Nuốt phải giấy ăn, cháu bé 21 tháng tuổi tắc phổi, suy hô hấp

Thấy con khó thở, mặt mũi tím tái nên gia đình vội đưa bé đến bệnh viện. Lúc này mọi người mới tá hỏa vì cháu nuốt giấy ăn dẫn đến nghẽn đường thở.

Ngày 2/4, thông tin từ bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, vừa mới cấp cứu thành công một bệnh nhi nuốt phải giấy ăn.

Theo đó, vào khoảng 13h ngày 1/4, khoa Cấp cứu, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận bé N.D.T.Đ. (21 tháng tuổi) phường Vinh Tân, TP.Vinh trong tình trạng ho nhiều, quấy khóc, khó thở, tím môi, giảm thông khí phổi trái.

Qua kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán sơ bộ lúc vào viện là theo dõi viêm phổi nặng. Tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng tiếp theo của bệnh nhi diễn biến không đặc trưng theo hướng chẩn đoán ban đầu. Cháu Đ. tiếp tục khó thở nhiều, ho tím tái.

Ê-kíp trực tiến hành hội chẩn với chuyên khoa Tai- mũi -họng, Gây mê để đưa ra hướng chẩn đoán và xử trí. Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ nghi ngờ có dị vật gây bít tắc đường thở.

Các bác sĩ trao đổi với người mẹ để tìm ra nguyên nhân.

Liên quan đến sự việc, chị T.N (26 tuổi, mẹ cháu Đ.) cho biết, bé có những biểu hiện bất thường từ tối 31/3. Ban đầu Đ. ho rất nhiều nhưng chị lại chỉ nghĩ là con bị cảm cúm bình thường. Nhưng đến đêm thì bé có biểu hiện ho và khó thở rõ ràng hơn.

“Buổi sáng hôm sau (ngày 1/4), thấy con không chơi nữa, cứ mệt mệt thì cả nhà tôi mới lo lắng thực sự. Gần trưa, khi thấy bé bị tím tái, thở rít vào, cả nhà mới vội vã đưa bé đi cấp cứu tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An”, chị T.N kể.

Khai thác từ gia đình, người mẹ khẳng định cháu không ăn hay nuốt phải vật gì cứng, nhọn. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ, người bố nhớ ra cháu có chơi giấy ăn.

Bệnh nhi được chuyển sang khoa Tai- mũi -họng, ê- kíp phẫu thuật đã nhanh chóng quyết định tiến hành nội soi phế quản bằng ống mềm kết hợp với ống cứng, gắp dị vật cho trẻ. Kết quả mẫu bệnh phẩm được gắp ra từ phế quản trẻ gồm nhiều mảnh giấy ăn.

Dị vật được gắp ra sau phẫu thuật.

BS Trịnh Thanh Hưng, khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết đây là trường hợp hiếm gặp trên lâm sàng, rất khó chẩn đoán, việc khai thác tiền sử khó khăn, triệu chứng lâm sàng không đặc thù.

“Trong quá trình soi, do dị vật mềm và mủn, nằm sâu bít tắc hoàn toàn lòng phế quản phổi trái, lại ở lâu trong đường thở nên việc gắp dị vật ra rất khó khăn, đòi hỏi sự chuẩn xác, cẩn thận”, bác sĩ Hưng nói.

Người mẹ khuyến cáo các bậc phụ huynh sau sự việc.

Hiện sau phẫu thuật gắp dị vật, trẻ tỉnh, sức khỏe ổn định, đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Tai-mũi- họng, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Trịnh Thanh Hưng khuyến cáo tới các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý vì trẻ em thường có thói quen đưa các vật cầm ở tay vào miệng. Đặc biệt, các phụ huynh nên thận trọng với những thức ăn, đồ chơi nhỏ lọt miệng... có thể làm cho trẻ mắc dị vật, để hạn chế những tai biến đáng tiếc xảy ra.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/nuot-phai-giay-an-chau-be-21-thang-tuoi-tac-phoi-suy-ho-hap-a364812.html