Nuôi ong lấy mật

Tới nay, nuôi ong lấy mật đã trở thành một nghề. Nhiều hộ gia đình đã có thu nhập cao từ nuôi ong lấy mật.

Đặc biệt, vào dịp này, mùa Xuân, người dân lại vào một “vụ” ong mới. Tuy nhiên, để thu được lợi nhuận cao, thì cũng rất cần nắm được kỹ thuật cơ bản nuôi ong.

Có 2 loại ong được nhiều người nuôi, là loài ong làm tổ ngoài trời (lộ thiên), ví dụ như ong khoái. Thứ hai là ong làm tổ trong hốc đá, hốc cây hoặc thùng ong, trong đó có ong nội địa, ong Ý. Ở đây, xin được giới thiệu cách nuôi và khai thác loài ong nuôi trong thùng. Điển hình lá loài ong Ý.

Thành phần của đàn ong quan trọng nhất là ong Chúa. Ong chúa là con cái có khả năng sinh sản duy nhất trong đàn. Tuổi thọ ong Chúa từ 3 đến 5 năm. Trong khi đó ong đực số lượng đến hàng trăm con và chỉ xuất hiện khi đàn ong ở thế xung mãn.

Con ong thợ, chính là thành phần chủ lực của đàn ong. Ong thợ là con cái nhưng buồng trứng không phát triển nên không sinh sản được. Chúng làm việc được phân công theo ngày tuổi: Từ 1 đến 3 ngày tuổi chỉ ở trong tổ làm nhiệm vụ bảo ôn (quạt thông khí và điều hòa nhiệt độ trong tổ). Từ 4 đến 10 ngày tuổi, ong thợ ăn mật và phấn hoa để tạo ra sữa nuôi ấu trùng tuổi nhỏ và nuôi ong Chúa (do đó sữa này được gọi là sữa ong Chúa). Từ 11 đến 20 ngày tuổi, ong thợ làm nhiệm vụ xây tổ và ra ngoài tập bay, nhận diện cửa tổ để chuẩn bị đi làm việc bên ngoài, chúng còn làm nhiệm vụ lấy mật. Từ 21 ngày tuổi trở lên, ong đã trưởng thành và đi lấy mật hoa và phấn hoa, khi về già chúng làm nhiệm vụ canh tổ, đến khi gần chết chúng bay xa tổ và chết. Chính vì thế mà người ta không bao giờ thấy ong chết già ở trong tổ hoặc gần tổ. Tuổi thọ ong thợ từ 30 đến 50 ngày.

Người nuôi ong làm thùng nuôi ong và các khung cầu di động (thùng có thể chứa được 10 cầu ong), kích thước bên trong thường là 47cm x 43 cm x 25 cm, có 2 cửa sổ có thể đóng mở hai đầu để tiện cho việc di chuyển. Có lỗ to và sàn bay để ong ra vào. Có nắp đậy để chống nắng mưa.

Một đàn ong cơ bản là một đàn ong có đầy đủ thế hệ ong thợ và các thế hệ trứng và ấu trùng ong. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tăng cầu ong?

Theo đó, một đàn ong muốn tăng thêm cầu thì phải hội đủ các yêu cầu sau: Sức sinh sản Chúa con dư thừa; Nguồn thức ăn dồi dào (dư phấn và mật)và số lượng quân dư. Lưu ý thùng ong luôn phải điều chỉnh ở để nhiệt độ là 35 độ C, độ ẩm 95%.

Người nuôi ong cũng cần biết phấn và mật đủ hay thừa, thiếu. Nếu thiếu ta phải cho ăn bổ sung phấn hoa nhân tạo.

Đặc biệt, người nuôi cần biết cách tạo ong Chúa. Khi đàn ong xung mãn, khi nguồn phấn, mật dồi dào hoặc ong Chúa đã già thì đàn ong có khuynh hướng tạo những nụ để nuôi Chúa mới để thay thế hoặc chia bầy.

Có hai phương pháp tạo Chúa nhân tạo. Một là phương pháp đàn không Chúa: Chọn một đàn ong từ 6 đến 7 cầu tiêu chuẩn, bỏ bớt đi cầu trứng và trùng nhỏ, con Chúa có thể nhốt lại hoặc đem đi chỗ khác. Sau đó đưa vào giữa tổ 1 khung có gắn 2 thang nụ Chúa có khoảng 20 đến 25 nụ Chúa. Hai là phương pháp đàn có Chúa: Chọn đàn ong có 8 hoặc 9 cầu quân thật đông (có thể quân bu cả trên nắp). Dùng một ván ngắn đặt vào giữa 4 cầu nhộng, như vậy 2 cầu nhộng và cầu mật sẽ ở bên ngoài và ở đây không có ong Chúa, bên kia ong Chúa vẫn đẻ bình thường. Đưa khung tạo Chúa vào giữa hai cầu nhộng.

Còn về chia đàn: Những đàn từ 7 cầu đông quân trở lên đều có thể chia đàn.

Văn Dân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nuoi-ong-lay-mat-557215.html