Ồ ạt phát hành trái phiếu, ngân hàng lộ sở hữu chéo?

Ở một phương diện trực tiếp hơn, các ngân hàng có thể mua trái phiếu của nhau thông qua trung gian là các công ty chứng khoán.

Agribank ngày 24/9 công bố phát hành tổng số 5 triệu trái phiếu trong đợt phát hành ra công chúng năm 2019 với kỳ hạn 7 năm. Ảnh: K.Linh

Agribank ngày 24/9 công bố phát hành tổng số 5 triệu trái phiếu trong đợt phát hành ra công chúng năm 2019 với kỳ hạn 7 năm. Ảnh: K.Linh

Ngân hàng vẫn ồ ạt phát hành trái phiếu trong bối cảnh phải huy động vốn để cân đối vốn ngắn hạn và trung dài hạn, đồng thời đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Tuy nhiên, người mua thực sự lại là các ngân hàng.

“Tiệc” trái phiếu chưa “tàn”

Cơ bản là hệ thống ngân hàng phải thực sự khỏe mạnh. Ngân hàng của mình yếu kém, bị nhiều chi phối, các đại gia còn có công ty con, công ty cháu lấy vốn ngân hàng bơm vào đó. Nên muốn cải thiện hệ thống ngân hàng phải loại bỏ các ngân hàng yếu, kêu gọi cổ đông mạnh, chuyên nghiệp tham gia để bơm vốn, công nghệ làm cho các ngân hàng khỏe mạnh lên. Như vậy, tiêu cực trong các ngân hàng sẽ giảm đi.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI)

Ngày 24/9, Agribank sẽ phát hành tổng số 5 triệu trái phiếu trong đợt phát hành ra công chúng năm 2019 với kỳ hạn 7 năm. Mức lãi suất vừa được chốt là 8,1%/năm cho kỳ tính lãi thứ nhất. Mức lãi suất này được ngân hàng khẳng định là sẽ luôn cao hơn 1,2%/năm so với mức trung bình lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng thương mại lớn là Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank. Trên thực tế, mức lãi suất trái phiếu của Agribank cao hơn lãi suất kỳ hạn 1 năm của các ngân hàng thương mại quốc doanh đang dao động trong khoảng 6,8-7%/năm, nhưng thấp hơn lãi suất tại các ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh (cao nhất kỳ hạn 1 năm là 8,66%/năm).

Ngay quý II và III này, hàng loạt ngân hàng liên tiếp phát hành trái phiếu. Mới nhất, đầu tháng 9 này, HĐQT Techcombank đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu năm 2019 với dự kiến 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm. Đây được coi là đợt phát hành trái phiếu có quy mô lớn nhất trong ngành ngân hàng kể từ đầu năm tới nay. Trong tháng 8, nhóm ngân hàng đã phát hành 10.303 tỷ đồng trái phiếu (chiếm tỷ trọng 38,69% tổng trái phiếu DN được phát hành ra thị trường). Chưa kể hồi tháng 7, VPBank cũng công bố thông tin về việc gửi hồ sơ niêm yết 300 triệu USD trái phiếu kỳ hạn 3 năm trên thị trường vốn quốc tế với lãi suất danh nghĩa 6,25%/năm.

Theo số liệu phát hành riêng lẻ trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và công bố thông tin của các DN, ước tính trong 8 tháng đầu năm nay, tổng lượng trái phiếu đã phát hành lên tới 117.142 tỷ đồng (với tỷ lệ phát hành thành công là 90,8%). Trong đó, đối tượng phát hành lớn nhất vẫn là các ngân hàng thương mại với lượng phát hành đạt 56.060 tỷ đồng (chiếm 47,9%), cao hơn nhiều so với lượng phát hành của các DN bất động sản (36,946 tỷ đồng). Ngân hàng cũng là nhóm bán trái phiếu “đắt hàng” nhất khi tỷ lệ phát hành thành công đạt 99,6%, ngoại trừ SeABank có 2 lô phát hành ngày 8/5 và 19/6 là 1.000 tỷ đồng và 900 tỷ đồng không bán hết. Còn lại tất cả 10 ngân hàng thương mại khác đều bán hết 100% như HDB (11.600 tỷ đồng); ACB (7.850 tỷ đồng); VIB (6.450 tỷ đồng), LiênVietPostBank (6.100 tỷ đồng).

