Ô dước chữa cảm lạnh, sốt cao

Ngoài việc khai thác lấy gỗ thì vỏ cây được sử dụng làm thuốc, thu hái vào mùa hạ, thu.

Cây ô dước (ảnh trên) còn có tên gọi là de hương, quế rừng, quế lợn. Ngoài việc khai thác lấy gỗ thì vỏ cây được sử dụng làm thuốc, thu hái vào mùa hạ, thu.

Vỏ ô dước đem phơi khô, có mặt ngoài màu nâu, có chấm nhỏ, chất cứng giòn, dễ bẻ gãy, mặt cắt có màu nâu vàng và mùi thơm nhẹ của quế, vị đắng hơi ngọt và cay, có tính ấm, tác dụng tán phong hàn, làm nóng, giảm đau chữa cảm, sốt, ngực bụng lạnh đau, khó tiêu, phù thũng, nôn mửa. Mỗi ngày dùng từ 10 - 12g dược liệu phơi khô dưới dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc uống.

Chữa bệnh phù thũng trong bệnh viêm thận mãn: Ô dước 20g, đậu đen 20g, hạt sen 12g, ý dĩ 12g, mạch nha 12g, trần bì 8g, gừng nướng 4g, hoài sơn 20g. Ô dước thái mỏng hãm vào nước sôi 10 phút rồi đổ thêm nước và cho các vị khác vào sắc uống, 2 lần trong ngày.

Chữa cảm sốt cao, háo nước, ra nhiều mô hôi: Ô dước 20g, hương nhu 20g, sâm bố chính 20g, đậu ván trắng 20g, quả dành dành 12g, mạch môn10g, ngũ vị tư 6g. Tất cả các vị thái nhỏ phơi khô sắc với 400ml nước còn 100ml uống làm 2 lần trong ngày. Lưu ý, phụ nữ có thai không dùng.

Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Hà Nội

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/o-duoc-chua-cam-lanh-sot-cao-d443640.html