'Nút thắt' trong chuyển đổi đất lúa

Nhiều địa phương trong tỉnh hiện đang rất muốn chuyển đổi hàng ngàn hécta đất lúa (thông thường trồng được 1-2 vụ/năm và được xem là kém hiệu quả) sang trồng cây ăn trái, lợi nhuận cao gấp 20-30 lần. Thế nhưng, việc chuyển đổi đất lúa không dễ vì vướng vào Luật Đất đai.

Nông dân xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) chuyển đất lúa sang trồng bưởi lợi nhuận tăng gấp trên 20 lần. Ảnh: Hương Giang

Theo quy định, muốn chuyển đổi đất lúa sang đất khác với diện tích từ 10 hécta trở xuống thì phải thông qua HĐND tỉnh, còn trên 10 hécta buộc phải trình Chính phủ phê duyệt.

* Nhiều địa phương muốn được “cởi trói”

Quy định trên đang là nút thắt, khiến nhiều vùng đã quy hoạch đất trồng lúa nhưng lợi nhuận chỉ đạt 15-20 triệu đồng/hécta/năm, người dân muốn chuyển qua trồng cây ăn trái rất khó khăn.

Khảo sát tại các địa phương như: Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ... cho thấy hầu hết người dân đều mong UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ gỡ khó để người dân có thể chuyển đổi những diện tích đất lúa không hiệu quả sang trồng những cây lâu năm có giá trị kinh tế cao, tăng doanh thu và lợi nhuận trên cùng một mảnh đất sản xuất nông nghiệp. Trên thực tế, một số hộ dân không chờ đợi được đã… tự chuyển đổi và lợi nhuận thu về từ trồng cây ăn trái lên đến 500-700 triệu đồng/hécta/năm.

Thu nhập bình quân trên mỗi hécta đất trồng lúa; đất trồng bưởi, cam, quýt (đơn vị: đồng/hécta/năm). Thông tin: HƯƠNG GIANG - Đồ họa: HẢI QUÂN

Ông Trần Minh Tâm, ngụ ấp Cây Xoài, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Trước đây đất của tôi trồng lúa, năm nào mưa thuận gió hòa thì làm được 2 vụ, trừ chi phí còn 20-25 triệu đồng/hécta nên cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn. Sau đó, tôi chuyển qua trồng bưởi, ở năm thứ 6 cây bưởi bắt đầu cho lợi nhuận khá cao, gấp hơn 20 lần so với trồng lúa. Cuộc sống của gia đình tôi nhờ vậy mà sung túc lên”. Nhu cầu muốn chuyển đổi đất lúa vùng cao của huyện Vĩnh Cửu sang đất trồng cây ăn trái hiện lên đến gần 1 ngàn hécta, nằm ở những xã như: Tân An, Bình Lợi, Bình Hòa, Tân Bình...

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Võ Văn Phi cho biết: “Đất ở Vĩnh Cửu trồng bưởi, cam, quýt và những cây ăn trái khác năng suất, chất lượng đều rất tốt. Vì vậy, nhiều người dân rất muốn được chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Nếu được chuyển đổi, lợi nhuận từ những diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên sẽ tăng thêm 500-600 triệu đồng/hécta/năm”. Tính toán sơ bộ cho thấy, chỉ riêng huyện Vĩnh Cửu nếu cho chuyển đổi đất lúa sang trồng bưởi, cam… thì mỗi năm sẽ tăng thu thêm khoảng 500 tỷ đồng từ sản xuất nông nghiệp.

Tương tự, ông Trần Văn Giỏi, ngụ ấp Bảo Vinh A, xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) tính toán: “Tôi có hơn 5 hécta đất trồng lúa, năm nào năng suất, giá cao cũng chỉ thu lời 25-30 triệu đồng/hécta. Nếu có thể cho chuyển qua trồng cây ăn trái ở những nơi đất cao chỉ sau 4-5 năm lợi nhuận sẽ tăng gấp 15-20 lần”.

* Có nên “khư khư” giữ đất lúa?

