Nvidia chính thức hỏi mua ARM với giá hơn 32 tỷ USD

Không còn là lời đồn, nhà sản xuất GPU lớn nhất thế giới đã chính thức đưa ra lời đề nghị với ngân hàng SoftBank, chủ sở hữu của ARM, trong một thỏa thuận tiền mặt kèm cổ phiếu trị giá 32 tỷ USD.

Nvidia chính thức hỏi mua ARM với giá hơn 32 tỷ USD.

SoftBank của nhà đầu tư tỷ phú Masayoshi Son đã lâm vào cảnh khát tiền mặt nghiêm trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành cùng những khoản đầu tư liên tục thua lỗ. Tập đoàn này đã phải liên tục rao bán cổ phần ở các công ty do mình sở hữu và ARM chính là tài sản mới nhất được đem đi cầm cố.

Có điều, SoftBank vội nhưng thì Nvidia không, dù hai bên đã bắt đầu thỏa thuận từ vài tháng qua. Mức giá mà Nvidia mong muốn là cao hơn 32 tỷ USD mà SoftBank đã dùng để thâu tóm hãng chip Anh quốc này hồi năm 2016, nhưng được trả bằng tiền mặt kèm cổ phiếu.

Nvidia muốn tận dụng lợi thế giá trị cổ phiếu của hãng đã tăng 151% trong năm vừa qua để ép giá. Ở thời điểm đó, Nvidia được định giá 261 tỷ USD, cao hơn đối thủ Intel. Dù hiện tại khoảng cách giữa hai bên là rất nhỏ, nhà sản xuất GPU số 1 thế giới đã vượt qua nhà sản xuất CPU số 1 thế giới.

Nếu có thêm ARM về đội của mình, Nvidia sẽ củng cố vững chắc hơn nữa vị thế số 1 trong ngành công nghiệp bán dẫn. Ở thời điểm này, công nghệ chip di động của ARM đã len lỏi vào tất cả các thiết bị di động và xuất hiện cả ở máy Mac của Apple lẫn trong hệ thống trung tâm dữ liệu.

Có ARM trong tay, Nvidia sẽ đa dạng hóa được dòng sản phẩm của mình, vốn chỉ đang tập trung vào chip đồ họa cao cấp phục vụ cho game thủ hardcore, các nhà nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo, xe tự hành và đào tiền ảo.

Thương vụ thành công cũng sẽ khiến các đối tác bản quyền của ARM như Apple, Broadcom hay Qualcomm run sợ khi tài sản độc nhất rơi vào tay một gã khổng lồ công nghệ vi xử lý như Nvidia.

Ở chiều ngược lại, mất đi ARM sẽ là một đòn giáng mạnh vào tham vọng biến SoftBank thành tập đoàn đầu tư công nghệ tương lai của CEO Masayoshi Son.

Thực tế là ARM dưới thời SoftBank đã không phát triển quá mạnh mẽ. Doanh thu thường niên của công ty này chỉ tăng từ 1,2 tỷ USD lên 1,9 tỷ USD kể từ khi SoftBank mua lại vào năm 2016. Cùng thời điểm, Nvidia tăng doanh thu gấp ba lần.

Dù vậy, SoftBank đã kịp thời rút ruột ARM trước khi rao bán. Tháng trước, mảng IoT của ARM đã được chuyển sang cho một công ty mới dưới quyền điều khiển của SoftBank. Động thái này phần nào sẽ làm chậm tốc độ phát triển công nghệ mới 5G của ARM.

ARM cũng đang gặp khó với người đứng đầu doanh nghiệp liên doanh Trung Quốc khi ông này khước từ việc rời đi và tuyên bố quyền kiểm soát với khối liên doanh này.

Dù thuộc sở hữu của SoftBank (Nhật Bản), ARM vẫn giữ lại vẫn lớn lao động bản xứ và trụ sở ở Cambridge (Anh). Đây là một động thái nhằm xoa dịu chỉ trích nhắm vào việc người Anh sẵn sàng bán đi công ty công nghệ lớn nhất nước mình cho bên nào trả giá cao nhất.

SoftBank và Nvidia hiện chưa có bất cứ bình luận nào về thương vụ mua lại này, dù trước đó đã xuất hiện những lời đồn thổi.

Hữu Phương (Theo Ft)

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vietnamnet.vn/san-pham-so/nvidia-chinh-thuc-hoi-mua-arm-voi-gia-hon-32-ty-usd-260089.html