O du kích nhỏ - 'Cổ tích từ một tấm hình'

Từ bức ảnh ghi lại khoảnh khắc nữ du kích Việt nhỏ bé bồng súng áp giải viên phi công Mỹ to lớn cúi đầu lầm lũi bước đi trong thời khắc chiến tranh, số phận và cuộc đời của nữ nhân vật trong bức ảnh đã bước sang một trang khác. Ðúng như nữ nhà văn, nhà báo người Ðức Anna Mudry đã viết: 'Từ tấm ảnh, một con người đã đi vào cuộc sống'.

Ký ức chiến tranh từ một tấm hình

Hơn 50 năm về trước, giữa lúc quân và dân miền Bắc đang căng sức chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của không lực Mỹ, thì sự xuất hiện của bức ảnh (đen trắng) với tên gọi “O du kích nhỏ” của nhà báo Phan Thoan – lúc bấy giờ đang công tác tại Báo Hà Tĩnh – đã trở thành nguồn động viên, khích lệ cán bộ, chiến sỹ và đồng bào cả nước, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Sức mạnh dân tộc của tấm ảnh, được miêu tả bằng hình ảnh nữ dân quân bé nhỏ, đầu đội mũ cối, hai tay bồng súng đang hiên ngang áp giải một phi công mỹ to lớn, lầm lũi bước đi trong thế cúi đầu, bị còng tay. Hình ảnh nói trên được ghi lại vào thời điểm tháng 9-1965, là giai đoạn chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam của đế quốc Mỹ đang vào giai đoạn cao trào và dữ dội nhất.

Năm 1966, bức ảnh nói trên được đưa ra trưng bày tại một triển lãm ảnh toàn quốc và đã gây được sự xúc động mạnh mẽ cho người xem. Nhà thơ Tố Hữu, sau khi xem xong bức ảnh đã đề tặng 4 câu thơ: “O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu/ Ra thế! To gan hơn béo bụng/ Anh hùng đâu cứ phải mày râu!”. Một năm sau đó, bức ảnh được đưa lên tem thư của Bưu điện Việt Nam nhân dịp máy bay thứ 2.000 của Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc và đã được gửi đi 167 nước, trong đó có cả nước Mỹ.

Hình ảnh đối lập sau 30 năm ngày gặp lại.

Hình ảnh đối lập sau 30 năm ngày gặp lại.

54 năm sau ngày bức ảnh ra đời, ít ai biết rằng trong khoảng thời gian đó, đã xảy ra nhiều câu chuyện liên quan đến đời tư giữa hai nhân vật trong bức ảnh, thậm chí họ còn có lần gặp gỡ thân tình sau lần gặp định mệnh ấy. “O du kích nhỏ” ngày nào giờ đã là một cụ bà, đang sinh sống trong một con ngõ nhỏ trên phố Xuân Diệu, phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh). O là Nguyễn Thị Kim Lai, quê quán ở xã Phú Phong, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), còn phi công Mỹ là William Andrew Robinson, sau gần 8 năm bị bắt làm tù binh cũng đã được trả tự do, về nước và đã quay lại Việt Nam.

Trở lại với thời khắc lịch sử của 54 năm về trước, O Lai xúc động nhớ lại: Ðó là thời điểm tháng 9-1965, máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, cùng với Ngã ba Ðồng Lộc thì Hương Khê (Hà Tĩnh) cũng trở thành mục tiêu phá hoại. Sáng 20-9, khi một chiếc phi công Mỹ đang bắn phá cầu Lộc Yên thì bị trúng đạn bốc cháy, phi công nhảy dù xuống vùng rừng núi Hương Khê ẩn nấp.

Ðể giải cứu phi công, Mỹ huy động 3 trực thăng chở lính đến tìm kiếm. Một trong số 3 trực thăng này tiếp tục trúng đạn từ dân quân nông trường khiến 3 phi công Mỹ phải nhảy dù thoát thân. Nhận được mệnh lệnh bắt sống phi công, quân và dân Hương Khê đã hò nhau rầm rập chạy lên núi, quyết không để cho kẻ thù trốn thoát.

Nguyễn Thị Kim Lai là con út trong gia đình có 4 anh chị em ở xã Phú Phong, lúc bấy giờ vừa tròn 17 tuổi, tốt nghiệp xong lớp 7 đã tự mình xung phong gia nhập đội dân quân tự vệ xã, tham gia trực chiến, đào hầm công sự. Xảy ra sự kiện máy bay Mỹ rơi, O Lai được cấp cho một khẩu súng trường để đi tìm nhóm phi công Mỹ.

“9 giờ sáng ngày hôm sau, tại một cánh rừng thuộc địa phận xã Hương Trà, tui phát hiện ra William Andrew Robinson đang co ro núp mình trong một hốc đá, vẻ rúm ró, sợ hãi. Lúc ấy, tui cũng hơi sợ khi nhìn thấy phi công này rất to cao. Nhưng phút trấn tĩnh, tui bắn 3 phát chỉ thiên, thấy người này giơ tay đầu hàng và bước ra khỏi chỗ nấp. Nghe tiếng súng, nhiều người chạy đến hỗ trợ, khống chế và áp giải William Andrew Robinson về giao cho Huyện đội. Riêng về bức ảnh, O Lai không biết đã được chụp lại khi nào, mãi sau này, khi có người in ra, kèm bài thơ của nhà thơ Tố Hữu gửi tặng, O mới biết.