Theo quy hoạch, tổng diện tích đất lúa của Đồng Nai là trên 30 ngàn hécta, nhằm mục đích bảo đảm an ninh lương thực cho địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Đồng Nai là vùng đất cao, ưu thế không phải trồng lúa nên nếu cứ “khư khư” giữ đất lúa sẽ khiến cuộc sống của người dân khó khăn. Do đó, nhiều người dân cho rằng những vùng đất lúa có thể chuyển đổi sang những cây trồng lâu năm khác cho hiệu quả cao thì nên cho chuyển đổi để tăng thu nhập.

Nhiều vùng trồng lúa 1-2 vụ/năm ở xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) lợi nhuận chỉ dưới 30 triệu đồng/hécta/năm.

Ông Nguyễn Văn Nghị, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú nhận định: “Tân Phú có nhiều vùng trồng lúa nằm trong thung lũng, chen giữa các đồi và chỉ trông vào nước trời để sản xuất. Những diện tích trên nếu được chuyển đổi dân trồng cây ăn trái hiệu quả kinh tế sẽ rất cao. Diện tích cần chuyển đổi có thể lên đến hàng trăm hécta”.

Hiện nay, Việt Nam đã là nước xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới, việc quy định quá ngặt nghèo trong giữ đất lúa có thể khiến nhiều vùng mất đi cơ hội phát triển, nâng giá trị cho những diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Gạo của Việt Nam xuất khẩu giá luôn thấp hơn nhiều nước trong khu vực vì chất lượng chưa cao từ đó dẫn tới lợi nhuận thu về khá thấp. Như vậy, câu hỏi được nhiều nông dân đặt ra là vì sao phải khăng khăng giữ thật nhiều đất lúa với lợi nhuận thấp mà không cho chuyển đổi, hình thành các vùng cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao để vừa tiêu thụ trong nước, xuất khẩu?

“Ưu thế của Cẩm Mỹ là trồng cây lâu năm chứ không phải cây lúa. Vì thế huyện rất mong được chuyển đổi những vùng quy hoạch trồng lúa nhưng thiếu nước sẽ giúp cho các hộ dân tăng thu nhập gấp nhiều lần. Khi đời sống vật chất khá giả, người dân sẽ tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao tốt hơn” - Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Nguyễn Văn Thắng nói.

Do những quy định khá khắt khe trong việc giữ quy hoạch đất trồng lúa nên nhiều hộ dân vì muốn thu nhập của mình tốt hơn đã tự chuyển qua trồng cây hằng năm, lâu năm khác. Chỉ trong năm 2018, diện tích đất lúa người dân tự chuyển đổi là trên 2,7 ngàn hécta. Chuyển từ trồng lúa sang các cây trồng hằng năm như: bắp, rau, đậu, cây ăn trái sẽ tiết kiệm 60-70% lượng nước tưới, về mùa khô bớt phải lo hạn hán. Hiện ngành nông nghiệp đã không còn quá cứng nhắc trong việc giữ đất lúa, nhưng ngành tài nguyên theo quy định của Luật Đất đai vẫn quản rất chặt trên từng hécta đất lúa. Phía chính quyền các địa phương lẫn người dân rất mong sớm làm rõ việc được phép chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang đất trồng cây lâu năm.

Hương Giang

Nên cho chuyển đổi, tăng thu nhập

Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, diện tích đất lúa của Đồng Nai không lớn nên việc chuyển qua trồng những cây lâu năm cho hiệu quả kinh tế cao hơn sẽ không ảnh hưởng gì đến an ninh lương thực của quốc gia. Những vùng có nước nhiều, sản xuất được 3 vụ lúa/năm có thể giữ lại và tập trung vào tăng năng suất, chất lượng, còn những vụ chỉ sản xuất 1-2 vụ lúa/năm nên cho chuyển đổi sang những cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao để tiết kiệm nguồn nước ngọt, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu đang ngày một đe dọa tiêu cực đất sản xuất nông nghiệp.

Thủ tục vẫn rất khó khăn

Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho biết, hiện nay muốn chuyển đổi đất lúa sang đất khác đều phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai là từ 10 hécta trở xuống phải kiến nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua. Trên 10 hécta phải xin phép Chính phủ phê duyệt, nếu được chấp thuận mới chuyển đổi. Việc chuyển đất lúa sang đất trồng cây hằng năm, lâu năm rất khó khăn, phải theo đúng trình tự mới có thể chuyển đổi được.

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201811/nut-that-trong-chuyen-doi-dat-lua-2919605/