NXB Mai Lĩnh – vàng son một thuở

Đó là tên gọi cuộc Tọa đàm được tổ chức sáng 7/4 tại Thư viện Quốc gia (Hà Nội).

Tọa đàm: NXB Mai Lĩnh – Vàng son một thuở

Với 12 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà văn và bạn đọc quan tâm đến NXB Mai Lĩnh một thời: Hoàng Quốc Hải, Lại Nguyên Ân, Mai Hương, Phạm Xuân Nguyên, Vũ Từ Trang, Phạm Thế Cường… tất cả tập trung làm nổi bật vai trò, đóng góp của NXB Mai Lĩnh trong lịch sử xuất bản Việt Nam thế kỷ XX: tuyên truyền lòng yêu nước, quảng bá nền văn hóa dân tộc.

Thời kỳ vàng son của Nhà xuất bản Mai Lĩnh, theo các nhà nghiên cứu đánh giá, từ năm 1936 đến 1944. Tuy chưa đến 10 năm nhưng đã để dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử ngành xuất bản nước ta.

Người khởi xướng nhà xuất bản Mai Lĩnh là cụ Đỗ Văn Phong, quê làng Xuân Mai, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên, nay thuộc phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Là một nhà Nho gia thế bậc trung lưu, kiến thức sâu, bang giao rộng, sớm có lòng yêu nước, nên sớm tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và Đàn Thiện, cụ Phong từng trao đổi bàn bạc với con cháu về ý nguyện thành lập một nhà xuất bản để in sách báo nâng cao dân trí cho người dân.

Cái tên Mai Lĩnh được đặt, cũng bởi lòng yêu quê hương của cụ. Cụ chọn ghép hai chữ làng Mai và núi Lĩnh nơi cố hương của mình, như để nhắc nhở con cháu đời đời không được quên quê hương xứ sở và cũng là tôn chỉ của gia đình: “Mai thụ hoa khai, Mai thụ diễm/ Lĩnh đầu nguyệt chiếu, Lĩnh đầu minh” (Cây mai già nở hoa, cây mai già xanh tươi/ Trăng chiếu đỉnh núi Lĩnh, đỉnh núi Lĩnh được rọi sáng).

Vì hoạt động yêu nước, cụ Đỗ Văn Phong bị thực dân Pháp bắt đi đày ở Guyane, thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ. Con cháu gia tộc họ Đỗ ở quê nhà, theo tâm nguyện của cha ông đã mở trung tâm thương mại văn hóa phẩm mang tên Mai Lĩnh được mở ngay tại thị xã Phúc Yên. Dần dà, họ mở thêm cửa hiệu Mai Lĩnh tại Hải Phòng, nhà in Mai Lĩnh tại Hà Nội, khơi nguồn cho sự nghiệp xuất bản, báo chí của Mai Lĩnh từng bước đi vững chắc. Một loạt tác phẩm văn học có giá trị của các nhà văn tiêu biểu được xuất hiện lần đầu tại từ nhà xuất bản Mai Lĩnh: Tắt đèn, Việc làng, Lều chõng, Việt Nam văn học tập 1, tập 2; Kinh dịch (Ngô Tất Tố); Trẻ con hát trẻ con chơi (Nguyễn Văn Vĩnh); Thượng Chi văn tập (Phạm Quỳnh).

Nhà văn Hoàng Quốc Hải bày tỏ: “Nếu đầu tư vào bất động sản thì người ta sẽ không còn nhớ đến Mai Lĩnh. Còn đầu tư vào văn hóa, Mai Lĩnh vừa qua tụ được những nhà văn, nhà văn hóa vừa được hậu thế nhắc đến mãi mãi”.

KHẢI MÔNG

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nxb-mai-linh-%E2%80%93-vang-son-mot-thuo-post216236.html