Nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững

Với bờ biển dài 250km, diện tích mặt nước hơn 6.000km2, cùng hơn 43.000ha rừng ngập mặn và bãi triều là điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS), với nhiều giống có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn lợi thủy sản tự nhiên đang bị khai thác ngày một cạn kiệt thì việc NTTS trở thành ngành sản xuất được định hướng lâu dài về chiến lược để giúp thủy sản Quảng Ninh phát triển bền vững.

Các hộ nuôi tôm ở TP Móng Cái chuẩn bị các điều kiện để nuôi trồng vụ mới. Ảnh chụp tháng 2/2020.

Các hộ nuôi tôm ở TP Móng Cái chuẩn bị các điều kiện để nuôi trồng vụ mới. Ảnh chụp tháng 2/2020.

Cơ sở nuôi tôm diện tích 7,2ha của hộ ông Bùi Văn Trình, thôn Đông, xã Vạn Ninh (TP Móng Cái) thời gian qua nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn đã cho năng suất cao. Theo mô hình này, diện tích nuôi tôm của ông Trình đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuân thủ quy trình kỹ thuật chặt chẽ từ khâu cải tạo ao, đến lựa chọn con giống, thức ăn và quy trình chăm sóc, hướng tới mục tiêu nuôi an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc, hóa chất...

Hiện đang là đầu vụ nuôi mới, theo ông Trình, gia đình đã thả hơn 80 vạn giống tôm thẻ chân trắng tại 3 ao nuôi. Với công nghệ nuôi tuần hoàn nước, việc thả giống chỉ mất 1 tháng và thời gian nuôi chỉ 2 tháng/vụ. Nước tuần hoàn qua các khâu nuôi, xử lý và thu gom nước thải, hạn chế việc thay nước trong ao nên một năm người nuôi tôm có thể nuôi từ 3-4 vụ. Riêng 2 vụ nuôi trước, mỗi vụ gia đình ông thu được hơn 20 tấn tôm thương phẩm.

Cùng với hộ nuôi nhà ông Trình, thời gian này các hộ và doanh nghiệp NTTS trong tỉnh tập trung duy trì ổn định sản xuất trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), trong quy hoạch phát triển ngành thủy sản Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh xác định rõ việc tập trung cho nuôi trồng đối tượng thủy sản chủ lực theo vùng tập trung, thâm canh gắn với phát triển hạ tầng đồng bộ theo hướng sản xuất công nghiệp, hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng giá trị bền vững.

Người nuôi hàu ở Vân Đồn thu hoạch sản phẩm, tháng 4/2020.

Để đạt mục tiêu đó, tỉnh chú trọng nguồn cung cũng như nâng cao chất lượng giống thủy sản. Trong đó, hình thành các trung tâm giống thủy sản công nghệ cao, hướng tới chủ động, đáp ứng nhu cầu con giống các đối tượng nuôi chủ lực. Việc quản lý chất lượng con giống rất quan trọng, vì vậy Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã chú trọng công tác nâng cao năng lực quản lý giống thủy sản.

Từ năm 2016, tỉnh triển khai 2 đề án, dự án lớn trong lĩnh vực giống thủy sản với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng là: Dự án hạ tầng Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà. Trong đó, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh khởi động từ năm 2018, trên cơ sở nâng cấp dự án sản xuất giống, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính tại xã Tân Lập và xã Đầm Hà của Tập đoàn Việt - Úc, đã đi vào vận hành, xuất xưởng hàng triệu con tôm giống thẻ chân trắng, đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng cao tại chỗ cho người nuôi.

Thời gian tới, ngành thủy sản Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo các địa phương xây dựng quy hoạch chi tiết; trong đó ưu tiên các vùng đã định hướng nuôi trồng thủy sản tập trung và mặt biển nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tốt VietGAP, quy định cơ sở sản xuất an toàn thực phẩm; ban hành các chính sách tiếp cận cụ thể đến từng vùng NTTS...

Công ty CP Than Vàng Danh hỗ trợ nông dân huyện Vân Đồn tiêu thụ nông sản, tháng 3/2020. Ảnh: Vân Anh

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, quý I/2020, tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt trên 31.400 tấn, đạt 23,1% so với kế hoạch, bằng 102,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khai thác 16.860 tấn, đạt 24,8% kế hoạch, bằng100,1% so với cùng kỳ; nuôi trồng 14.600 tấn, đạt 21,5% kế hoạch, bằng 106,1% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, tỷ lệ thủy sản nuôi trồng đang có bước tăng trưởng đáng kể.

Trước những diễn biến của dịch Covid-19, việc tiêu thụ thủy sản cũng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến các hộ nuôi. Tỉnh đang triển khai các giải pháp nhằm tập trung tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn. Trong đó, tổ chức các hội nghị kết nối giao thương cung cầu giữa các cơ sở sản xuất với các đơn vị tiêu thụ, phân phối trong và ngoài tỉnh; hướng dẫn quy định của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam cho các cơ sở sản xuất, chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các tỉnh thành trong cả nước, cơ sở phân phối, đơn vị liên quan thực hiện triệt để những hoạt động hỗ trợ, kết nối tiêu thụ các sản phẩm thủy sản...

Nguyễn Thanh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202005/nuoi-trong-thuy-san-theo-huong-ben-vung-2481782/