Ồ ạt tàu chiến Nga ngoài Syria: Moscow 'ngược dòng' cảnh báo tới phương Tây?

Một mặt kêu gọi phương Tây 'đừng đùa với lửa', mặt khác Nga không ngừng tăng cường hiện điện hải quân ngoài bờ biển Syria.

Giới chuyên môn đánh giá, sự hiện diện “ồ ạt” của hải quân Nga tại khu bên ngoài bờ biển Syria vào cuối tháng Tám vừa qua – là lần triển khai lớn nhất của Moscow kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Động thái trên được đưa ra không lâu sau khi Điện Kremlin tuyên bố Mỹ và các đồng minh đang lên kế hoạch tấn công nhắm tới chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Đồng thời, nó cũng xuất hiện trước thềm một chiến dịch tổng lực của quân đội chính phủ vào tỉnh Idlib – thành lũy cuối cùng của lực lượng nổi dậy tại Syria. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton từng cảnh báo, Mỹ sẽ đáp trả rất mạnh mẽ nếu Damascus tiến hành bất kỳ cuộc tấn công hóa học nào.

Tháng Tư 2017 và một năm sau đó vào tháng Tư 2018, Mỹ đã không kích các mục tiêu Syria nhằm đáp trả các cáo buộc chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học.

Trong khi đó, Moscow cho rằng, các tay súng Hồi giáo tại Idlib đang lên kế hoạch dàn dựng một vụ tấn công giả để kích động phương Tây “trả đũa”.

Nga cũng kêu gọi Mỹ và các đồng minh cân nhắc việc can thiệp vào chiến dịch Idlib. “Chúng tôi có thông tin thực tế và đã phát đi một cảnh báo mạnh mẽ tới các đối tác phương tây thông qua Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao của Nga rằng, đừng có đùa với lửa”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu trong một cuộc họp báo cùng người đồng cấp Syria Walid Muallem.

Tờ National Internest đánh giá, phát biểu trên dường như đi ngược lại thực tế là Nga đang tăng cường hiện diện hải quân ngoài bờ biển Syria. Michael Kofman, một học giả tại Viện Kennan thuộc Trung tâm Wilson nói, “tôi nghĩ có không ít tính chất PR ở đây, và sự xuất hiện của các tàu Nga phần nhiều liên quan tới chiến dịch tấn công Idlib”. “Hoặc cũng có thể họ muốn thực hiện một màn phô diễn lớn trong cuộc tập trận sắp tới”, ông dự đoán.

Còn theo Kerim Has, một nhà phân tích về các vấn đề Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, với hơn một chục tàu, bao gồm tàu khu trục, tàu tuần duyên, tàu ngầm, một vài có trang bị tên lửa hành trình Kalibr – mục đích chủ yếu của Nga là “triển khai quân, chứ không chỉ phục vụ cho diễn tập quân sự”.

Ông cho rằng, Nga cần có thêm thời gian để thiết lập các cơ sở vật chất hỗ trợ, nhằm duy trì “một sự hiện diện lâu dài cho một đội tàu lớn như vậy” bởi vì những nỗ lực mở rộng cảng Tartus tại Syria “vẫn đang được tiến hành”.

Một mục đích khác mà quyết định triển khai quân của Nga hướng tới, đó có lẽ là ngăn chặn những cuộc tấn công của Mỹ vào quân đội chính phủ Syria.

“Gần như chắc chắn là Nga muốn tạo ra một lá chắn với các lực lượng hải quân và không quân chống lại bất kỳ khả năng tấn công nào từ các phi cơ và tàu ngầm Mỹ trong khu vực”, ông Has phân tích; đồng thời bổ sung, ông không mong đợi “một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa hai bên”.

Trong khi đó, Timur Akhmetov, một nhà nghiên cứu về Trung Đông tại Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga nhận định, Nga triển khai quân là hành động “ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp nào của phương Tây vào Syria”.

“Nói cách khác, Nga muốn đẩy cuộc tranh đua từ quân sự sang lĩnh vực chính trị bằng cách cho thấy, mọi bước tiến quân sự của phương Tây đều sẽ vấp phải biện pháp phản công hiệu quả”, ông Akhmetov nói.

Học giả Kofman cũng dự đoán, Moscow có thể sẽ gửi thêm quân tới. Ông giải thích: “Có thể nhiều người không nhớ, nhưng quân đội Nga từng bị tấn công tại Syria trong thời gian họ tập trận Zapad vào tháng 9/2017”. Trong cuộc tấn công đó, các tay súng Hồi giáo nhằm vào các lực lượng Nga tại Idlib và “đe dọa bao vây và phá hủy các cứ điểm của Nga”. Moscow đáp trả bằng một cuộc không kích vào Idlib – chấm dứt lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tháng do chính Nga dàn xếp tại đây.

Tại sao Nga gia tăng hiện diện hải quân ngoài bờ biển Syria? (ảnh: Reuters)

Hiện chưa rõ có bao nhiêu tàu của Nga chỉ tham gia tập trận và sau đó quay về; hoặc sẽ ở lại để hỗ trợ cho chiến dịch tổng tấn công của chính phủ Syria. Ông Has lưu ý, cuộc tập trận kéo dài tới ngày 8/9, sau khi các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran gặp mặt tại Tehran để thảo luận về tình hình Syria.

“Chiến dịch của quân đội Syria vào Idlib có lẽ sẽ không bắt đầu trước hội nghị thượng đỉnh trên”, Has nói. “Có khả năng một vài tàu Nga sẽ rời khu vực sau tập trận, hoặc ít nhất họ sẽ ở lại theo thể thức luân phiên”.

Bên cạnh đó, Nga cũng có thể dựa rất nhiều vào không lực trong chiến dịch Idlib. Theo ông Has, số lượng phi cơ triển đấu Nga triển khai tới căn cứ Khmeimim gần Damasucs “ đã tăng lên đáng kể”.

“Có lẽ Nga đặt mục tiêu gia tăng hiện diện quân sự tại Syria trước khi chiến dịch Idlib bắt đầu bằng cách lôi kéo sự chú ý từ Idlib sang cuộc tập trận tại đông Địa Trung Hải”, Has chỉ ra.

Ngoài ra, ông tin rằng, Nga đang tận dụng cơ hội để thử nghiệm các hệ thống vũ khí của mình trong thực chiến. “Việc phô diễn sức mạnh quân sự ở nước ngoài là một phần quan trọng trong hoạt động PR cho hình ảnh Nga như một siêu cường trở lại tại Trung Đông và Đông Địa Trung Hải”, ông Has nói. “Điều này giải thích cho việc các hạm đội Biển Bắc, Baltic, Biển Đen… của Nga đều tham gia với lực lượng không quân trong tập trận tại khu vực đông Địa Trung Hải”.

“Không chỉ đưa ra một thông điệp mang tính biểu tượng cho Nga và phương Tây, hành động này còn thu hút sự chú của các ‘khách hàng’ khu vực tới các máy bay ném bom, phi cơ chiến đấu, tàu chiến, tên lửa S-400… do Nga sản xuất”.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/o-at-tau-chien-nga-ngoai-syria-moscow-nguoc-dong-canh-bao-toi-phuong-tay-361835.html