Ngân hàng lộ “chiêu” sở hữu chéo?

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua đã có nhiều giải pháp xử lý việc sở hữu chéo trái phiếu. Đơn cử như Thông tư 36/2014 đã quy định việc góp vốn của tổ chức tín dụng vào tổ chức tín dụng khác chỉ dừng ở 5% và góp vốn vào không quá hai tổ chức tín dụng. Việc đầu tư trái phiếu để tăng vốn cấp hai cũng bị trừ thẳng vào nguồn vốn.
Ngoài ra, Điều 14 Thông tư 36 cũng quy định, ngân hàng thương mại không được cấp tín dụng, ủy thác cho công ty con, công ty liên kết, khách hàng của tổ chức tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu; cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.

Đặt ra nghi vấn về sở hữu chéo đang trở lại với một số ngân hàng nhằm hợp thức hóa chuyện đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ vốn và an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước, trao đổi với PV Báo Giao thông, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trước đây một DN phát hành trái phiếu, ngân hàng mua trái phiếu này. Doanh nghiệp dùng chính tiền bán trái phiếu đó trở lại mua chứng khoán của ngân hàng. “Chuyện này ngày trước rất nhiều nên đùng một cái có công ty sở hữu đến 4-5 ngân hàng”, ông Hiếu nói. Nhưng tại thời điểm hiện nay dùng cách này rất khó vì Ngân hàng Nhà nước “soi” và hình thức trên đã bị cấm.

“Nhưng thực tế khó có thể kiểm soát vì công ty A lập “công ty con”, “công ty cháu” rồi phát hành trái phiếu, ngân hàng mua vào những trái phiếu ấy và DN lại lấy tiền bán trái phiếu đó để đầu tư ngược lại ngân hàng. Nên bản thân công ty A thành lập kiến trúc tài chính, qua đó tăng vốn sở hữu ở ngân hàng. Công cụ đó vẫn có thể được vận hành và lọt ra ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý”, ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Ở một phương diện trực tiếp hơn, các ngân hàng có thể mua trái phiếu của nhau thông qua trung gian là các công ty chứng khoán. Theo Công ty chứng khoán SSI, trong khối các nhà đầu tư trong nước, công ty chứng khoán là bên mua lớn nhất với tổng lượng mua 29.447 tỷ đồng, trong đó mua 22.900 tỷ đồng trái phiếu do các ngân hàng thương mại phát hành. Đáng lưu ý, lượng mua này quá lớn so với quy mô vốn của các công ty chứng khoán và bản thân các công ty chứng khoán này cũng phải huy động trái phiếu để tăng vốn nên SSI cho rằng khả năng cao là các công ty chứng khoán chỉ là trung gian, tham gia mua trên sơ cấp để bán lại trên thứ cấp chứ không phải là người mua cuối cùng.

Sau khi đặt nghi vấn về việc các ngân hàng thương mại đang mua chéo trái phiếu của nhau, SSI dẫn số liệu từ báo cáo tài chính bán niên của 18 ngân hàng niêm yết. Số liệu này cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, lượng trái phiếu của các tổ chức tín dụng mà các ngân hàng thương mại nắm giữ tăng thêm tới 56,4 nghìn tỷ đồng. Con số này lại khá tương đồng với lượng trái phiếu mà các ngân hàng đã phát hành. Thậm chí lãi suất trung bình cũng chỉ quanh 6,72%/năm, tức là chỉ tương đương lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại lớn. Đây là mức lãi suất không hấp dẫn với các nhà đầu tư thông thường bởi lãi suất gửi ngân hàng các kỳ hạn 6 tháng tới 1 năm cũng đều cao hơn mức lãi suất này. “Thêm vào đó, đối tượng mua chủ yếu là các công ty chứng khoán nên rất có thể các ngân hàng thương mại đã sở hữu chéo các trái phiếu của nhau, mục đích là để gia tăng nguồn huy động và nâng cao tỷ trọng vốn trung và dài hạn, đối phó với yêu cầu giảm tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước”, SSI đặt vấn đề.

Cao Sơn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/o-at-phat-hanh-trai-phieu-ngan-hang-lo-so-huu-cheo-d435936.html