Ở Auckland, người Việt đau đáu nhớ quê...

Người Việt Nam ở New Zealand thanh bình, xinh đẹp, khá chăm chỉ nên giàu có, thành công. Cuộc sống sung túc, thoải mái, nhưng họ luôn đau đáu với quê nhà, sẵn sàng ủng hộ, trợ giúp vật chất khi cần mà không hề so đo tính toán. Xa quê, họ lam lũ, chắt chiu, gom góp để thành công nơi xứ người, nhưng nỗi nhớ quê vẫn thăm thẳm điệp trùng, nhất là khi tết đến, xuân về, ngay cả ở thành phố lớn nhất Auckland…

Bà Thu, ông Mỹ, ông Yên (thứ hai, ba, tư từ trái sang) tại trang trại nhà ông Yên.

Bà Thu, ông Mỹ, ông Yên (thứ hai, ba, tư từ trái sang) tại trang trại nhà ông Yên.

New Zealand đẹp mê mải, trong lành, thanh bình và rộng rãi, thưa vắng con người (đất nước có diện tích 268.021km2, nhưng chỉ có khoảng 4,6 triệu dân). New Zealand không phải là điểm đến lý tưởng cho những người sôi động, yêu thích sự ồn ào, tấp nập, ngay cả ở thành phố lớn nhất đất nước là Auckland.

Người Việt ở New Zealand không nhiều, theo ông Lê Kim Mỹ - chủ quán ăn SaiGonz ở Auckland, chỉ vào khoảng 2.000 - 2.500 người, đa số là mở nhà hàng, làm nghề nail, làm nông nghiệp… “Người Việt mình chịu khó, nên giàu lắm”, ông Mỹ cho biết.

Gia đình ông Mỹ cũng là một điển hình, cả về sự giàu có và thành đạt. Ông cùng vợ là bà Phạm Thị Thu (Thu Le, khi nhập quốc tịch, đổi theo họ chồng) sang New Zealand từ năm 1979. Ông sẵn nghề điện, điện lạnh nên có công ăn việc làm ngay khi đặt chân đến vùng đất mới, mà “lương công nhân kỹ thuật cao lắm, chỉ cần làm thêm ngày thứ Bảy là lĩnh gấp 3 lương công nhân luôn, nếu làm thêm giờ được trả lương gấp rưỡi, gấp đôi”. Vợ ông nhờ biết ít nhiều tiếng Anh nên cũng được đi làm cho hãng cà phê, rồi sau đó làm việc trong ngành tài chính, đi dạy học.

Có việc làm, thu nhập ổn định nên vợ chồng ông hòa nhập khá nhanh. Chịu khó làm thêm, lương cao nên ông Mỹ, bà Thu có điều kiện tốt để nuôi dạy 6 người con trưởng thành, cùng chu cấp đủ đầy cho 2 gia đình nội - ngoại ở Việt Nam. “Nếu làm bánh mì thì giàu lắm, nhưng khổ, con cái giúp việc thì không có điều kiện học hành. Nhà tôi không cho làm gì hết, để 6 đứa con học tới cùng, lên đại học hết. Bây giờ, các cháu có công việc làm tốt, thu nhập cao”, ông Mỹ tự hào.

Ngoài tiệm ăn ở đường Beach khá nổi tiếng cho thu nhập cao, ổn định suốt 10 năm qua, ông bà còn có ngôi nhà ở đường Fairburn, Otahuhu rộng tới 1.500m2. Dù đã nghỉ hưu, ông Mỹ vẫn còn nhận được sự tín nhiệm của công ty, và được mời đi làm cho thu nhập khá.

Trước đây, khi chưa mua lại tiệm ăn SaiGonz, gia đình ông Mỹ đi bán đồ ăn ở chợ trời vào cuối tuần, vào những dịp lễ hội thực khách rất đông, thu nhập rất cao, ổn định. Nhiều người thích ăn và hỏi nhà hàng ở đâu. Đó cũng chính là lý do ông bà quyết định mua lại một nhà hàng của người Việt. Lý do khác, theo ông Mỹ: “Các con mình thành tài hết rồi, không sợ nữa. Có bay mất, thua lỗ cũng không sao. May mà chịu khó, trời cũng thương, cũng hên”.

