'Ở đây, nếu không làm việc, chỉ một tháng bạn sẽ chết đói'

Hai tuần sau vụ xả súng tại Atlanta, bang Georgia, dư luận bắt đầu biết được câu chuyện về cuộc sống đầy khó khăn của những nạn nhân trước khi xảy ra vụ tấn công.

Đối với những nạn nhân của vụ xả súng tại Atlanta, cuộc sống của họ trước khi vụ việc xảy ra đã là những chuỗi ngày chật vật kiếm sống.

Một tuần sau khi Daoyou Feng bị sát hại trong tiệm spa nơi cô làm việc tại thành phố Atlanta, bang Georgia, thi thể cô vẫn nằm cô quạnh tại nhà xác thành phố mà không có người đến nhận.

Daoyou Feng là một người nhập cư đến từ Trung Quốc. Mặc dù tên của cô đã được biết đến rộng rãi sau vụ xả súng tại thành phố Atlanta, các quan chức thành phố vẫn chưa liên lạc được với người thân nào để đến nhận thi thể. Lãnh sự quán Trung Quốc tại Mỹ cuối cùng đã phải tiếp nhận thi thể của cô để đưa về nước.

Trong số 8 nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng hàng loạt tại các tiệm spa ở thành phố Atlanta vào hôm 16/3 có tới 6 người gốc Á. Vụ việc trên đã gây ra làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc nhằm vào cộng đồng người châu Á tại Mỹ.

 Người dân đặt hoa tưởng niệm tại một trong những nơi xảy ra vụ xả súng tại Atlanta. Ảnh: Zuma Press.

Người dân đặt hoa tưởng niệm tại một trong những nơi xảy ra vụ xả súng tại Atlanta. Ảnh: Zuma Press.

Hai tuần sau khi xảy ra thảm kịch, câu chuyện về cuộc đời của những nạn nhân đang dần được công chúng biết tới.

Cộng đồng có khoảng cách về giàu nghèo lớn nhất ở Mỹ

Cộng đồng người Mỹ gốc Á được biết tới bởi sự thành công của họ trong xã hội Mỹ. Theo trung tâm nghiên cứu Pew, thu nhập hàng năm của 1 gia đình người Mỹ gốc Á lên tới 98.000 USD, cao hơn những cộng đồng khác tại Mỹ.

Tuy vậy, không phải tất cả người Mỹ gốc Á đều có cuộc sống dư dả. Theo khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew vào năm 2016, cộng đồng gốc Á hiện là cộng đồng có khoảng cách về giàu nghèo lớn nhất ở Mỹ. Thu nhập của 10% người Mỹ gốc Á giàu nhất lớn gấp 10,6 lần so với 10 % người nghèo nhất.

Trong số 6 người châu Á thiệt mạng trong vụ xả súng, có 4 người là công dân Mỹ, một người khác đã được cấp thẻ xanh và người còn lại là một lao động nhập cư.

Những nạn nhân có một điểm tương đồng. Họ đều có cuộc sống khó khăn và vất vả tại đất nước cờ hoa. Họ cũng không có người thân hay bạn bè do đều là lao động nhập cư.

Đa số nạn nhân đều đã có con, nhưng con cái những người này không biết nhiều về quãng đời trước khi sang Mỹ của họ.

Soon Chung Park là một trong những nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng tại Atlanta. Bà Park, 74 tuổi, là một người nhập cư người gốc Hàn Quốc. Mỗi ngày bà phải làm việc 12 tiếng, nấu nướng và quét dọn tại tiệm massage Gold Spa.

Cuộc sống của bà từ khi đến Mỹ đã trải qua nhiều khó khăn. Bà phải chuyển tới nhiều thành phố khác nhau để tìm việc. Bà Park từng mở một cửa hàng kinh doanh trang sức nhưng phải tuyên bố phá sản vào năm 2013.

Người phụ nữ này thậm chí từng bị bắt với cáo buộc mở một địa điểm kinh doanh mại dâm vào năm 2019.

Ba năm trước, bà Park đã gặp người chồng hiện tại của mình thông qua một người bạn chung. Anh Gwangho Lee, 44 tuổi, cũng là một người Hàn Quốc nhập cư vào Mỹ năm 2015. Hai người sống hạnh phúc trong căn hộ một phòng ngủ tại thành phố Atlanta.

Bà Soon Chung Park cùng chồng là Gwangho Lee. Ảnh: Gwangho Lee.

Từng gặp khó khăn khi tìm việc do mới nhập cư vào Mỹ, anh Lee hiện tại là một thợ sơn và lái xe taxi công nghệ vào thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập. Tuy vậy, thu nhập của hai người chỉ đủ để sống qua ngày.

“Tôi không còn biết dựa vào ai ngoài vợ của mình. Ở đây, nếu không làm việc, chỉ một tháng bạn sẽ chết đói”, anh Lee cho biết.

Vào thời điểm xảy ra vụ xả súng, anh Lee đang trên đường tới đón vợ. Anh Lee đã tìm thấy thi thể của vợ tại hiện trường. Trong một khoảng thời gian, anh đã nghĩ rằng bà Park chỉ ngất đi chứ không thật sự qua đời.

