Nuôi tằm ré không để lấy tơ mà đem bán làm món đặc sản

Là người đầu tiên nuôi tằm làm thực phẩm, làm món nhậu tại địa phương, chị Nguyễn Thị Hậu, ở thôn xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, (Tp Hải Phòng) đã thành công và mang lại hiệu quả kinh tế bất ngờ.

Vốn ít, lời cao

Trước đó, nghề nuôi tằm lấy tơ là một nghề truyền thồng của nhiều địa phương, sau đã bị mai một dần. Mấy năm trở lại đây, nhu cầu thị trường dùng nhộng tằm thực phẩm sạch tăng cao, tằm thương phẩm trở thành món ăn đặc sản được thị trường ưa chuộng. Chị Hậu đã thử sức vào Nam Định tìm tòi giống tằm quý này mang về gia đình cho mẹ mình nuôi thử.

Cho tằm ăn từ 4-5 bữa/ ngày, tằm ré chỉ ăn lá dâu

Cho tằm ăn từ 4-5 bữa/ ngày, tằm ré chỉ ăn lá dâu

Lúc đầu, chỉ là làm theo ý thích, muốn tự mình tạo ra cho gia đình một thứ thực phẩm mới cải thiện bữa ăn hàng ngày. Sau khi nuôi một vài năm chị thấy nhiều người quan tâm tìm đến tận nhà đặt hàng.

Thấy nuôi tằm ré tuy có tốn công trong việc hái lá dâu nhưng cũng là thứ công việc nhẹ nhàng phù hợp với phụ nữ lại cho thu nhập cao hơn việc nuôi gà hay nuôi lợn nên chị Hậu đã quyết định mở rộng thêm diện tích trồng dâu nhiều hơn trước và nuôi số lượng tằm lớn hơn.

Với giá bán 250 ngàn đồng/kg tằm chín làm thực phẩm, mỗi lứa tằm gia đình chị cũng thu hoạch từ 20 – 25kg. Nguồn tằm thực phẩm này lúc nào cũng khan hiếm, chẳng có để bán nhiều khi khách hàng đặt trước cũng chẳng dám nhận lời, tằm chín tới đâu là bán sạch bách tới đó.

Chị Hậu chia sẻ: “Giống tằm gia đình chị đang nuôi là tằm ré, tằm này là thứ tằm truyền thống. Tằm ré chỉ ăn thức ăn là lá dâu và không ăn bất cứ thứ lá nào khác. Tuy nhiên, chúng lại có ưu điểm vượt trội đó là chống chọi được với mọi thời tiết, ăn khỏe và sinh trưởng phát triển tốt.

Nuôi tằm là công việc nhẹ nhàng ai cũng làm được

Nuôi tằm không đòi hỏi phải đầu tư về vốn, chỉ cần sắm sửa một số nong, nia đan bằng tre và dành một phần đất phù sa ở bãi sông hay tận dụng những chỗ đất cao cao để trồng dâu là có thể nuôi tằm được.

Tằm ré rất nhạy cảm với mùi hóa chất. Đơn giản lúc sơ ý chẳng may để chậu quần áo có mùi nước xả vải gần khu vực tằm nuôi là tằm cũng bị đổ bệnh chết. Vậy nên, người nuôi tằm phải trồng dâu ở những nơi riêng biệt cách ly hoàn toàn với những vùng canh tác trồng trọt khác để tránh nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và những thứ hóa chất khác.

Nguồn thực phẩm quý

Một ngày tằm phải ăn từ 4 -5 bữa, lúc nào cũng phải để mắt tới chúng. Nhất là công việc hái lá dâu, bởi bất lúc nào cứ ban ngày thấy trời tạnh ráo là phải đi hái. Lá dâu cho tằm ăn phải luôn khô, không may tằm ăn phải lá ướt sẽ mắc bệnh rồi chết.

Tằm ré, nuôi khoảng 30 ngày một lứa, nếu nhà nhiều nhân công để hái lá dâu có thể nuôi gối thì một tháng cũng cho thu hoạch 2 -3 lứa. Con tằm ré thích nghi được với mọi thời tiết, nếu chủ động được nguồn thức ăn thì có thể nuôi trong cả năm. Nhưng thường từ khi vào rét độ tháng 11 trở đi cây dâu không phát triển lá thì chỉ nuôi cầm cự với số lượng nhỏ để duy trì giống cho năm sau.

Tằm ré là thực phẩm giàu dinh dưỡng đang được yêu chuộng

Khâu lựa chọn tằm ươm giống cũng khá cầu kỳ, phải tuyển chọn những con to khỏe bắt riêng để chúng bám lên chổi lau nhà hay bối bòng bong làm tổ. Khoảng sau 9 ngày cuộn tổ, tằm tự động cắn tổ thành con bướm tự chui ra. Lúc này người nuôi lại phải chủ động bắt riêng con đực và con cái vào với nhau để tằm phối khoảng thời gian nửa ngày tiếp tục bắt bướm đực ra để bướm cái đẻ trứng, 9 ngày tiếp theo trứng sẽ nở thành tằm con.

Trong quá trình nuôi luôn phải theo dõi tằm ăn hàng giờ, nếu những con nào bị bệnh chúng bỏ ăn bò ra miệng lia sẽ phải bắt ra nếu không sẽ lây những con khác. Lúc tằm còn nhỏ lá dâu được thái thành sợi trước khi cho tằm ăn, nếu tằm có dấu hiệu bị bệnh thì phải xử lý bằng vôi bột.

Tằm rất tốt cho sức khỏe, trong đông y còn sử dụng con tằm để hỗ trợ chữa một số bệnh như còi xương ở trẻ nhỏ, bệnh bại liệt, bệnh sa sảy của phụ nữ…Tằm có thể chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng khác nhau như, sao vàng giã nhỏ ngâm tẩm với mật ong, chiên giòn vắt chanh hay đánh trộn trứng gà rán thơm…từ trẻ em đến người lớn ai ăn được là rất thích thứ thực phẩm này.

Phân tằm cũng là một thứ nguyên liệu quý hỗ trợ điều trị nhiều bệnh

Phân của tằm ré sau khi phơi khô xao vàng hạ thổ làm trà uống có tác dụng hỗ trợ làm tản nhiệt, trừ phong, thanh lọc phổi, điều hòa gan, sáng mắt, chóng mặt, nhức đầu, mắt đỏ mờ.

Ông, Nguyễn Công Tịnh – Phó Chủ tịch UBND xã Phù Ninh đánh giá cao về mô hình nuôi tằm của gia đình chị Hậu. Đây là mô hình khá mới mẻ tại địa phương. Ngoài việc cung cấp món ăn đặc sản cải thiện điều kiện dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày thì việc nuôi tằm còn tận dụng thời gian nông nhàn ở nông thôn. Việc nuôi tằm hơi vất vả so với nuôi một số con khác nhưng có ưu điểm chi phí thấp hiệu quả kinh tế cao, ông Tịnh nói.

Thu Thủy

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/nuoi-tam-re-khong-de-lay-to-ma-dem-ban-lam-mon-dac-san-981139.html