Nuôi thú cưng và những ẩn họa khôn lường

Nhà chật, chung cư chật nhưng trào lưu nuôi thú cưng vẫn không hề giảm tại các đô thị. Đi tới đâu người ta cũng dễ dàng bắt gặp cảnh tượng các bạn trẻ dắt chó đi dạo, chở chó trên xe máy đi chơi... Họ cũng có những buổi gặp mặt giao lưu những người yêu chó với nhau và hơn hết là để họ khoe những chú chó đáng yêu, giống quý, đắt tiền của mình. Nhưng đằng sau đó, không ít những trường hợp thú nuôi như là giống chó nhập khẩu từ nước ngoài cắn, gây thương tích nghiêm trọng cho người nuôi, thậm chí có nạn nhân đã chết.

Chó dòng pitbull rất hung dữ

Chó dòng pitbull rất hung dữ

Nuôi thú trong gia đình đã và đang được nhiều gia đình yêu thích. Bên cạnh những con vật đem lại niềm vui cho người nuôi, đã có không ít loài "phản" lại chủ. Ðiều này cảnh báo mối hiểm họa từ thú cưng do chính con người tự mang đến. Đơn cử, vừa qua, ở một nhà dân ở xóm Chợ (thôn Ba Lăng, xã Tiến Dũng, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã xảy ra tai nạn, khi người chủ bị chính con chó (dòng pitbull nặng khoảng 30 kg) tấn công lúc cho ăn. Chớ trêu thay, hàng xóm thấy chủ nhà bị nạn chạy sang cứu cũng bị con chó lao ra cắn, khiến cả hai phải nhập viện với nhiều vết thương nặng trên vai, tay, chân. Trước đó không lâu, những người dân tại phố Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội) đã không khỏi bàng hoàng trước thông tin một bé gái 8 tháng tuổi bị con chó ngao nặng 40kg nuôi trong nhà tấn công khiến em đã tử vong. Đây không phải là trường hợp đáng tiếc đầu tiên xảy ra đối với những gia đình nuôi thú cưng.

Việc các gia đình để trẻ em chơi đùa với các giống chó nuôi đang là mối lo của rất nhiều người. Bởi đối với trẻ em, các em nhỏ thường thích đùa nghịch với vật nuôi. Tuy nhiên, không phải giống chó nào cũng thuần chủng và dễ bảo. Với đặc tính tự nhiên của mình, lại thường bị nhốt trong nhà nên việc các loài chó trở nên hung dữ là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, với hạn chế về chiều cao và sức khỏe, các tổn thương ở trẻ em khi bị vật nuôi tấn công thường để lại hậu quả nghiêm trọng hơn. Đầu, cổ, mặt, hai tay và những vị trí trên cơ thể trẻ nhỏ dễ bị thú cưng tấn công. Không chỉ những con vật nuôi có trọng lượng lớn lên tới hàng chục ký và hung dữ như chó ngao, chó pitbull, doberman, rottweiler, becgie... tấn công mới gây nguy hiểm. Những vết cào hay cắn từ các con vật nuôi nhỏ bé như mèo, chuột hamster… cũng nguy hiểm không kém, có thể gây nhiễm trùng hoặc gây bệnh dại.

Hiện nay, các gia đình cũng thường tự nhân giống từ chó nhập ngoại để bán ra thị trường khiến việc kiểm soát càng thêm khó khăn. Trong khi các cơ quan chức năng còn gặp nhiều vướng mắc trong công tác quản lý nhập khẩu các giống chó cảnh, thì chính sự thiếu hiểu biết của người nuôi đã khiến nhiều gia đình rơi vào những hiểm họa bất ngờ. Để giảm bớt nguy cơ bị thú cưng tấn công và thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2017-2021, thành phố đã yêu cầu các địa phương triển khai tiêm phòng bệnh dại cho chó và mèo. Ðồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân về tính chất, mức độ nguy hiểm của bệnh dại và cách phòng, chống bệnh hiệu quả. Thành phố cũng khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện cho chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng về các trường hợp chó, mèo hoặc động vật khác có biểu hiện bất thường, nghi mắc bệnh để kịp thời xử lý. Kiên quyết xử lý các trường hợp nuôi chó thả rông, ra nơi công cộng không xích, không rọ mõm.

Về phía người dân, để giảm bớt nguy cơ bị thú cưng tấn công, các gia đình khi nuôi chó cần tuân thủ các quy định về tiêm phòng bệnh dại. Khi cho thú cưng ra đường cần có các biện pháp bảo vệ an toàn cho cả chủ và những người xung quanh. Tránh để tình trạng, thú nuôi tấn công người khi đi ngoài đường hoặc ở những nơi công cộng.

Thủ tục nhập cảnh chỉ cần giấy có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y các nước theo tiêu chuẩn đã quy định. Nghị định số 05/2007/NĐ-CP của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật đề cập khá chi tiết. Cụ thể, động vật nhập khẩu vào Việt Nam phải có đủ các điều kiện như có giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu xác nhận là động vật đó không có triệu chứng lâm sàng của bệnh dại; Động vật có nguồn gốc từ vùng lãnh thổ, nước không có bệnh dại ít nhất 6 tháng trước khi xuất khẩu.

Quốc Nam

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nuoi-thu-cung-va-nhung-an-hoa-khon-luong-84694.html