Ồ ạt bơm cát, nước mặn lên đảo Phú Quốc

Nhiều sà lan nối đuôi nhau không ngừng bơm cát và nước mặn vào đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Người dân lo lắng nếu cứ tiếp tục diễn ra, không bao lâu nữa 'đảo ngọc' sẽ bị nhiễm mặn.

Những đường ống được nối dài trên biển để bơm cát từ sà lan vào đảo -Ảnh Nhật Huy

Những đường ống được nối dài trên biển để bơm cát từ sà lan vào đảo -Ảnh Nhật Huy

Hoạt động ngày đêm

Khu vực Bãi Trường (xã Dương Tơ) dài hơn 12km hiện nay có nhiều bãi cát to, rộng hàng chục hecta. Trên mặt đường nhiều nơi bị đào xới để lắp các đường ống dài hàng nghìn mét dẫn cát từ biển vào đảo. Quanh khu vực này là những tấm biển to tướng: “San lấp mặt bằng, địa chỉ liên hệ...”.

Người dân địa phương cho biết, khoảng vài tháng nay nhiều sà lan kèm theo máy hút, máy thổi không biết từ đâu đến rồi kéo ống bơm cát vào đảo. Điều đáng nói, số cát này đưa được vào bờ cùng với nước biển. Tình trạng này kéo dài nhưng không hề thấy cơ quan chức năng đến làm việc, kiểm tra đối với những tàu này có được cấp giấy phép hay không.

Đường ống được đấu nối để bơm cát . -Ảnh Nhật Huy

Theo quan sát của PV liên tục nhiều ngày tại khu vực này thì một số chiếc sà lan đậu cách bờ khoảng 500m, có gắn đường ống dài vượt biển vào bờ hơn 2km, hoạt động liên tục để đưa cát vào đảo. Nguồn nước kèm với cát này có màu đen ngòm. Hai chiếc máy xúc có nhiệm vụ lấy cát từ ống này thải ra, sau đó chất thành từng đống...

Ông Trần Trung Thu (49 tuổi, ngụ tổ 8, ấp Đường Bào, xã Dương Tơ) vô cùng bức xúc cho biết, cách đây vài ngày giữa ông và nhóm người bơm cát này đã xảy ra xung đột. Cụ thể, một chiếc xe cuốc của công trình đào sâu khoảng 2m đất, cắt ngang con đường để âm đường ống.

“Phải chi họ đào mà chừa lối đi chung cho người dân thì không nói, đằng này họ múc hết, xe qua lại không được. Tôi bức xúc lên tiếng thì ít phút sau đó có một số người lạ mặt đi trên xe ô tô 7 chỗ đến chửi tục và có lời lẽ thách thức” - ông Thu nói và cho biết khi ông báo cho tổ công tác của lực lượng công an huyện Phú Quốc đóng tại đây thì những người này mới bỏ đi.

Ông Thu từng bức xúc về vụ việc này xảy ra xung đột với nhóm người lạ.

Cũng theo ông Thu, người dân cũng báo cho cơ quan chức năng nhiều lần việc có nhiều sà lan đậu gần phía bờ biển bơm cát, không biết bơm vào để làm gì, bơm cả ngày lẫn đêm, ồn ào kinh khủng. Từ trước đến nay, khu vực này chưa từng có tình trạng như thế.

Theo ghi nhận của PV, mỗi ngày có nhiều chiếc sà lan đến vị trí tập kết ở đây. Chiếc này vừa bơm xong là có chiếc khác vào để tiếp tục làm nhiệm vụ, một số sà lan gắn số hiệu rất nhỏ và mờ nên rất khó biết được là của tỉnh nào.

Sà lan chở đầy cát neo đậu cách Bãi Trường khoảng 200m.

Ai cho phép?

Theo ông Lê Văn Bảo (người dân địa phương), việc bơm cát kèm nước biển như thế này không bao lâu nữa toàn bộ khu vực bị nhiễm mặn, cây cối sẽ không sống được. Bên cạnh đó, nước mặn chảy tràn qua một số nơi khác, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

“Người dân chúng tôi vô cùng hoang mang vì đảo Phú Quốc vốn được mệnh danh là hòn đảo ngọc. Nếu như bơm nước mặn liên tục như thế không được ngăn chặn kịp thời thì chẳng bao lâu nữa đảo này sẽ bị nhiễm mặn”, ông Bảo quan ngại.

Hàng ngày khu vực này có nhiều xe cuốc múc cát bơm lên chất thành từng đống.

Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, số cát này chủ yếu dùng cho việc san lấp mặt bằng. Trong đó có khoảng 60% là nước biển, 40% còn lại là cát. Nước mặn cũng trực tiếp đưa thẳng vào luôn, một số ít được chảy ngược ra biển hoặc ngấm vào lòng đất, số khác bị ngăn lại tạo thành từng vũng nước đen có mùi hôi.

“Vừa qua một sà lan bơm cát này xảy ra mâu thuẫn với dân. Khi cơ quan chức năng kiểm tra thì không có giấy tờ hoạt động gì cả, chỉ có tờ trình với kính gửi cơ quan chức năng chứ chưa hề có một quyết định cho phép hoạt động. Tuy nhiên, những người này vẫn hoạt động ngang nhiên còn xưng đang làm việc cho một cơ quan tổ chức” – nguồn tin cho biết.

Đường ống thải nước cát sau khi bơm lên đưa thẳng ra biển...

Hoặc ứ đọng gây ô nhiễm. - Ảnh Nhật Huy

Theo một lãnh đạo công an huyện Phú Quốc, ở khu vực Bãi Trường có tổ công tác của Công an huyện chuyên đấu tranh với tình hình khai thác khoảng sản (đường thủy, đường bộ). Trong năm, tổ công tác đã phát hiện, xử lí 214 vụ trộm cắp, khai thác cát trái phép (tăng hơn 142 vụ so với năm 2017), chủ yếu khai thác vận chuyển cát trái phép không rõ nguồn gốc.

“Vụ bơm cát ở Bãi Trường, chúng tôi cũng phát hiện và đang chỉ đạo thẩm tra, xác minh. Qua bước đầu, có trường hợp tàu nạo vét, phân luồng cát, có hợp đồng vận chuyển với Vùng 5 Hải quân (được phép của Bộ Quốc phòng). Còn việc bơm cát trực tiếp từ tàu lên bờ mà báo chí cung cấp, phản ánh, chúng tôi sẽ tiếp nhận và xác minh làm rõ. Nếu có sai phạm thì đề xuất hướng xử lí” - lãnh đạo Công an huyện cho biết.

Nhật Huy

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/o-at-bom-cat-nuoc-man-len-dao-phu-quoc-1363495.tpo