Nương Cheryl Dao: 'Chẳng có đàn ông nào tệ nhất'

Tôi yêu đàn ông Việt. Tôi cũng yêu đàn ông Tây. Sự khác biệt nào cũng có sức hấp dẫn riêng của nó. Đó là lời bộc bạch của Nương Cheryl Dao (tên thật Đào Thị Nương) - tác giả của 'Chuyện hẹn hò Tây - Việt', cuốn sách thú vị dành cho giới trẻ vừa được Saigon Books & NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành. Tác giả đã dành cho Thế Giới Tiếp Thị Online một cuộc trò chuyện cởi mở.

“Vẫn còn nhiều đàn ông Việt gia trưởng, vũ phu”

Chuyện hẹn hò Tây - Việt, hẹn hò giữa đàn ông Tây và đàn bà Việt, không phải bây giờ mới có, nhưng dường như đây là lần đầu tiên có một tập sách "viết toàn bộ" về chuyện này. Chị có thể chia sẻ lý do tại sao mình chọn đề tài này?

-Ở góc độ người viết, đây là một đề tài mới và tôi có hứng thú tìm hiểu bởi tôi nghĩ, nó thật sự thú vị và giúp ích được cho các bạn trẻ, nhất là các bạn nữ hiện đại ngày nay khi họ có nhiều cơ hội học tập, làm việc, giao lưu, tiếp xúc với người nước ngoài. Nhiều bạn trong số đó còn lúng túng, chưa hiểu rõ đối tượng mình hẹn hò, chưa hiểu sự khác biệt, còn mơ hồ, mơ mộng, hay bị lừa dối… hoặc còn chịu cái nhìn “không thấy thiện cảm” của người chung quanh khi hẹn hò đa văn hóa.

Ở góc độ cá nhân, tôi chọn đề tài này vì tôi cũng là một phần trong đó. Cuốn sách này đến như một cái duyên, khi tôi được một người bạn Úc gợi ý. Anh ấy bảo rằng, để thấu hiểu tình yêu và bạn trai của mình, để biết cách dung hòa và nuôi dưỡng tình yêu thì tìm hiểu về nó cũng là một cách hiệu quả. “Một cuốn sách bày tỏ ý kiến của em, của bạn bè em, của những mối tình đa văn hóa mà em có trong đó sẽ hay hơn một cuốn sách đơn thuần là tình yêu lãng mạn. Em hãy nghĩ về điều đó”, anh ấy nhắn nhủ.

Tác giả và tác phẩm "Chuyện hẹn hò Tây - Việt"

Đàn ông Việt, trong mắt đàn bà Việt thường thì rất tệ, đặc biệt là với những người có điều kiện sống hoặc làm việc trong môi trường người nước ngoài. Vậy, dưới góc nhìn của riêng chị, thì đàn ông Việt… tệ nhất ở điểm nào? Đâu là điểm "không thể chấp nhận được"?

-Câu hỏi thú vị quá… Nhưng tôi nghĩ chẳng có đàn ông tệ nhất hay đến mức “không thể chấp nhận được cả”, cũng như không ai có tốt nhất hay hoàn hảo nhất - dù là Tây hay Ta. Điều tuyệt đối nhất là không có sự tuyệt đối, đúng không? Với tôi, tôi nghĩ xã hội nào cũng có người tốt, người xấu. Và trong mỗi một mối quan hệ, sẽ tùy tính cách, quan điểm và mong đợi riêng của mỗi người, mà chúng ta nhìn nhận, người đàn ông đó là được hay chưa được. Trong cuốn sách của mình, tôi luôn khen đàn ông Việt trong tình yêu vì nhìn chung, họ ga-lăng; hiểu văn hóa; chiều chuộng phụ nữ; gìn giữ tốt hạnh phúc gia đình và luôn muốn che chở, chăm sóc cho phụ nữ, tốt hơn hẳn đàn ông nước ngoài. Tôi có bố, anh trai, đồng nghiệp, bạn bè là những “chuẩn man” Việt, họ đều tuyệt vời và tôi luôn rất trân trọng.

Chị cứ nói thật đi, đừng ngại vì tôi là đàn ông…

-(Cười) Nói về những điểm chưa được, thì ngoài ý kiến các chị em, khi phỏng vấn đàn ông Việt, tự các anh ấy cũng tự nhận là có một bộ phận đàn ông Việt ngày nay còn gia trưởng, được gia đình bao bọc nhiều nên thiếu kỹ năng sống và thiếu trải nghiệm nên khiến phụ nữ họ yêu phải buồn nhiều. Họ uống bia và nhậu nhiều, vũ phu, không sẵn lòng san sẻ việc nhà với vợ con, ít biết cách chia sẻ và ngại bày tỏ tình cảm với người mình yêu thương. Đấy là các anh tự nhìn lại mình đấy nhé.

