Ồ ạt đào ao nuôi cá trên đất lúa: rủi ro tiềm ẩn

Giá tăng cao, lợi nhuận thu về lớn khiến nhiều người dân ở Long An đổ xô đào ao nuôi cá tra bột thành cá tra giống. Chỉ trong một thời gian ngắn, số diện tích chuyển từ đất trồng lúa sang ao nuôi cá tăng lên chóng mặt. Việc nuôi cá tra giống giúp người dân thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi vụ nhưng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ.

Cho cá tra ăn. (Ảnh: VOV).

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Long An, hiện diện tích nuôi cá tra giống trên địa bàn toàn tỉnh là gần 800 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Hưng, một phần ở huyện Vĩnh Hưng và Thạnh Hóa. Số diện tích này chỉ mới nở rộ vào khoảng cuối năm 2017. Hiện nay, với sản lượng từ 5 – 20 tấn/ha và giá bán từ 45.000 – 65.000/kg, hiệu quả kinh tế từ việc nuôi cá tra giống ở các khu vực này khá cao, trung bình mỗi vụ nuôi người dân thu lợi nhuận từ 100 – 300 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thu lợi nhuận 1 tỷ đồng/vụ. Do đó, nhiều hộ dân đổ xô bỏ lúa sang đào ao nuôi cá.

Dọc theo tuyến đường cặp kênh KT9 từ xã Hưng Hà qua xã Hưng Điền B (huyện Tân Hưng) dễ dàng nhìn thấy những ao nuôi cá đã hình thành và máy móc đang đào những thửa ruộng khác để làm ao nuôi. Trên đường, hàng chục lượt xe tải chở thức ăn nuôi cá, cá giống cho người dân địa phương. Theo người dân địa phương, trên tuyến kênh này cứ 10 hộ dân thì có đến 5-7 hộ chuyển từ trồng lúa sang nuôi cá.

Bà Diệp Thị Ngươn, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng cho biết: "Nghề nuôi cá tra giống chỉ mới hình thành hơn một năm nay, nhưng mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân. Mỗi héc ta nuôi cá tra giống nếu trúng có thể lợi nhuận cao gấp hơn 10 lần trồng lúa. Gia đình tôi có 1 ha nuôi cá, vụ vừa rồi đạt lợi nhuận trên 300 triệu đồng, mỗi vụ chỉ kéo dài khoảng hơn 2 tháng, mỗi năm cũng nuôi được 4 – 5 vụ. Gia đình đang mở rộng diện tích nuôi cá tra lên 3,5 ha."

Bên cạnh những hộ nuôi thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi vụ, vẫn không ít người chịu thua lỗ do đổ xô nuôi theo phong trào, chưa nắm bắt kỹ thuật nuôi, chưa đánh giá được các điều kiện phù hợp. Nếu tính cả tiền đào ao, tiền giống cá bột, thức ăn, thuốc… thì trung bình mỗi héc ta phải đầu tư trên 200 triệu đồng. Nếu thất bại, người nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn, lâm vào cảnh nợ nần.

Anh Lê Trường An, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng cho biết, ban đầu thấy các hộ dân ồ ạt đào ao nuôi cá tra giống, người nào cũng báo lãi hàng trăm triệu đồng, thời gian thu hồi vốn lại ngắn. Vì vậy, anh cũng vay mượn tiền đầu tư ao nuôi hơn 1ha, tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm nên lỗ nặng. Anh cho biết, cả ao nuôi mênh mông, anh chỉ thả chừng hơn 10 xilanh (loại 10 ml) giống cá tra bột, mấy ngày sau kiểm tra thì số cá tra bột gần như không còn, lại phải xả hết nước, xử lý lại ao nuôi từ đầu.

"Có hộ phải thả đến 5 - 6 lần mới được, trường hợp đó thì cầm chắc lỗ. Chưa kể vấn đề tìm đầu ra cho cá tra giống đang là nỗi lo của mọi người nuôi. Đa phần người nuôi phải tự tìm thị trường tiêu thụ, hoặc phụ thuộc vào thương lái đến từ các tỉnh như Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang. Trong khi đó, giá cá lúc tăng rất cao, lúc xuống thấp, thậm chí thương lái kỳ kèo, ép giá chẳng mua.", anh Lê Trường An bày tỏ.

Việc nuôi cá tra bột thành cá tra giống hiệu quả tức thời thì ai cũng thấy rõ, lỗ thì không mấy ai biết nên xu hướng chuyển từ trồng lúa sang đào ao nuôi cá vẫn tiếp tục nở rộ mặc cho chính quyền địa phương không khuyến khích. Thậm chí nhiều người còn thuê thêm đất để đầu tư nuôi.

Ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch UBND xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng (địa phương có diện tích nuôi cá tra giống nhiều nhất tỉnh Long An) cho hay, mặc dù nuôi cá tra giống mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nhưng địa phương không khuyến khích vì lo ngại người dân nuôi ồ ạt sẽ gặp khó về đầu ra. Xã chủ yếu tập trung tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, không nên tự ý chuyển mục đích đất ruộng lúa thành ao nuôi cá. Vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến công tác quy hoạch và nguy cơ ô nhiễm môi trường tự nhiên.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Long An, việc người dân chuyển từ trồng lúa sang nuôi cá chỉ mới nở rộ từ khoảng giữa năm 2017 đến nay. Người dân lấy nguồn giống cá tra bột từ các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp… về nuôi thành cá tra giống, sau đó bán lại cho các hộ nuôi thương phẩm. Hầu hết các hộ nuôi chưa được tập huấn kỹ thuật mà tự học tập kinh nghiệm lẫn nhau, hoặc theo sự hướng dẫn của nhân viên các công ty thức ăn, thuốc thú y. Ngoài ra, chưa có sự am hiểu về mùa vụ sản xuất, chất lượng con giống… dẫn đến chất lượng cá tra giống chưa kiểm soát được.

Mặt khác, nguồn nước sử dụng nuôi và nước thải được lấy, xả trực tiếp từ các sông, kênh rạch ra bên ngoài, không có ao xử lý nước thải… Hiện tại chưa ảnh hưởng đến các diện tích trồng lúa trong khu vực và các hộ nuôi xung quanh, tuy nhiên đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Bên cạnh đó, đầu ra cá tra giống không ổn định do phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ và tình hình nuôi cá tra thương phẩm tại các tỉnh lân cận như Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang. Việc mua bán qua trung gian giữa thương lái, người sản xuất giống và người nuôi thương phẩm tự thỏa thuận giá cả.

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, hiện nay, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát và có thống kê đầy đủ tình hình phát triển nuôi cá tra giống trên địa bàn. Trước mắt tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, công tác quản lý và xử lý dịch bệnh, hỗ trợ kết nối cung cầu để đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân có giải pháp xử lý nước thải từ các ao nuôi đảm bảo các yêu cầu trước khi cho thoát ra ngoài tự nhiên, hạn chế mức thấp nhất việc lây lan dịch bệnh và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo các ngành liên quan và các địa phương thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình, lập quy hoạch sản xuất chi tiết, hỗ trợ người chăn nuôi để đảm bảo phát triển ổn định, tránh trường hợp cung vượt cầu, phá vỡ quy hoạch chăn nuôi; đảm bảo các yếu tố về môi trường…/.

Bùi Giang/TTXVN

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/o-at-da-o-ao-nuoi-ca-tren-da-t-lu-a-rui-ro-tiem-an-479399.html