Nuôi tép cảnh - thú chơi cầu kỳ đầy mê hoặc

Với kích thước tí hon, màu sắc phong phú, chủng loại đa dạng, tép cảnh ngày càng được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, thú chơi tốn kém này vô cùng kỳ công và không dễ gì chinh phục.

Tép cảnh hay tép thủy sinh là một thuật ngữ chung cho nhiều loại tép. Tép cảnh thường sống trong vùng nước dày đặc thực vật. Hầu hết những loại tép cảnh phổ biến ở Việt Nam có nguồn gốc từ Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia. Ảnh: CTV

Tép cảnh hay tép thủy sinh là một thuật ngữ chung cho nhiều loại tép. Tép cảnh thường sống trong vùng nước dày đặc thực vật. Hầu hết những loại tép cảnh phổ biến ở Việt Nam có nguồn gốc từ Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia. Ảnh: CTV

Tép có khả năng sinh sản khi đủ 3,5 tháng đến 5 tháng tuổi. Tép trưởng thành có kích thước 2-4cm (bao gồm cả râu) và màu sắc cơ thể rất đa dạng. Không dễ để phân biệt giới tính của các con tép vì chúng có hình dáng khá giống nhau. Ảnh: CTV

Sau khi giao phối, tép mẹ có nhiệm vụ mang trứng theo bên mình (từ 10-20 quả). Giai đoạn này, nếu tép mẹ bị sốc môi trường hoặc hoảng sợ thì chúng sẽ xả (bỏ) trứng. Trong ảnh là một con tép mẹ đang đảo trứng để chuẩn bị sinh. Ảnh: D.T

Tép con sẽ tự tìm thức ăn và lớn lên sau mỗi lần lột vỏ. Sự phát triển của chúng tùy thuộc vào số lượng thức ăn và số lần thay nước. Ảnh: D.T

Không chỉ để tạo cảnh quan, các loại cây thủy sinh còn tạo hệ sinh thái lý tưởng để tép ẩn náu và tìm kiếm thức ăn. Một số loại cây phổ biến và dễ chăm sóc là rêu mini Taiwan, rêu wepping, rêu flame, dương xỉ. Ảnh: D.T

Tép cảnh là loài ăn tạp, hấp thụ cả đạm thực vật và động vật, nhưng có tính cách ôn hòa. Người nuôi có thể cho tép ăn những loại rau, củ, lá dâu... luộc lên để nguội. Ngoài ra, người nuôi cũng có thể bổ sung thêm một số loại thức ăn chuyên dụng dành cho tép có bán trên thị trường. Ảnh: D.T

Tép cảnh rất nhạy cảm, vì thế chất lượng nước là yếu tố cực kỳ quan trọng. Nước luôn phải đảm bảo độ PH, độ cứng của nước (TDS) và nhiệt độ phù hợp với mỗi loại tép. Để đảm bảo được điều này, người chơi tép cảnh có thể đầu tư thêm một số dụng cụ hỗ trợ như hệ thống lọc, đèn chiếu, phân nền, quạt giải nhiệt, máy đo PH, nhiệt kế... với chi phí không hề nhỏ. Ảnh: D.T

Tất cả các dòng tép cảnh đều rất ưa nhiệt độ mát lạnh. Với một số loại tép lạnh, ngoài việc thay nước thường xuyên, người nuôi nên sử dụng máy làm mát nước (chiller) hoặc đặt bể trong phòng điều hòa. Ở Nghệ An, người nuôi tép sẽ khá vất vả để duy trì nhiệt độ lý tưởng cho tép vào mùa hè. Đèn chiếu sáng cũng là một yếu tố cần thiết để giúp tép phát triển, lên màu đẹp và giúp người nuôi dễ dàng quan sát bể. Ảnh: CTV

Trong điều kiện nước mềm và độ axit yếu, tép cảnh sẽ lột xác thường xuyên để lớn lên, màu sắc cũng nhạt hơn. Trong nước cứng và tính axit yếu, màu vỏ sẽ đậm hơn nhưng tép sinh trưởng chậm hơn, khó lột xác và có thể bị chết. Ảnh tư liệu.

Một số giống tép phổ biến và dễ nuôi là: RC, SRC, Firered, Blue Dream, Rili, Socola… Giá thành của tép phụ thuộc vào chủng loại, hoa văn, màu sắc trên vỏ và độ hiếm của nó. Thông thường, giá của chúng dao động từ vài chục, vài trăm nghìn thậm chí vài triệu đồng một con. Cá biệt, có những loại tép lai, tép đột biến được rao giá hàng chục triệu đồng. Ảnh: D.T

“Cuộc sống trong bể tép như một hệ sinh thái thu nhỏ, nhộn nhịp và sinh động. Quan sát, chăm sóc tép cảnh giúp tôi có những phút giây thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng” - anh Hoàng Chính, một người chơi tép cảnh ở TP. Vinh cho biết. Anh đã đầu tư một số tiền không nhỏ cho đam mê này và hiện đang sở hữu 3 bể tép cảnh với số lượng hơn 8.000 con. Ảnh: D.T

Mặc dù nuôi tép cảnh không dễ, đòi hỏi người chơi phải đầu tư, kiên trì, nhưng thú vui này vẫn được rất nhiều người lựa chọn. Trên các diễn đàn thủy sinh, lượng thành viên quan tâm và tìm mua tép cảnh ngày càng đông. Ảnh: D.T

Diệp Thanh

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nuoi-tep-canh-thu-choi-cau-ky-day-me-hoac-283418.html