Nhưng đó cũng là thực tế buồn. Cách đây ít ngày, khi ghé chợ mua đồ ăn vào buổi chiều, tôi chứng kiến cảnh một người chồng nhảy vào đánh vợ ngay chợ - dù chị ấy đang mang thai. Nhiều người ở chợ phải nhảy vào can ngăn và mong anh ấy bình tĩnh. Tôi cảm thấy rất buồn về điều này.

Buổi ra mắt sách

“Con gái Việt đẹp, nhưng dễ tán tỉnh, dễ cưa đổ”

Có phải tất cả phụ nữ Việt đều thích trai Tây? Thích vì họ văn minh hơn hay có yếu tố... đào mỏ?

-Theo số liệu gần nhất (tính đến 31/12/2017), phụ nữ Việt Nam hiện ước tính chiếm khoảng 46,5 triệu người, trong khi nam giới là 47,5 triệu người. Không thể nào mà “tất cả” ở đây, tức là 46,5 triệu chị em cùng thích và hẹn hò đàn ông nước ngoài được cả, đúng không?

Trong tình yêu, mỗi người đều có sự lựa chọn riêng và phù hợp với bản thân mình. Ở đây, tôi sẽ nhấn mạnh "sự phù hợp". Nhiều người phụ nữ không thích bạn trai nước ngoài, vì họ quá rạch ròi, sòng phẳng, xa xôi, không ổn định, khác biệt quá nhiều về văn hóa, ngôn ngữ, lối sống, nên họ “tránh” ngay từ đầu để đỡ đau khổ, phiền toái về sau. Trong khi, nhiều phụ nữ khác khi có cơ hội làm việc, tiếp xúc với người nước ngoài thì lại tìm thấy điểm thu hút và sự tương hợp về lối sống, tính cách từ đó nảy sinh tình yêu. Khi chọn lựa một ai đó để yêu thương hay kết hôn, tôi nghĩ là hãy để tình yêu dẫn lối, bất cứ sự lựa chọn nào nằm ngoài điều này đều không nên. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tỉnh táo và có sự lựa chọn sáng suốt.

Tác giả (thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh kỷ niệm cùng các chàng trai Tây và bạn gái Việt trong buổi ra mắt sách

Là một người có… nghiên cứu kỹ về đề tài này. Theo chị thì có điểm gì khác trai Tây ở Tây và trai Tây ở Việt?

-(Cười) Tôi chưa được sống ở phương Tây lâu dài và tôi cũng không phải là người có quá nhiều kinh nghiệm nên tôi cũng không biết họ sẽ khác nhau như thế nào. Nhưng như những gì tôi trò chuyện cùng họ, có lẽ điểm khác là về cách họ yêu và lựa chọn phụ nữ. Ở Việt Nam, các anh chàng nước ngoài đều nói rằng: “Rất dễ để có một cô bạn gái Việt” vì con gái Việt Nam đẹp và khá dễ tán tỉnh, cưa đổ. Thành ra họ dễ hư hỏng và “thay người yêu như thay áo”. Thậm chí họ chẳng cần tốn công sức, chỉ cần lên các trang hẹn hò trực tuyến là ngay lập tức sẽ tìm được một người. Họ “enjoy” cuộc sống nhiều hơn và đôi khi, những chàng trai trẻ quên mất việc có bạn gái nghiêm túc, thật lòng trân trọng để yêu đương, kết hôn.

Trong khi ở nước ngoài, phụ nữ phương Tây khó tính và phức tạp hơn. Để chinh phục một cô gái, họ phải mất nhiều thời gian và phải chứng minh được bản thân, sự nghiệp… Dù bản chất đàn ông nào cũng thích chinh phục nhưng xã hội phương Tây không dung dưỡng cho những thói xấu của họ, phụ nữ và trẻ em luôn được luật pháp bảo vệ và nằm trong nhóm ưu tiên nên họ sẽ ít mắc sai lầm hơn.

Nếu ca ngợi trai Tây, thì chị có nghĩ rằng để "xứng lứa vừa đôi" với trai Tây phải là gái Tây, vì gái Tây chắc cũng sẽ văn minh hơn gái Việt?

-Ông bà ta có câu: “Nồi nào úp vung đó” và tôi vẫn nghĩ, sự chọn lựa, yêu đương và kết hôn với người cùng dân tộc, văn hóa sẽ là tốt nhất. Do đó, đương nhiên, phụ nữ Tây chọn đàn ông Tây hay phụ nữ Việt chọn đàn ông Việt vẫn là tuyệt vời hơn cả. Tôi không muốn ca ngợi đàn ông nào tuyệt đối cả, ngay cả với phụ nữ cũng vậy.