“O du kích nhỏ” được in thành tem, được gửi đi 167 quốc gia trên thế giới.

Sau sự kiện nói trên, Nguyễn Thị Kim Lai được phong chức Xã đội phó, nhưng O Lai đã xung phong vào chiến trường làm y tá, công tác tại một đội quân y ở chiến trường Quảng Trị. Năm 1969, sau khi bị sức ép từ bom đạn, O Lai bị thương nặng nên được đưa ra Bắc, công tác tại Viện Ðông Y Hà Tĩnh cho đến ngày nghỉ hưu. Thời gian này, O xây dựng gia đình, sinh được 3 người con. Phi công William Andrew Robinson bị bắt làm tù binh, bị giam giữ 2.703 ngày, đến tháng 12-1973 được trả về nước.

Cuộc hội ngộ sau 30 năm

Chuyện những tưởng sẽ dừng lại ở đó, nhưng O Lai không hề biết rằng, trong quãng thời gian tưởng như êm đềm ấy, nhất là từ sau ngày hình ảnh O Lai áp giải William Andrew Robinson được in thành tem, gửi đi khắp nơi trên thế giới, truyền thông quốc tế đã săn lùng khắp nơi để tìm ra chân dung O du kích nhỏ, vì cho rằng bức ảnh chỉ là sự dàn dựng chứ không có thật.

Chiến tranh kết thúc 20 năm, sự tìm kiếm ấy vẫn không ngừng nghỉ. Và đến năm 1995, tức là tròn 30 năm sau ngày diễn ra sự kiện lịch sử trên đất Hương Khê, hai nhân vật trong tấm hình đã có dịp gặp lại nhau khi hãng truyền hình NHK (Nhật Bản) phối hợp với Xưởng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tiến hành sản xuất bộ phim “Kim Lai - Robinson trong ảnh và Phan Thoan là tác giả”, ghi lại cảnh O Lai và Robinson gặp lại nhau.

Cuộc tái ngộ sau 30 năm, không có khoảng cách, ranh giới giữa hai chiến tuyến mà thay vào đó là những sự xúc động nhất định. Câu đầu tiên mà Robinson thốt lên là “Cô cũng không lớn hơn hồi đó bao nhiêu”. Về điều này, O Lai cho biết, ngày đó O chỉ cao 1,48m và nặng 37kg trong khi Robinson cao 2,2m, nặng 125kg. Gặp lại, hai người đã chia sẻ nhiều chuyện thăng trầm trong suốt thời gian 30 năm qua, cùng về thăm lại hang đá ngày xưa nhưng dấu cũ rêu phong, cây cỏ vô tình, lau lách phủ che dấu thời gian.

Trong khi Nguyễn Thị Kim Lai có một gia đình viên mãn thì ở phía ngược lại, Robinson thiếu may mắn khi người vợ đầu bị ung thư qua đời khi chưa kịp sinh cho ông một đứa con. Robinson cưới người vợ thứ hai nhưng cũng không sinh được người con nào. Lúc chia tay, O Lai đã tặng cho người vợ của Robinson một chiếc nón lá để làm kỷ niệm.

Bà Nguyễn Thị Kim Lai bên bức ảnh làm thay đổi số phận của chính mình.

Trở lại với bức ảnh “O du kích nhỏ”, sự may mắn ghi lại được thần thái trong khoảnh khắc xuất thần đã nhanh chóng khiến bức ảnh nổi tiếng. Tại cuộc thi ảnh của Ðại hội liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 9 tại Sophia (Bungari) năm 1968, bức ảnh của nhà báo Phan Thoan đã đoạt Huy chương Vàng. Thậm chí, Nhân dân Cuba đã phóng lớn bức ảnh này, chiều cao 8 mét, chiều rộng 5 mét, dựng ở trung tâm thủ đô Lahabana. Trong số những bức ảnh quí hiếm được in trên cột thép ở Quảng trường Mác - Ănghen (Berlin) cũng có tấm ảnh O du kích giải giặc lái Mỹ mà lúc đầu đặt tên là Uy thế của không lực Huê Kỳ.

Ước mong cuối đời

Hỏi, còn điều chi chưa mãn nguyện sau những gì đã qua, Nguyễn Thị Kim Lai xa xăm nói nếu có thể, O vẫn muốn được gặp lại Robinson thêm một lần nữa. Lại sắp thêm một khoảng thời gian 30 năm nữa kể từ khi lần gặp thứ 2 giữa hai người, O Lai không nhận được bất cứ thông tin gì về cuộc sống của Robinson.

Ðiều mong mỏi thứ hai, O Lai muốn dành cho những người đồng đội đã hy sinh trong thời gian làm y tá tại chiến trường B5 Quảng Trị. Trong một trận không kích, máy bay địch đã cướp đi hai người đồng đội của O Lai là y tá Lê Thị Luyến người Quảng Bình và nhân viên hậu cần Trần Thị Nam người Hà Tĩnh. Ðến nay, dù đã nhiều lần cung cấp thông tin, nhưng O Lai vẫn chưa giúp gia đình liệt sĩ Trần Thị Nam đạt được tâm nguyện khi chưa tìm được phần mộ để quy tập về quê nhà.

Thiện Thành

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/ddb-o-du-kich-nho-co-tich-tu-mot-tam-hinh-549979/