất quê hương, tải đạn, tiếp lương, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, đào công sự, giúp dân đi sơ tán, cấp cứu thương binh, mai táng liệt sĩ, tuần tra canh gác, tăng gia sản xuất... O sẵn sàng làm bất cứ việc gì được giao phó. Có những trận chiến bộ đội bị thương và hy sinh quá nhiều, o Hiền còn lên mâm pháo thay thế vị trí pháo thủ, trực tiếp chiến đấu. Mấy lần o bị bom vùi, bị mảnh bom găm vào tay và ảnh hưởng thính lực, nhưng vẫn may mắn sống sót.

Với những hành động dũng cảm và cống hiến to lớn ấy, o Hiền đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay tại trận địa, được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương kháng chiến, hai lần nhận Huy hiệu chiến sĩ thi đua dân quân tự vệ cấp Trung ương, nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Mai Hương

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/o-hien-yen-vuc/19417.htm