Phụ nữ Tây có những điểm khác biệt và hay ho, nhưng phụ nữ Việt cũng chẳng thua kém. Còn văn minh hay không, thì rất khó để nói, vì điều này nó bao hàm nhiều yếu tố hơn, cả một nền văn hóa, trình độ, học thức, cách cư xử… chắc là không nên so sánh đâu nhỉ.

Thì đàn ông chúng tôi cũng bị mang ra so sánh suốt đấy thôi?

-Đúng vậy. Nếu so sánh để nhìn lại mình, để hoàn thiện hơn thì cũng nên nhỉ.

Nhiều người bảo, phụ nữ Tây mạnh mẽ, độc lập và cái gì cũng hơn chúng tôi (cười), nhưng theo tôi, sự so sánh nào cũng là khập khiễng. Bởi nó phụ thuộc vào cá tính riêng và người mà bạn gặp. Tôi và bạn bè mình cũng từng gặp những phụ nữ Tây lịch sự, duyên dáng, giỏi giang, thông minh và cá tính khiến mình ngưỡng mộ, nhưng chúng tôi cũng gặp những người chẳng có gì thú vị cả. Tức là, ở họ có cả sự giả tạo, đôi khi họ cũng phiền toái, yếu đuối, ghen tuông và có nhiều vấn đề về tâm lý, tinh thần. Trong sách, có anh bạn nước ngoài người Pháp, sống ở Việt Nam đã 10 năm cũng chia sẻ rằng, phụ nữ Việt nhìn bề ngoài mỏng manh, nữ tính, yếu đuối nhưng họ mạnh mẽ hơn phụ nữ Tây rất nhiều.

Để xứng lứa vừa đôi, theo tôi là chẳng có công thức nào cả, tình yêu là tiếng nói của trái tim và chung một nhịp đập. Khi bạn yêu một ai đó thật lòng và được đáp lại, chẳng còn ranh giới, khoảng cách hay vấn đề “xứng hay không xứng” nữa.

Trong tình yêu cũng tồn tại nhiều ngôn ngữ khác nhau, ngôn ngữ giao tiếp, ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ ẩm thực... Theo chị, trong tình yêu giữa đàn ông Tây và đàn bà Việt thì đâu là ngôn ngữ quan trọng nhất?

-Trong ngôn ngữ học, một ngôn ngữ sẽ có nhiều biến thể và phương ngữ. Còn với ngôn ngữ tình yêu, điều quan trọng là bạn nói đúng “ngôn ngữ riêng” của hai người. Và nếu như phải chọn thì tôi nghĩ, ngôn ngữ quan trọng nhất là ngôn ngữ giao tiếp, nhưng tôi muốn nhấn mạnh về “giao tiếp” ở đây: đó là sự chia sẻ, là sự thấu hiểu và lời yêu thương dành cho nhau mỗi ngày. Trong một mối quan hệ đa văn hóa, đây là điều vô cùng quan trọng, để giúp bạn hiểu đối phương, hiểu mong muốn của nhau, sự trông đợi và là cách tốt nhất để nuôi dưỡng tình yêu và dung hòa sự khác biệt. Sau ngôn ngữ giao tiếp, sẽ đến các ngôn ngữ khác như bạn đề cập trên kia.

Có những chuyện gì nhạy cảm, chưa thể nói trong cuốn sách này không?

-(Cười to) Ôi, câu hỏi này thú vị quá!

Những thứ gì đã gọi là nhạy cảm, thì chắc là không nên nói ra. Đôi khi cứ giữ sự bí mật một chút, cuộc đời lại thi vị hơn. Hoặc biết đâu, tôi để dành nó cho cuốn sách tiếp theo thì sao nhỉ?!

Y TRẦN thực hiện

“Tôi viết cuốn sách này khi bắt đầu tuổi 33, độc thân, bận rộn công việc truyền thông ở một tập đoàn và hoàn thành nó ở giai đoạn gần đây khi bỏ việc và chuẩn bị khởi nghiệp.

Tôi viết vì muốn thực hiện một cuốn sách về tình yêu, kiểu tình yêu đa văn hóa tồn tại ngay ở xung quanh mình, chứ chẳng phải tiểu thuyết, cũng chẳng phải tản văn lãng mạn.

Tôi viết với niềm tin rằng tình yêu là thiêng liêng, và sự khác biệt nào cũng có sức hấp dẫn riêng của nó.

Tôi yêu đàn ông Việt. Tôi cũng yêu đàn ông Tây. Xã hội nào cũng có người tốt, người xấu”...

Nương Cheryl Dao

*Nương Cheryl Dao(tên thật Đào Thị Nương) có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông báo chí, từng làm việc tại DongA Bank, Prudential, hiện là Giám đốc SOL Communications. Tác phẩm đã xuất bản: Đời PG (2015)

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nha-van-nuong-cheryl-dao-chang-co-dan-ong-nao-te-nhat-18050.html