Núp bóng dự án để tận thu đất

Chỉ tốn ít tiền nộp phí, xây dựng đề án làm trang trại, cải tạo hồ ao, các doanh nghiệp có thể kiếm được khoản tiền lớn từ việc khai thác đất

Đúng 2 năm trước, trên Tỉnh lộ 7, đoạn qua dự án trang trại kết hợp nông lâm Thảo Hà Viên (gọi tắt là dự án Thảo Hà Viên; ở Khe Đon, xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế), tấp nập xe tải hạng nặng chở đất vào ra. Sau 2 năm "ăn đất", dự án này bỏ lại quả đồi nham nhở.

Trang trại ở đâu?

Dự án Thảo Hà Viên rộng 2,1 ha, do bà Dương Nữ Hà My (ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) làm chủ đầu tư, được UBND thị xã Hương Thủy cho thuê đất từ năm 2014. Theo hồ sơ, trang trại được hình thành sau 2 năm, với các hạng mục như hồ nuôi cá, hồ xử lý rộng 1.700 m2, khu vực chuồng trại nuôi heo, gà.

Để giúp chủ đầu tư biến ngọn đồi cao chót vót ấy trở thành trang trại, ngày 7-2-2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phép bà My hạ thấp quả đồi, đưa 25.200 m3 đất dôi dư đi bán ở các khu vực san lấp mặt bằng.

Hậu quả, sau 2 năm khai thác đất, dự án Thảo Hà Viên để lại là ngọn đồi nham nhở. Sau cánh cổng sắt, các công trình phụ trợ như nhà rường, lán trại nhỏ bị bỏ hoang.

Năm 2018, bà Mai Thị Trinh (ngụ xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) mua 3 ha đất ở thôn Hòa Xuân, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền. Tháng 10-2018, bà Trinh được UBND huyện Phong Điền phê duyệt phương án đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp trên diện tích đất này. Trang trại cũng được vẽ vời ao nuôi cá, chuồng trại nuôi heo, gà, trồng cây lâu năm, ao chứa nước cấp, thải và nhà điều hành… hoàn thành trong 1 năm.

Điều lạ là ngày 24-4-2019, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp quyền khai thác độ sâu trung bình 2,2 m, vận chuyển hơn 34.400 m3 đất cải tạo từ trang trại, trong đó gần 15.500 m3 đất sét làm gạch, số còn lại là đất làm vật liệu san lấp. Cũng như "bánh vẽ" của dự án Thảo Hà Viên, trang trại này sau khi khai thác đất chở đi bán đã để lại những hố đào vượt quá chiều sâu cho phép, hoang hóa.

Đến lúc chuyện đã rồi, bà Trinh nói rằng dự án của bà chỉ nằm cách điểm quy hoạch xây dựng đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn chừng 1 km nên… không dám mạo hiểm triển khai, phải xin điều chỉnh.

Đơn vị thi công công trình cải tạo hồ Sen khai thác đất chở đi bán cho nhà máy gạch

Đơn vị thi công công trình cải tạo hồ Sen khai thác đất chở đi bán cho nhà máy gạch

"Bánh vẽ" cải tạo hồ thủy lợi

Tại huyện Phong Điền đang có 11 dự án nạo vét, cải tạo đất ở các hồ thủy lợi theo hình thức xã hội hóa. Các đơn vị thi công bao trọn kinh phí thực hiện, đổi lại, họ được tận thu khối lượng hàng trăm ngàn mét khối đất mang đi bán làm vật liệu san lấp, làm gạch. Dự án nạo vét, cải tạo 2 hồ thủy lợi là Đập Trại và Hồ Sen do UBND xã Phong Sơn, huyện Phong Điền làm chủ đầu tư nằm trong số này.

Mục đích của dự án nhằm tăng dung tích dự trữ nguồn nước tưới, chống hạn cho hơn 90 ha lúa và chữa cháy rừng. Tháng 8-2018, HTX Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Sông Bồ (HTX Sông Bồ, xã Phong Sơn) được UBND xã Phong Sơn chỉ định trúng thầu gói xây lắp với kinh phí 334 triệu đồng. Theo đó, HTX Sông Bồ sẽ lo toàn bộ kinh phí, từ thiết kế, giám sát, thi công thực hiện dự án nạo vét, cải tạo 2 hồ với tổng diện tích 8,86 ha, độ sâu nạo vét 0,49 m. Bù lại, đơn vị này được cho phép khai thác 43.000 m3 đất, bán cho các dự án san lấp và vật liệu làm gạch sau khi nộp phí gần 120 triệu đồng.

Dù là dự án cỏn con nhưng không hiểu lý do gì mà thời gian thi công đến tận 2 năm. Lúc đầu, thời hạn hoàn thành của dự án là tháng 8-2020 nhưng sau đó được gia hạn đến tháng 8-2021, nên HTX Sông Bồ cứ thế thong dong thi công.

Theo khảo sát, riêng tại công trình hồ Sen, gồm 2 hồ chứa, đơn vị thi công đã đào đắp bờ kè xung quanh. Công trình được ngăn thành đôi, một nửa đầy nước và được cho là đã nạo vét hoàn thành; nửa còn lại lòng hồ đang bị đào xới nham nhở, chỗ sâu hơn 2 m, vượt quá 4 lần cho phép.

Ông Trịnh Xuân Nhân, Chủ tịch UBND xã Phong Sơn, nói rằng đơn vị thi công đã kiếm được món lợi từ việc bán đất từ hồ Sen về san lấp ở các dự án gần đó nhưng đến nay vẫn còn nợ xã khoản kinh phí cấp quyền khai thác khoáng sản.

Theo ông Nguyễn Phước Bửu Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, đây là dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp 4, đơn vị thi công phải có chứng chỉ năng lực thi công xây dựng công trình này tối thiểu là hạng 3, do sở cấp. Tuy nhiên đến nay, HTX Sông Bồ vẫn chưa có chứng chỉ này. Hồ sơ năng lực của nhà thầu cũng không có chứng chỉ trên.

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc HTX Sông Bồ được chỉ định thầu phần xây lắp có đúng quy định, bảo đảm chất lượng hay không.

"Lọt sổ" Thảo Hà Viên

Ông Tôn Thất Anh Phú, Chánh Thanh tra thị xã Hương Thủy, cho biết cơ quan này đã trình dự thảo kết luận thanh tra các dự án được cấp đất làm trang trại, cải tạo đất, tận dụng khai thác đất dôi dư trên địa bàn.

Tuy nhiên, trong số gần 15 dự án được thanh tra thì dự án Thảo Hà Viên "lọt sổ". Về việc này, ông Phú nói rằng danh sách đề xuất là do Phòng Kinh tế hạ tầng thị xã Hương Thủy tham mưu.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện nay không còn dự án cải tạo trang trại, ruộng vườn được phép tận thu đất. Trong khi đó, theo đại diện Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, do nhu cầu đất san lấp lớn trong khi nguồn cung ít nên tình trạng khai thác đất trái phép vẫn còn diễn ra. Từ năm 2019 đến nay, đơn vị này đã phát hiện, xử lý 9 vụ.

Bài và ảnh: QUANG NHẬT

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nup-bong-du-an-de-tan-thu-dat-20200517220414381.htm