Nuôi thủy sản tiêu thụ nội địa

Trước tình trạng đầu ra của đối tượng thủy sản xuất khẩu (cá tra) gặp khó, để thích ứng với dịch bệnh COVID-19, nông dân trên địa bàn TX. Tân Châu đã chủ động tìm hướng đi mới để duy trì ngành nghề, chọn đối tượng thủy sản tiêu thụ nội địa để nuôi.

Làng bè nuôi cá chợ trên kênh Xáng, thuộc xã Long An, Tân An

Từ lươn…

Trong số những đối tượng thủy sản nuôi để tiêu thụ nội địa, nông dân Tân Châu chọn con lươn để phát triển. Các địa phương có phong trào nuôi lươn mạnh, tập trung chủ yếu ở các xã: Tân An, Vĩnh Hòa, Phú Lộc, Vĩnh Xương, Long An. Những năm qua, để tạo điều kiện cho hộ nuôi lươn phát triển, ngành nông nghiệp địa phương đã mở nhiều lớp tập huấn nuôi lươn, đồng thời tiến hành thành lập nhiều tổ liên kết sản xuất để bà con cùng nhau đi vào con đường làm ăn hợp tác. Nhờ vậy, trong thời gian ngắn, nghề nuôi lươn giống, lươn thương phẩm đã trở thành nghề chính của nhiều nông hộ nơi đây.

“Dịch bệnh COVID-19 xảy ra, những hộ nuôi cá tra giống gặp rất nhiều khó khăn, bởi cá tra thương phẩm xuất bán không được, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hộ nuôi giống. Riêng con lươn, thị trường nội địa tiêu thụ rất mạnh, vì vậy đã có nhiều hộ ương nuôi cá tra giống, nhanh chóng chuyển sang nuôi con lươn thịt để có đầu ra ổn định, duy trì cuộc sống gia đình…” - ông Trần Văn Nam (hộ nuôi lươn xã Phú Lộc) chia sẻ.

Gia đình ông Nam nuôi được 7 bồn lươn. Để tránh rủi ro về giá, ông thả con giống theo hình thức rải vụ, nghĩa là mỗi tháng, ông thả giống vào 1 bồn, vì vậy sau 8-12 tháng nuôi, ông thu hoạch mỗi tháng 1 bồn. “Nuôi rải vụ rất có lợi, thứ nhất hộ nuôi không phải “chạy đôn chạy đáo” lo con lươn giống, vì lươn giống hiện nay chủ yếu lấy từ nguồn đánh bắt tự nhiên. Thứ 2, ở thời điểm thu hoạch, nếu tháng trước lươn dội chợ thì tháng sau sẽ có giá, vì vậy hộ nuôi tránh được rủi ro” - ông Nam chia sẻ thêm.

Những tháng xảy ra dịch bệnh COVID-19, giá lươn thịt bà con nông dân bán ra tại nhà từ 210.000-250.000 đồng/kg, trong khi giá vốn chỉ từ 90.000-110.000 đồng/kg. “Cái khó đối với con lươn hiện nay chính là nguồn giống. Đa phần nông dân trong vùng chọn con lươn thiên nhiên để nuôi, chứ ít ai bắt con lươn sinh sản nhân tạo để thả vào bồn, vì vậy khi bà con đồng loạt thả lươn giống thì giá con giống tăng cao…” - ông Trần Văn Hảo (Tổ trưởng Tổ Thủy sản TX. Tân Châu) thông tin.

Nông dân chia sẻ kinh nghiệm trong nuôi giống cá thát lát cườm

…đến cá thát lát cườm

Đẩy mạnh nuôi thủy sản để tiêu thụ nội địa, ngoài đối tượng con lươn, nông dân Tân Châu còn chọn cá thát lát cườm để phát triển, vì đây là đối tượng thủy sản có thị trường tiêu thụ ổn định. Đi đầu trong phong trào phát triển nuôi đối tượng này, phải kể đến hộ nuôi của ông Lâm Vịnh Gia (xã Vĩnh Xương). Mô hình của ông Gia là mô hình khép kín, từ con giống đến cá thịt. Năm tháng sống với nghề nuôi cá thát lát cườm, đời sống của gia đình ông khá ổn định. Làm ăn phát triển, ông còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người khác để cùng nhau làm giàu.

“Cá thát lát cườm hiện nay đã được các doanh nghiệp quan tâm, nghiên cứu chế biến nhiều sản phẩm giá trị gia tăng như: chả cá, cá muối xả ớt, hút chân không (nguyên con), cá thát lát cắt khúc… để bán vào hệ thống siêu thị xuyên quốc gia, vì vậy giá cá nguyên liệu luôn ở mức cao” - ông Gia cho biết. Hiện nay, đối với cá loại 500gr trở lên, thương lái tìm đến hầm mua từ 47.000-55.000 đồng/kg. Có thời điểm thị trường tiêu thụ mạnh, giá cá vượt lên 87.000 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi từ 35.000-40.000 đồng/kg (tùy từng hộ nuôi). Tay nghề cao, kỹ thuật thành thạo, thị trường rộng mở, đối tượng cá thát lát cườm được nông dân Tân Châu chọn nuôi đã góp phần giảm nghèo trong thời buổi khó khăn của dịch bệnh COVID-19.

Đẩy mạnh phát triển nuôi cá để tiêu thụ nội địa (khi tình hình xuất khẩu cá tra còn nhiều khó khăn) là hướng đi mới nhằm duy trì sự phát triển ổn định của ngành thủy sản thị xã, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thời buổi dịch bệnh đang hoành hành. Bên cạnh sự vươn lên của từng nông hộ, ngành nông nghiệp TX. Tân Châu đang liên kết với các ngân hàng trên địa bàn, đẩy mạnh việc giải ngân nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ nông dân.

“Định hướng phát triển thủy sản trên địa bàn TX. Tân Châu thời gian tới là duy trì sản lượng, đối tượng nuôi mang tính ổn định, lâu dài; không mở rộng nuôi nếu chưa có thị trường tiêu thụ. Ngành nông nghiệp tiếp tục vận động nông dân đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình tổ liên kết sản xuất, hợp tác xã để bà con chia sẻ thông tin, tìm đầu ra được dễ dàng cho sản phẩm. Tiếp tục đưa khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi để nâng cao hiệu quả sau mỗi vụ sản xuất” - Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Bùi Thái Hoàng khuyến cáo.

MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nuoi-thuy-san-tieu-thu-noi-dia-a278316.html