NXB Phụ nữ mang nhiều đầu sách tới Hội sách Hà Nội 2018

Năm nay, thay vì tổ chức Hội sách Mùa thu như thường lệ, NXB Phụ nữ tham gia Hội sách Hà Nội 2018 (diễn ra từ 3 -7/10 tại Hoàng Thành Thăng Long - 19C Hoàng Diệu, Hà Nội) với nhiều đầu sách, chiết khấu hấp dẫn cũng như các sự kiện thú vị cho độc giả.

Sách Văn học Việt Nam của NXB Phụ nữ đánh dấu năm 2018 bằng các tiểu thuyết "Ăn bay" của nhà văn Nguyễn Trí, "Chín bỏ làm mười" của tác giả Trần Chiến. "Ăn bay" là một bức tranh hiện thực gian khó và bi tráng, căng cứng và ngổn ngang, trong sự phấn khích cao trào của niềm vui thống nhất ở tỉnh lẻ miền Nam những năm 1970-1985.

Dòng sách thiếu nhi xuất hiện bộ đôi tác phẩm của nhà văn Tạ Duy Anh: "Phép lạ" và "Hiệp sĩ áo cỏ". Truyện vừa Phép lạ kể về chuyến nghỉ hè của một cô bé thành phố yếu ớt bị bệnh tim bẩm sinh, từ nhỏ vốn luôn phải nép mình trong những quy tắc nghiêm ngặt về môi trường sống.

Nhân về quê nội, hòa mình vào thiên nhiên thôn dã, thả sức tưởng tượng với những câu chuyện kỳ bí; vui vẻ giữa vòng tay yêu thương chân chất của bè bạn họ hàng, đến khi trở lại thành phố, cô bé thực sự đã trưởng thành và khỏe mạnh, giúp đỡ được mọi người, đến nỗi bố mẹ và bác sĩ của cô phải kinh ngạc và trầm trồ về một phép lạ.

"Hiệp sĩ áo cỏ" là một truyện đồng thoại rất có phong vị riêng, cá tính và hóm hỉnh. Đặc tả cuộc chiến chống lại cái ác, đại diện là bọn Diều hâu bắt cóc trẻ con, tác giả đề cao tinh thần hiệp sĩ, can đảm, kiên định và hào hiệp của hai nhân vật chính Lang Đen và Lang Trắng, trong hành trình tiêu diệt Diều hâu và bảo vệ bọn trẻ...

Tản văn "Có mẹ trong cuộc đời này" của nhà báo Phong Điệp bộn bề những cảm xúc nhớ thương, biết ơn, áy náy của một người con khi nhớ tới tình cảm mẹ đã dành cho mình: Nhớ bông áo sần, Thư gửi mẹ, Luôn có mẹ trong cuộc đời này, Quà quê ngoại, Những buổi chiều thành phố... Tập truyện ngắn Bãi vàng và chuyện tình nho nhỏ của Ma Văn Kháng là những câu chuyện được xây dựng trên cái phông nền phảng phất không khí xưa cũ thời bao cấp, song những vấn đề tác giả hóm hỉnh ẩn ý lại đậm chất hiện sinh mà người hiện đại trong những mối quan hệ hiện đại đều ít nhiều soi thấy mình trong đó.

Đặc biệt phải kể đến cuốn "Phê bình kí hiệu học – Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ" của tác giả Lã Nguyên. Đây được xem là một hiện tượng phê bình văn học ghi dấu ấn trong năm 2018 – khi tác giả dùng kí hiệu học để nhìn “lại” các tác giả nổi tiếng như Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp, v.v

Bộ "Phụ nữ tùng thư" của NXB Phụ nữ là một bộ sách được coi là kén độc giả, dành cho các độc giả tinh hoa, hiện đã xuất bản và phát hành các đầu sách quý như Đạm Phương nữ sử - Vấn đề phụ nữ ở nước ta (Đoàn Ánh Dương giới thiệu tuyển chọn). Những vấn đề Đạm Phương nữ sử đặt ra là những vấn đề giáo dục thiết thân đối với phụ nữ.

Tủ sách văn học nước ngoài NXB Phụ nữ trình làng khá đa dạng về thể tài, giọng điệu và màu sắc.

Có thể kể đến các tác phẩm "Bà đỡ - Tình yêu ngày tận thế" (Katja Kettu) là một hiện tượng văn chương đặc sắc của Phần Lan với mê cung ngôn từ và những cao trào xếp lớp khiến người đọc cảm thấy mỗi phút lật giở trang sách đều đáng giá.

"Chiếc thang cao màu xanh" là câu chuyện về sự trưởng thành, về tình yêu của một chàng trai - một tu sĩ. Tác giả Gong Ji Young đã vẽ nên câu chuyện tình yêu xen lẫn sự bàng hoàng của Yo-Han – một chàng trai sống và làm việc trong tu viện.

Đặc biệt, Thần thoại Hi Lạp, bản dịch của Nguyễn Văn Khỏa được tái bản lần thứ X nhưng vẫn được độc giả nồng nhiệt đón đợi bởi đây được coi là một bản dịch chất lượng cao với bìa cứng, hình thức đẹp.

Một điểm nhấn không thể không kể đến trong Hội sách Hà Nội 2018 là bộ đôi cẩm nang vàng nuôi dạy trẻ dành cho cha mẹ và giáo viên : Kỷ luật Tích cực và Kỷ luật tích cực trong lớp học. Kỷ luật tích cực (Positive Discipline) là sự dạy dỗ và học hỏi - không phải sự trừng phạt. Áp dụng những phương pháp Kỷ luật tích cực trong gia đình, trong nhà trường và trong lớp học có nghĩa là tất cả các phụ huynh, giáo viên và học sinh cùng đồng lòng tham gia xây dựng một cộng đồng để cao sự tôn trọng lẫn nhau, xây dựng sự tự tôn và tinh thần trách nhiệm đồng thời nuôi dưỡng tài năng học thuật của các em.

Tham gia Hội sách Hà Nội 2018, Nhà xuất bản Phụ nữ xuất hiện với chính sách chiết khấu cao (30 – 40%) và các sách đồng giá 10.000, 20.000 đồng.

NXB Phụ nữ cũng tổ chức hai sự kiện ở sân khấu chính. "Tọa đàm về Phẩm cách- Câu chuyện bàn tròn xung quanh ba cuốn sách Phẩm cách quốc gia, Phẩm chách cha mẹ, Phẩm cách Phụ nữ" với sự tham gia của nhà văn Trang Hạ, dịch giả Nguyễn Quốc Vương, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành vào lúc 9h30 -11h30, thứ Sáu, 5/10.

"Món ngon xứ Huế- Nghe, xem, trổ tài và thưởng thức, Giao lưu cùng Nghệ nhân ẩm thực, Bếp vàng Đỗ Thị Phiên, Đỗ Thị Phương Nhi – đồng tác giả cuốn sách Món ngon xứ Huế" là cơ hội để độc giả Thủ đô có cơ hội gặp gỡ những phụ nữ “rất Huế” trong lĩnh vực ẩm thực. Độc giả có cơ hội thử tài với món gỏi mang phong cách Huế. Sự kiện sẽ diễn ra từ 10h – 11h30, Chủ nhật, 7/10.

Cẩm Tú

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/nxb-phu-nu-mang-nhieu-dau-sach-toi-hoi-sach-ha-noi-2018-d2056184.html