Quá đau buồn sau cái chết của vợ, anh Lee đang cân nhắc quay trở lại Hàn Quốc. "Đi đến đâu tôi cũng nhớ đến hình ảnh của cô ấy", anh Lee cho biết.

Những mảnh đời sóng gió

Trong số 6 người châu Á thiệt mạng, có ít nhất hai người đã kết hôn với những người đàn ông Mỹ và chuyển tới đất nước này. Tuy vậy, những cuộc hôn nhân trên đều không kéo dài và những người phụ nữ phải làm nhiều việc để sống sót nơi xứ người.

Yong Ae Yue, 63 tuổi, gặp và kết hôn với một binh sĩ Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc. Bà chuyển đến Mỹ sinh sống vào năm 1979 và có 2 người con. Cuộc hôn nhân đổ vỡ vài năm sau đó.

Theo anh Eliot Peterson, con trai của bà Yue, bà buộc phải để lại hai con cho người chồng cũ do bà muốn những đứa trẻ một tương lai tốt đẹp. "Tôi chắc chắn đó không phải là một quyết định dễ dàng gì với mẹ tôi", anh Peterson cho biết.

Những bức ảnh cũ của nạn nhân Yong Ae Yue. Ảnh: Wall Street Journal.

Hai người con trai của bà Yue sau đó có 3 năm ở chung với bà khi người cha được điều động đi đóng quân ở nước ngoài.

Theo anh Eliot và người em trai Robert Peterson, bà Yue rất ít khi nói cho họ về cuộc sống của bà trước khi sang Mỹ. Họ cũng không biết bà làm nghề gì vì bà thường dành toàn bộ thời gian cho con cái mỗi khi họ đến thăm. Bà Yue thường nấu những món ăn Hàn Quốc và dạy các con mình những bài hát tiếng Hàn cả về tôn giáo của bà là đạo Phật.

Hai anh em Eliot và Robert Peterson tại nhà của người mẹ quá cố ở thành phố Atlanta. Ảnh: Wall Street Journal.

"Đôi lúc mẹ tôi cảm thấy cô đơn. Mẹ tôi không có bạn bè, không hẹn hò với ai cả. Nhưng mẹ vẫn nói rằng bà ổn", anh Eliot kể về cuộc đời của bà Yue.

Anh Eliot Peterson, 42 tuổi, là cựu sĩ quan quân đội Mỹ. Khi nghe tin bà Yue bị sát hại sau khi đã mở cửa giúp cho thủ phạm của vụ xả súng, anh đau buồn tột độ. Hành động của bà Yue làm anh nhớ về cách bà vẫn chờ đợi anh trở về sau khi làm nhiệm vụ xa nhà.

Hết lòng vì con cái

Bà Xiaojie Tan, hay còn được biết đến với cái tên Emily, là chủ sở hữu của tiệm spa Youngs Asian Massage, một trong những nơi xảy ra vụ tấn công. Bà từng kết hôn với người chồng Mỹ và đến đất nước này cùng con gái vào năm 2004. Hai người đã ly dị một vài năm sau đó.

Trước khi trở thành chủ sở hữu của tiệm spa vào năm 2017, bà Emily từng mở một cửa hàng nail. Bà đã bị sát hại trong chính cửa hàng của mình.

Theo Ying Tan Webb, con gái của bà Tan, bà là một con người có vóc dáng nhỏ bé nhưng hết sức mạnh mẽ. Những người bạn cũng cùng chung cảm nhận bà Tan là người chăm chỉ và chuyên tâm trong công việc.

Ying Tan Webb trong lễ tưởng niệm cho mẹ của mình. Ảnh: Wall Street Journal.

Bên cạnh những nạn nhân gốc Á, có 2 người khác thiệt mạng trong vụ xả súng.

Paul Michels, 54 tuổi, là thợ sửa chữa tại tiệm Youngs Asian Massage trong một năm vừa qua. Sinh ra trong một ra đình có 9 người con, Paul từng mời gia đình mình tới cửa hàng massage khi họ tới thăm ông.

Theo John Michels, em trai của nạn nhân, hai anh em rất thân nhau do đều nhỏ tuổi nhất trong gia đình. Hai ông đều có sở thích sưu tập tiền xu và trượt patin.

Ông John Michels đã gặp vợ của mình sau khi theo anh trai đến đây để tìm việc. Tuy đau buồn, ông nói rằng ông có thể tha thứ cho thủ phạm Robert Aaron Long. Ông dự định sẽ gửi cho Long một bức thư và một quyển kinh thánh.

Gia đình của những nạn nhân vụ xả súng đã nhận được sự trợ giúp của cộng đồng thông qua những khoản quyên góp để giúp họ tổ chức tang lễ cho người thân.

'Thật đáng sợ khi là phụ nữ Mỹ gốc Á' Vụ xả súng tại 3 spa ở Atlanta cướp đi sinh mạng của 8 người, gồm 6 người gốc Á. Hàng trăm cuộc biểu tình nổ ra ở Mỹ để chống lại nạn phân biệt chủng tộc.

An Bình

Theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/o-day-neu-khong-lam-viec-chi-mot-thang-ban-se-chet-doi-post1198619.html