Nướng mực khô bằng cồn, người đàn ông bị bỏng nặng

Đang nướng mực, người đàn ông đổ thêm cồn vào lửa đang cháy nên bị bỏng phải nhập viện khẩn cấp.

Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân bị bỏng do cồn.

Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân bị bỏng do cồn.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bỏng 20% ở hai tay và chân, một số vùng da bị hoại tử. Sau khoảng 1 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân có tiến triển, ổn định hơn. Đây là một trong số 4 bệnh nhân khác nhập Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) do bị bỏng cồn, báo điện tử VTC News thông tin.

Trao đổi với PV báo Dân Trí, BS Nguyễn Nam Giang - Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, hàng năm cơ sở y tế này tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị bỏng do nướng đồ khô bằng cồn.

“Thời gian gần đây, lượng bệnh nhân có dấu hiệu tăng mạnh. Chỉ riêng trong tuần này, chúng tôi đã tiếp nhận 5 ca bị bỏng cồn”, BS Giang chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia này, các ca bỏng cồn mà bệnh viện tiếp nhận đều sử dụng loại cồn 90 độ đóng chai. Các loại cồn khô, cồn thạch nấu bằng bếp cháy không mạnh, không bị bùng lên nên hiếm khi gây tai nạn bỏng.

BS Giang phân tích, lửa cồn là ánh sáng xanh nên nhiều khi dưới ánh nắng, bệnh nhân không nhìn thấy ngọn lửa, cứ nghĩ rằng lửa đã tắt nên dùng cồn đổ trực tiếp vào, khiến ngọn lửa bùng lên mạnh gây bỏng.

“Đặc thù của bệnh nhân bị bỏng cồn là thường bỏng ở những vùng nhạy cảm như ngực, chân, tay và mặt. Đây là những vị trí ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ sau này”, BS Giang cho hay.

Bác sĩ Nguyễn Nam Giang – Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. - Ảnh: Dân Trí

Điều trị cho bệnh nhân bị bỏng do cồn cũng giống như những loại bỏng khác. Phác đồ điều trị phụ thuộc vào diện tích và độ sâu của tổn thương bỏng.

BS Giang nói: “Nhìn chung các ca bỏng cồn, quá trình điều trị thường gặp nhiều khó khăn. Trong trường hợp bỏng sâu, phải tiến hành mổ cắt hoại tử và ghép da, khiến thời gian điều trị có thể kéo dài cả tháng trời”.

Nguyên tắc phòng ngừa và sơ cứu tai nạn bỏng cồn

BS Giang khuyến cáo khi sử dụng cồn để nướng đồ khô, người dân cần lưu ý những nguyên tắc an toàn sau:

- Không châm thêm cồn khi lửa đang cháy, mà phải chờ đến khi ngọn lửa tắt hẳn thì mới đổ cồn và bật lửa nướng lần hai.

- Trong trường hợp bị bỏng, trước hết cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng; tiếp đó, cắt bỏ quần áo ở vùng vết thương bị bỏng; rồi ngâm vùng bị thương trong nước mát 15-20 phút; sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến ngay trung tâm y tế gần nhất.

- Tuyệt đối không làm theo các mẹo chữa bỏng được lan truyền trên mạng như bôi nước mắm, kem đánh răng vào vết bỏng vì sẽ khiến tổn thương nặng thêm.

PV (tổng hợp)

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/suc-khoe/nuong-muc-kho-bang-con-nguoi-dan-ong-bi-bong-nang-183396.html