Núp bóng ban đại diện cha mẹ học sinh để lạm thu: Sẽ xử lý nghiêm

Thời gian gần đây xuất hiện hình thức mới của lạm thu trong trường học, đó là kêu gọi tài trợ, đóng góp qua Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐD CMHS)... Lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính (KHTC) và Cục Cơ sở vật chất (CSVC), Bộ GD&ĐT cùng khẳng định: Sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện nhà trường và giáo viên núp bóng BĐD CMHS để lạm thu.

Khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho giáo dục đúng quy định, nhưng tuyệt đối không được núp bóng xã hội hóa để lạm thu. Ảnh minh họa: Thanh Tuấn

Khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho giáo dục đúng quy định, nhưng tuyệt đối không được núp bóng xã hội hóa để lạm thu. Ảnh minh họa: Thanh Tuấn

Ranh giới giữa xã hội hóa và lạm thu

Ông Phạm Hùng Anh (Cục trưởng Cục CSVC, Bộ GD&ĐT) chia sẻ: “Bộ GD&ĐT đã có những quy định rõ ràng về các khoản được thu và không được thu trong nhà trường. Xã hội hóa (XHH) đang được khuyến khích, nhưng phụ huynh và các mạnh thường quân muốn XHH CSVC cho trường học cũng phải tuân thủ đúng quy định”.

Khẳng định mọi khoản thu của BĐD CMHS đều phải thực hiện trên cơ sở tự nguyện, nhà trường không thể đứng sau ép phụ huynh, Cục trưởng Cục CSVC phân tích về hiện tượng lạm thu được phản ánh gần đây: “Việc phụ huynh của lớp, của trường muốn lắp điều hòa cho HS sử dụng cũng phải theo quy định, không phải cứ thích là BĐD CMHS thông báo và thu tiền của tất cả các phụ huynh. Bởi thực tế, ngay trong 1 lớp chưa chắc tất cả các phụ huynh đều đồng tình và có khả năng đóng góp”.

Thẳng thắn chỉ ra hiện tượng lạm thu, ông Phạm Hùng Anh nêu: “Trường ngoài công lập ở các thành phố lớn, nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế, 1 - 2 phụ huynh trong BĐD CMHS đứng ra hô hào đóng góp quỹ với mức đóng hàng triệu đồng/năm. BĐD CMHS đứng ra thu tiền, thử hỏi cha mẹ nào không đóng? Đó chính là lạm thu, không thể cổ súy ngay cả với khu vực, trường học có điều kiện kinh tế thuận lợi. Việc đóng góp quỹ phụ huynh nhiều khi rất tế nhị. Không thể để các phụ huynh vì ngại người khác đóng quỹ mà mình cũng phải cố đóng”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Phạm Hùng Anh, để chủ trương XHH được thuận lợi, phụ huynh nào thật sự có điều kiện kinh tế hoàn toàn có thể tự nguyện thông báo với BĐD CMHS và nhà trường rằng cá nhân mình muốn đóng góp tài chính hay vật chất.

“Hỗ trợ CSVC cho nhà trường, mạnh thường quân hay phụ huynh có điều kiện có thể đứng ra thực hiện XHH theo khả năng của riêng mình, chứ không được ép đóng góp chung trong các phụ huynh HS” - ông Phạm Hùng Anh nhấn mạnh.

Để tránh lạm thu núp sau BĐD CMHS, theo lãnh đạo Cục CSVC: “Các trường phải theo dõi và kiên quyết yêu cầu ngừng thu quỹ do BĐD CMHS huy động nếu thấy thực hiện sai quy định. Không phải BĐD CMHS thích đưa ra mức thu như thế nào cũng được, nhà trường không thể đứng ngoài việc này.

Không chỉ ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, ngay ở nơi có điều kiện thuận lợi, trong các trường ngoài công lập có mức học phí nhiều triệu đồng/tháng, BĐD CMHS muốn thu quỹ vài trăm nghìn đồng/năm còn được phụ huynh đồng tình, chứ đưa ra mức thu nhiều triệu đồng/năm, rồi nói rằng để đầu tư CSVC, chi tiêu này khác cho lớp... cũng khó được tất cả các phụ huynh đồng lòng”.