Ông Yên nhìn khắc khổ, lam lũ nhưng tài sản có tới mấy chục triệu đô la New Zealand. Ảnh: N.T.T

Rồi ông Mỹ, bà Thu lái xe đưa chúng tôi đến thăm gia đình ông Đặng Yên (70 tuổi) ở Whifrort (thường gọi là Howcick) - vùng ngoại ô của Auckland trên những con đường phẳng lỳ, uốn lượn quanh những khung cảnh đẹp như tranh vẽ. Ông Yên sang New Zealand từ năm 1980, bắt đầu với việc làm thuê cho các chủ trang trại. Cuộc sống nhọc nhằn, khó khăn, vất vả, lam lũ tối ngày. Nhưng rồi nhờ sự liều lĩnh và may mắn khi “mua nhà mà không có đồng nào, được bảo lãnh vay ngân hàng hết” và thời gian sau bán lại với giá rất cao cho một người nước ngoài để họ kinh doanh du lịch.

Có tiền, trả nợ hết ngân hàng, ông Yên được tư vấn mua đất làm trang trại, trồng rau, chăn nuôi bò. Ban đầu là 2.000m2, rồi dần dần lên tới 5 mẫu, 18 mẫu, và hiện nay trang trại của ông rộng tới 35 mẫu, tài sản “mấy chục triệu đô la New Zealand”. Nhưng ông đang nhờ công ty rao bán để chuyển đi chỗ khác, vì “tuổi đã cao, 15 năm nay không trồng rau nữa rồi, chỉ chăn nuôi bò thôi, cũng thuê người làm cả”. Mỗi lần bán trang trại, di chuyển chỗ ở, ông Yên đều phải nộp thuế rất nhiều, “hơn 2 triệu đô la New Zealand rồi. Không trốn được đồng nào”. Tất nhiên, ở đất nước được xem là minh bạch nhất thế giới, việc thượng tôn pháp luật được coi trọng. Cũng chính vì vậy, theo ông Yên: “38 năm ở New Zealand, tôi chưa mất một đồng nào để phong bì cho các cơ quan công quyền cả”.

Hai con (một trai, một gái) của ông Yên đã xây dựng gia đình, cũng ở những căn nhà ngay gần trang trại của ông. Vợ ông, bà Soi, vẫn cơm nước hàng ngày cho cả đại gia đình. Nhà chỉ đông vui, nhộn nhịp vào các bữa ăn buổi tối, còn lại chỉ có vợ chồng già. Chính vì thế, ông Mỹ nói rằng, ông Yên chỉ mong có người Việt đến để nói chuyện, tâm sự thôi.

Khi chúng tôi đang chuyện trò, bà Soi đi ngang qua và chỉ vợ chồng ông Mỹ bà Thu nói rằng: “Người này tốt lắm, giúp người Việt mình từ đầu đến đuôi. Bà này giúp việc thông dịch. Ông này giúp làm kinh tế”.

Không chỉ giúp gia đình ông Yên - bà Soi, ông Mỹ - bà Thu còn giúp nhiều người Việt đồng bào khác, bất kể việc gì có thể, trong những ngày mới sang lạ nước, lạ cái, công ăn việc làm phập phù, lam lũ... Ông Mỹ còn có thời gian làm công tác cộng đồng, vì “mình giúp nhiều người thì người ta biết nhiều”… Bây giờ, ông Mỹ cũng đã xin rút, nhưng theo ông “người Việt ở đây ít, không thành cộng đồng. Nhưng bà con quyên góp xây nhiều chùa lớn, vào các ngày lễ, tết cổ truyền, lễ phật đản... bà con tập trung tổ chức rất lớn, đông vui”.

Và khi Tết đến, xuân về, những người Việt ở Auckland lại tụ họp đông đúc, giao lưu thân tình, đầm ấm, tươi vui… cho nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà, nỗi nhớ Tết cổ truyền của dân tộc…

“38 năm ở New Zealand, tôi chưa mất một đồng nào để phong bì cho các cơ quan công quyền cả”.

ông Đặng Yên

Nguyễn Tri Thức

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/o-auckland-nguoi-viet-dau-dau-nho-que-20190124084425832.htm