Xã hội hóa (XHH) đang được khuyến khích, nhưng phụ huynh và các mạnh thường quân muốn XHH CSVC cho trường học cũng phải tuân thủ đúng quy định. Ảnh minh họa/ INT

Phân cấp rõ trách nhiệm

Thông tin với Báo GD&TĐ, ông Trần Tú Khánh (Vụ trưởng Vụ KHTC, Bộ GD&ĐT) cho biết: “Cứ đến thời điểm đầu năm học, lạm thu lại diễn ra, với những mức độ và hình thức khác nhau. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mức độ và số vụ, số địa phương có vi phạm đã giảm mạnh”.

Để tiếp tục chấn chỉnh tình trạng lạm thu, riêng trong năm 2019, Bộ GD&ĐT có 2 công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố, các địa phương, cơ sở GD, yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo điều hành giá và các khoản thu trong các cơ sở GD; đồng thời chỉ đạo kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh kịp thời việc thu chi trái quy định trong trường học. Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm.

“Bộ GD&ĐT đã và đang tập trung tiến hành rà soát các văn bản pháp quy, để tiếp tục hoàn thiện và bổ sung cho đầy đủ, dễ thực thi và đi vào cuộc sống. Việc kêu gọi XHH và tài trợ cũng cần được xã hội đồng thuận, hiểu và ủng hộ” - ông Trần Tú Khánh nhấn mạnh.

“Mạnh tay” hơn để xử lý tình trạng lạm thu, công tác thanh tra trường học cũng tiến hành lồng ghép thanh, kiểm tra công tác tài chính trong các cơ sở GD, đồng thời hướng dẫn các địa phương công khai đường dây nóng tiếp nhận các thông tin, hướng dẫn thực hiện và phản ánh các tiêu cực để kịp thời xử lý.

“Hàng năm, Thanh tra Bộ đều có văn bản hướng dẫn công tác thanh tra gửi các địa phương, nhằm xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra theo địa bàn mình quản lý. Thanh tra Bộ chỉ lồng nghép kế hoạch thanh tra chung của Bộ để tổ chức thanh tra toàn diện, điểm một số cơ sở GD, nhằm phát hiện những vi phạm trong việc thực hiện thu - chi đầu năm học; có biện pháp phòng ngừa, cảnh báo, xử lý, hoặc kiến nghị xử lý các sai phạm của các tổ chức và cá nhân theo thẩm quyền, thực hiện thanh tra chuyên đề khi cần thiết và qua công tác thanh tra, kiểm tra cũng đã giúp các địa phương chấn chỉnh công tác thanh, kiểm tra ngày càng tốt hơn” - Lãnh đạo Vụ KHTC nêu.

Tuy nhiên, theo Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 9/5/2013 quy định về hoạt động tổ chức thanh tra GD, quy định thẩm quyền của các cấp thanh tra khá rõ ràng. Chẳng hạn, Thanh tra Sở GD&ĐT có trách nhiệm và thẩm quyền thanh tra chuyên ngành trong đó có thanh tra việc thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí, các nguồn lực tài chính khác đối với phòng GD&ĐT, cơ sở GD mầm non, GD phổ thông, GD thường xuyên, trường chuyên biệt; trường ĐH, học viện, viện, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp theo phân cấp quản lý Nhà nước về GD; cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động GD tại địa phương.

Trong khi đó, Thanh tra huyện có trách nhiệm hành chính đối với cơ sở GD mầm non; trường tiểu học, trường THCS, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp THCS; tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của UBND cấp huyện theo phân cấp. Do vậy, theo ông Trần Tú Khánh: “Công tác thanh, kiểm tra và phát hiện tình hình lạm thu phải do địa phương chịu trách nhiệm”.

Thanh tra Bộ có trách nhiệm hướng dẫn công tác kế hoạch thanh, kiểm tra hằng năm gửi các địa phương tham khảo để xây dựng kế hoạch thực hiện. Thanh tra Sở có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và theo dõi tình hình thu, chi đầu năm học trên địa bàn, nhằm kịp thời có biện pháp xử lý, hoặc kiến nghị xử lý sai phạm của tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền, hoặc báo cáo thanh tra chuyên ngành để phối hợp xử lý (trường hợp vượt thẩm quyền).

Nhà trường không được phép thu tiền của phụ huynh để tăng cường cơ sở vật chất. Còn mạnh thường quân nào muốn hỗ trợ cho nhà trường phải thực hiện theo đúng quy định về xã hội hóa, theo khả năng của cá nhân. Tuyệt đối không được họp phụ huynh để thông báo hay gợi ý các khoản thu để đầu tư cơ sở vật chất cho lớp, cho trường.
Ông Phạm Hùng Anh
(Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nup-bong-ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-de-lam-thu-se-xu-ly-nghiem-4040598-b.html